Ngăn chặn bạo lực tuổi học đường: Cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ

Thứ sáu, 04/11/2016 23:23
(ĐCSVN) – Thời gian qua, tình trạng bạo lực tuổi học đường liên tiếp xảy ra ở một số địa phương, làm ảnh hưởng tới môi trường giáo dục, môi trường xã hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Các cấp, các ngành, địa phương đã vào cuộc xử lý nhưng dường như vẫn chỉ là “ném đá ao bèo”, chưa thấy có chuyển biến tích cực.

Chỉ trong tháng 10 vừa qua, nhiều clip đánh hội đồng bạn liên tiếp được chia sẻ trên mạng xã hội. Trong ngày 4/10, một đoạn clip xuất hiện trên Facebook ghi lại hình ảnh 6 học sinh trường THCS xã Quỳnh Long lao vào đánh hội đồng 2 nữ học sinh THCS xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An rất dã man. Trong clip 6 nữ sinh vừa cười cợt hả hê vừa đấm, đá, rồi nhóm người này còn sử dụng dép tát nhiều cái vào mặt, đầu, toàn thân 2 nữ sinh một cách túi bụi, không ghê tay.

Tối 5/10, clip dài hơn 1 phút quay cảnh hai nữ sinh hành hung một cô gái ở TP Huế (Thừa Thiên - Huế). Nạn nhân chỉ biết đưa tay đỡ đòn khi bị hai người đánh tới tấp.

Ngày 18/10, cộng đồng mạng “hết hồn” khi xem clip ghi lại cảnh ba nữ sinh đánh nhau quyết liệt. Trong clip, một nữ sinh đã bị hai nữ sinh khác đánh “hội đồng” trong sự kháng cự yếu ớt. Vài ngày sau, lãnh đạo trường THCS Lê Lợi (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) xác nhận ba nữ sinh đánh nhau xuất hiện trên mạng xã hội ngày 18/10 là học sinh của trường.

Đau lòng nhất là cái chết của em Quang Huy (15 tuổi) ở Yên Bái. Cũng xuất phát từ bạo lực học đường, cậu học sinh cấp 2 đã tự tử sau khi clip em bị đánh, bắt quỳ giữa đường trước mặt bạn bè lan truyền trên mạng.

Một cảnh bạo lực giữa nữ sinh với nhau. (Ảnh chụp từ clip)

Điều đáng buồn là khi chứng kiến ẩu đả, nhiều học sinh đứng ngoài xem, cổ vũ, rồi rút điện thoại quay clip với thái độ khoái trá vì sắp có clip “hay” được tung lên mạng. Có người đã phải thốt lên rằng: “Sự tàn nhẫn, vô cảm trong các em đến mức đấy là cùng! Chẳng lẽ văn hóa học đường đang xuống cấp nghiêm trọng vậy! Không hiểu vì sao thế hệ trẻ đang ứng xử với nhau một cách vô văn hóa như vậy ?”.

Một sinh viên ở Hà Nội từng là nạn nhân của bạo lực học đường kể: “Mấy năm cấp 2 bị các bạn trong lớp bắt nạt, lúc đó em chỉ muốn bỏ học, thậm chí chỉ muốn chết đi. Giờ đang là sinh viên rồi không còn bị bắt nạt nữa, nhưng nghĩ lại quãng thời gian đó vẫn thấy sợ hãi”.

Ngành Giáo dục, cơ quan công an, lãnh đạo địa phương đã kịp thời vào cuộc xử lý các đối tượng hành hung, nhưng có thể thấy mọi chuyện vẫn như giậm chân tại chỗ. Vài ngày, vài tuần lại xuất hiện trên mạng clip đánh nhau. Kẻ đánh bạn vẫn đánh ngày một bạo lực, kẻ quay clip vẫn cứ ngang nhiên tung lên mạng, không chùn tay, không biết sợ, bất chấp hậu quả về sau.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, cả nước đã xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, trong đó có cả các vụ án hình sự và ngày càng gia tăng. Học sinh đánh nhau không chỉ dùng chân tay mà còn dùng cả hung khí để “xử nhau”.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, trong phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (tỉnh Hưng Yên) bức xúc nói: Bạo lực học đường đang là vấn nạn của xã hội. Tình trạng bạo lực ở lứa tuổi vị thành niên ngày một gia tăng theo trào lưu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, vai trò của nhà trường và thầy cô trong việc giáo dục hình thành nhân cách học sinh là rất quan trọng.

Có thể thấy, vấn đề đại biểu Quốc hội nêu lên tại nghị trường cũng là tâm tư của phần đông phụ huynh đang có con đi học. 

Cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý và răn đe

Đưa ra giải pháp trước mắt, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc kiến nghị với Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành có sự đầu tư thỏa đáng, thắt chặt an ninh mạng, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa những thông tin trang mạng, trang quảng cáo chứa nội dung không lành mạnh, những trò chơi bạo lực tràn lan, những nhóm được thành lập với mục đích lôi kéo thế hệ trẻ suy đồi đạo đức. Khi phát hiện ra những đối tượng vi phạm cần có chế tài nghiêm khắc xử lý và răn đe, có như vậy mới hạn chế tối đa được những hiểm họa tiềm ẩn xung quanh học sinh, tạo môi trường văn hóa lành mạnh để định hướng và hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ. 

Các cơ quan quản lý nhà nước nên mạnh dạn áp dụng các biện pháp tư pháp khác (đưa vào trường giáo dưỡng, trường cải tạo thanh thiếu niên hư hỏng, giao cho chính quyền địa phương giám sát và quản lý chặt chẽ…), thậm chí khi trẻ thực hiện hành vi nếu đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải kiên quyết xử lý, tránh bao che. Đây không còn là câu chuyện để trên bàn giấy “nghiên cứu thực trạng”, cần phải có những động thái tích cực hơn trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, chấm dứt kiểu suy nghĩ đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, chính quyền. Phải xử lý rốt ráo mỗi vụ việc xảy ra mới đủ sức cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục trẻ.

Về phía nhà trường, nên thường xuyên rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Những clip học sinh đánh bạn cần được nhà trường mổ xẻ, phân tích trong các tiết học Giáo dục công dân, từ đó cảnh báo các em tránh xa bạo lực. Khéo léo giáo dục những học sinh tham gia đánh bạn và cũng xử phạt cả người quay clip tung lên mạng, cả những bình luận ảnh hưởng tâm lý nạn nhân.

Về phía ngành Giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội để xây dựng môi trường giáo dục nhà trường, môi trường giáo dục gia đình, môi trường xã hội lành mạnh, không bạo lực, tạo điều kiện cho học sinh được phát triển hài hòa thể chất, trí tuệ và tâm hồn đạo đức trong sáng, lành mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, với những giải pháp quyết liệt, đồng bộcủa ngành Giáo dục và sự nỗ lực vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành, địa phương; tin tưởng trong thời gian tới, tình trạng bạo lực học đường sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực