Thêm cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch

Thứ tư, 01/04/2020 15:50
(ĐCSVN) - Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành văn bản số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống Covid-19. Dư luận cho rằng, đây là một việc làm kịp thời, là cơ sở để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc những cá nhân có hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19.

 Văn bản số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống COVID-19.

(Ảnh: QĐ)

 

Thời gian vừa qua, giữa lúc nhân dân cả nước đang tập trung mọi nỗ lực để phòng, chống dịch Covid-19 thì tại nhiều địa phương trong cả nước đã có một số trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Điển hình là các hành vi gian dối trong khai báo y tế bắt buộc; chống đối cách ly, trốn cách ly tập trung... Các hành vi này đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ, bức xúc. Đồng thời, điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn thể người dân Việt Nam đang nỗ lực thực hiện. Đã có rất nhiều quan điểm, ý kiến của các chuyên gia pháp lý, luật sư cho rằng cần thiết phải khởi tố một số trường hợp trốn cách ly tập trung, khai báo y tế gian dối... để khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật và ngăn chặn những vi phạm tương tự. Tuy nhiên, đến nay chưa có bất kỳ cá nhân vi phạm nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, có thể xem xét, xử lý các cá nhân có các hành vi gian dối trong khai báo y tế bắt buộc; chống đối cách ly, trốn cách ly tập trung... theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015. Song, Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 chỉ quy định về hậu quả của hành vi lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người mà chưa làm rõ các hành vi khách quan cụ thể như thế nào để làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Vì vậy, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp “vướng mắc” khi xem xét, quyết định về việc có khởi tố vụ án hình sự hay không?

Trước thực tế đó, Tòa án nhân dân tối cao đã kịp thời ban hành văn bản số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống Covid-19. Với việc ban hành văn bản này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn cụ thể việc áp dụng pháp luật đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, nội dung điểm 1.1, điểm 1.2 - Mục 1 của văn bản số 45/TANDTC-PC nêu rõ:

1. Hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự

1.1. Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:

a) Trốn khỏi nơi cách ly;

b) Không tuân thủ quy định về cách ly;

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

1.2. Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295:

a) Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa;

b) Không tuân thủ quy định cách ly;

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Như vậy, với nội dung trên, Tòa án nhân dân tối cao đã quy định khá rõ ràng về các hành vi khách quan và những trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự. Đây chính là cơ sở pháp lý rất vững chắc để có thể xử lý hình sự các cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, trong đó có dịch Covid-19.

Bạn Nguyễn Ngọc Thương Dung ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Ảnh: QĐ 

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Thương Dung ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cho biết: “Thời gian qua, tôi và mọi người rất bức xúc trước việc một số cá nhân cố tình khai báo y tế gian dối, trốn khỏi nơi cách ly tập trung... Đây là hành vi thiếu ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tạo nguy cơ lây lan bệnh Covid-19 cho xã hội. Do vậy, theo tôi, việc Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản số 45/TANDTC-PC là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay để đấu tranh, phòng ngừa, xử lý hành vi phạm tội liên quan đến dịch bệnh Covid-19”.

Đồng quan điểm nói trên, anh Cao Văn Tuân ở quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, hướng dẫn mới đây của Tòa án nhân dân tối cao là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan tố tụng xem xét, khởi tố hình sự các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19. “Vấn đề đặt ra là cơ quan chức năng cần sớm khởi tố, xét xử những vụ việc điển hình để tăng tính răn đe và giảm các vụ vi phạm quy định về phòng, chống dịch”, anh Cao Văn Tuân nhấn mạnh.

Liên quan đến việc những cá nhân có các hành vi vi phạm trước thời điểm Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản số 45/TANDTC-PC thì có bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 hay không, trao đổi với báo chí, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, về bản chất, văn bản số 45/TANDTC-PC không phải “Văn bản quy phạm pháp luật”; đây chỉ là “công văn nội bộ hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử” gửi đến các Chánh án Tòa án các cấp. Vì thế, các trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật hình sự làm lây lan dịch bệnh thì có thể bị xử lý hình sự kể cả các hành vi trước khi có công văn của Tòa án nhân dân tối cao; khi đó, về chuyên môn pháp lý, các cơ quan tố tụng sẽ áp dụng theo hướng dẫn của văn bản này./.

Tạ Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực