Huyện Quảng Xương (Thanh Hóa): Kiên quyết xử lý nạn khai thác tận diệt thuỷ sản tại vùng bãi ngang

Thứ tư, 13/06/2012 15:34

(ĐCSVN) - Đã từ mấy năm nay, tại vùng biển bãi ngang trên địa bàn huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) xảy ra tình trạng một số người sử dụng loại dụng cụ khai thác thủy sản có tính chất tận diệt, làm cạn kiệt nguồn thủy sản và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngư trường, gây bức xúc cho ngư dân nơi đây.

Vùng biển bãi ngang của huyện Quảng Xương từ xưa đã nổi tiếng là nơi quy tụ nhiều loài thủy hải sản quý như tôm, cua, mực và nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao, vốn là một ngư trường lớn của ngư dân vùng này. Tuy nhiên, những năm gần đây đã xảy ra tình trạng một số ngư dân dùng các loại ngư cụ khai thác có tính tận diệt, làm cạn kiệt các nguồn thủy hải sản, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của đông đảo ngư dân địa phương; đồng thời, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trên biển, gây bức xúc trong ngư dân trên địa bàn các xã trong huyện.

Theo điều tra của phóng viên, từ năm 2010, một số hộ ngư dân tại các xã Quảng Thái, Quảng Lưu, Quảng Đại, Quảng Hải… thuộc huyện Quảng Xương đã vay tiền để mua sắm một loại ngư cụ có tên là “vàng rùng”. Đây là một loại lưới quét rất lớn, phải dùng máy tời mới kéo nổi. Đặc biệt, loại lưới này có mắt lưới rất nhỏ, kéo rê sát đáy biển, có thể vơ vét tất cả các loại thủy sản lớn bé, từ cá, cua cho đến tôm, mực, thậm chí đến cả loài moi (một loài thủy sản có kích thước nhỏ như loài tép nước ngọt) cũng không thoát khỏi mắt lưới. Mỗi chủ “vàng rùng” sử dụng tới khoảng 50 người làm thuê. Họ sử dụng hai cách khai thác. Một là đặt máy kéo bánh xích loại 230 mã lực trên bãi cát, rồi cho thuyền chở lưới bủa vây một diện tích lớn trên biển, sau đó dùng tời trên xe bánh xích kéo rê lưới “vàng rùng” sát đáy biển, thít dần lưới vào, vét sạch những gì lọt vào tầm lưới. Hai là đặt lưới trên tàu sắt có công suất lớn, di chuyển trên vùng biển bãi ngang để càn đi quét lại các loài thủy hải sản.  

 

 Phóng viên trao đổi với ngư dân có bè mảng không hoạt động được do
 bị "vàng rùng" cản trở.


Trong những năm 2010, 2011, chỉ với vài chiếc “vàng rùng”, các hộ ngư dân này đã càn quét ngang dọc, vét hầu hết các loài thủy hải sản tại vùng biển bãi ngang của huyện Quảng Xương, làm cho chúng không kịp sinh sôi nảy nở; đồng thời, làm cho các hộ ngư dân trong vùng không còn đất làm ăn, gây hoang mang, bức xúc trong ngư dân. Vì lý do này, đã có nhiều cuộc xô xát xảy ra, gây mất trật tự an ninh trên biển.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) xã Quảng Đại, chúng tôi được ông cho biết: Các loại thuyền, bè nhỏ của ngư dân đều nằm phía trong tầm kéo của loại lưới “vàng rùng” nên mỗi khi “vàng rùng” hoạt động, ngư dân không thể ra đánh bắt nữa. Còn nếu cứ liều hoạt động thì sẽ bị lưới “vàng rùng” quét trúng, gây nhiều thiệt hại. Nhiều ngư dân đã bị gãy chân vịt tàu, trục máy, thậm chí rách hoặc mất cả lưới. Đặc biệt, khi chủ “vàng rùng” dùng máy kéo bánh xích loại 230 mã lực đặt trên bãi cát, kéo lưới, sẽ cày trên bãi biển thành những hào sâu và bờ cát lớn, ngăn cản không cho thuyền bè xuống biển. Trước tình thế này, nhiều ngư dân quá bức xúc, đã tự động bàn bạc và cùng nhau góp tiền, đúc những khối bê tông lớn cắm móc sắt thả xuống biển để ngăn chặn lưới “vàng rùng” hoạt động, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho các loại phương tiện và người tắm biển. Trên địa bàn xã cũng đã xảy ra nhiều vụ xô xát giữa những người khai thác thủy hải sản trái phép và các ngư dân bị lâm vào cảnh mất công ăn việc làm…

Tại UBND xã Quảng Lưu, trao đổi với ông Nguyễn Công Sinh, Chủ tịch UBND xã, chúng tôi được ông cho biết: Từ năm 2010, trong xã có ngư dân mua sắm loại phương tiện này để đánh bắt thủy sản. Ban đầu chính quyền xã cũng phấn khởi khi thấy “vàng rùng” giải quyết được công ăn việc làm cho khoảng 50 lao động, với mức thu nhập mỗi người khoảng 50 ngàn đồng/ngày. Thế nhưng, loại phương tiện đó ngày càng gây ra những tác hại, tận diệt nguồn lợi thuỷ sản, gây ra mất trật tự an ninh trên biển, làm cho đông đảo ngư dân bức xúc phản đối. UBND huyện Quảng Xương đã chỉ đạo chính quyền các xã vùng bãi ngang phải tuyên truyền, vận động và có biện pháp chấm dứt việc vi phạm trên. Tuy nhiên, chính quyền xã cũng đang trăn trở tìm hướng xử lý, bởi các chủ "vàng rùng" do kém hiểu biết pháp luật nên đã trót vay vốn ngân hàng để đầu tư tới bảy, tám trăm triệu đồng cho một “vàng rùng”, nếu không được hành nghề sẽ rất khó khăn… 
 
 

  Máy kéo bánh xích đang hoạt động kéo lưới "vàng rùng" trái phép trên
 bãi cát tại xã Quảng Đại.


Để tìm hiểu thêm, chúng tôi đã tìm gặp và trò chuyện với nhiều ngư dân nơi đây. Theo một số “lão ngư” có nhiều năm đi biển, do kích thước “vàng rùng” rất lớn và mắt lưới lại rất nhỏ, nên bình quân một ngày hoạt động có thể thu hoạch những mẻ tôm cá lớn, trung bình đạt khoảng 70 triệu đồng/ngày. Nếu trừ chi phí và trả hết công lao động thì trong hai, ba năm qua các chủ “vàng rùng” cũng đã thu lãi tiền tỷ, thừa sức trả hết nợ và còn có lãi. Đồng thời, các "lão ngư" cũng đặt câu hỏi: Nếu chính quyền xã “thông cảm” với khó khăn của các chủ “vàng rùng” thì còn hàng ngàn ngư dân với hàng trăm phương tiện loại nhỏ của họ phải nằm bờ do các “vàng rùng” cản trở sẽ phải tính sao? Nếu không chấm dứt hoạt động đánh bắt trái phép của các “vàng rùng” trên, buộc tất cả ngư dân chúng tôi phải góp tiền mua “vàng rùng”, tàn phá ngư trường vùng bãi ngang của xã, của huyện, liệu chính quyền có chấp nhận không?

Chúng tôi cũng đã trao đổi với một cán bộ Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Thanh Hoá, được ông nêu nhận xét: Nếu trên ngư trường bãi ngang của huyện Quảng Xương, chỉ cần có 3 “vàng rùng” hoạt động cùng một lúc, một ngày mỗi “vàng rùng” đánh 2 mẻ thì khó có thuyền bè nào của ngư dân vùng bãi ngang có thể ra biển để kiếm sống. Đặc biệt, loại “vàng rùng” này vi phạm Luật Thuỷ sản về kích thước mắt lưới, vì vậy nó gây ra sự xâm hại đến nguồn lợi thủy sản. Về chế tài, loại vi phạm này sẽ bị xử lý bằng hình thức cắt lưới để vô hiệu hoá.

Mặc dù UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ “vàng rùng” phải tự giác gỡ bỏ loại ngư cụ trên, nếu không chấp hành sẽ xử lý nghiêm. Nhưng do chưa xử lý kiên quyết, trong những tháng đầu năm 2012, trên vùng biển bãi ngang của huyện Quảng Xương vẫn còn một số “vàng rùng” loại lớn của các xã Quảng Lưu, Quảng Hải hoành hành, gây khó khăn cho đời sống của nhiều ngư dân. Ngày 20/5/2012, 3 bè luồng của ngư dân xã Quảng Đại lại gần 1 chiếc tàu sắt trên biển đang điều khiển vàng rùng để đề nghị họ thu lưới về nhưng đã bị những người trên tàu tấn công. Những ngày sau đó, “vàng rùng” vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép ở vùng bãi ngang hai xã Quảng Đại, Quảng Hải. Ngư dân xã Quảng Đại đã tự tổ chức họp, chuẩn bị có những hành động đáp trả để ngăn cản hoạt động của các chủ phương tiện “vàng rùng”. Ngày 25/5/2012, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với một số ngư dân tại thôn 9, xã Quảng Đại. ông Hoàng Văn Uyên, một “lão ngư” đã 74 tuổi bức xúc cho biết: “Các chủ “vàng rùng” ngang nhiên đánh bắt hải sản trái phép, vi phạm pháp luật và cướp công ăn việc làm của chúng tôi, coi thường chỉ đạo của xã và huyện. Vì vậy chúng tôi phải bắt tay hành động”. Không khí các thôn ven biển xã Quảng Đại trở nên căng thẳng. 
 
 

 Phương tiện nhỏ của ngư dân phải nằm bờ do hoạt động trái phép của "vàng rùng".


Trước tình hình trên, do kịp thời nắm bắt thông tin từ chính quyền các xã, từ các trinh sát của bộ đội biên phòng, công an và các phóng viên báo chí phản ánh, ngày 30/5/2012, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo 3 xã: Quảng Đại, Quảng Hải, Quảng Lưu. Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, nếu phát hiện hộ dân nào cố tình khai thác thủy sản vi phạm quy định, phải kiên quyết lập biên bản tạm giữ phương tiện và xử lý theo pháp luật; đồng thời tạo điều kiện cho các hộ dân này được vay vốn ưu đãi để chuyển nghề khai thác phù hợp. Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm túc, dứt điểm đối với các tổ chức, cá nhân tranh chấp, gây rối trật tự trên biển. Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Nếu xã nào để xảy ra khai thác trái phép thì bí thư, chủ tịch và trưởng công an xã phải chịu trách nhiệm.

Ngay sau khi có chỉ đạo kiên quyết của Chủ tịch UBND huyện, chính quyền các xã phối hợp với các cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp đồng bộ và hiệu quả, xử lý dứt điểm hoạt động của các chủ “vàng rùng”; đồng thời tiến hành các biện pháp ngăn chặn hiệu quả mọi hoạt động gây rối trên biển, lập lại kỷ cương, an ninh trật tự vùng bãi ngang. Các “vàng rùng” không hoạt động nữa, mọi tàu thuyền, bè mảng của ngư dân lại bắt đầu tấp nập ra khơi đánh bắt thủy hải sản. Cuộc sống bình yên đã dần trở lại với đông đảo ngư dân vùng bãi ngang huyện Quảng Xương. Tuy nhiên, trong ngày 3/6/2012, tại vùng ven biển xã Quảng Lưu, một “vàng rùng” loại lớn của một hộ dân xã này vẫn “vô tư” hoạt động, làm cho một đám đông ngư dân xã Quảng Đại (là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất của loại phương tiện này) tụ tập phản đối gay gắt. Ngay lập tức lãnh đạo chính quyền, đại diện lực lượng bộ đội biên phòng, công an địa phương đã có mặt vận động nhân dân không được manh động, giải tán để cho chính quyền và cơ quan chức năng xử lý. Đến trưa cùng ngày, chủ phương tiên đã chấp nhận thu lưới về, chấm dứt việc khai thác trái phép và ký cam kết không tái phạm.

Với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo UBND huyện, với các xử lý kiên quyết, dứt điểm của UBND các xã, cùng sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, liên ngành giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên biển, đến nay tình hình an ninh trật tự tại địa phương đã dần ổn định. Hàng ngàn ngư dân vùng bãi ngang huyện Quảng Xương, Thanh Hoá đang bắt đầu yên tâm đẩy mạnh sản xuất và ổn định cuộc sống./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực