"Thông báo" của Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc?

Thứ năm, 30/04/2020 06:37
(ĐCSVN) - Những ngày gần đây, nhiều phụ huynh có con theo học Hệ thống Trường Quốc tế Việt Úc (VAS) ở thành phố Hồ Chí Minh đã bày tỏ thái độ không nhất trí với thông báo đóng tiền học phí của học phần thứ 4, năm học 2019 - 2020 (đối với những phụ huynh chưa đóng trọn năm học), do VAS đưa ra. Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung thông báo này là không phù hợp, không xem xét những quyền lợi chính đáng của học sinh và phụ huynh...
Một cơ sở thuộc Hệ thống Trường Quốc tế Việt Úc. Nguồn: vas.edu.vn 

 

Cụ thể, VAS yêu cầu phụ huynh thanh toán đầy đủ phần chi phí còn lại của năm học này, bao gồm học phí, chi phí ăn uống, xe đưa đón, trước ngày 25/4. Theo quy định của Hệ thống Trường Quốc tế Việt Úc, các phụ huynh có thể lựa chọn phương án đóng một lần trọn gói các khoản thu hoặc đóng thành nhiều học phần (2 hay 4 học phần). Do vậy, hiện nay còn khá nhiều phụ huynh chưa đóng chi phí của học phần 4, năm học 2019-2020. Tuy nhiên, phản ứng trước thông báo mới đây của VAS, đa phần phụ huynh đang có con theo học tại đây cho rằng việc giữ nguyên học phí của học phần 4, chỉ hỗ trợ học phí bằng cách gia hạn thời gian thanh toán thêm 4 tuần là không hợp lý.

Theo nhiều phụ huynh, trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19, học sinh đã phải nghỉ học ở nhà, học online trực tuyến, nhưng chất lượng không thể bằng các em khi đến trường học bình thường. Trên thực tế nhiều tháng qua học sinh đã không đến Trường nên không được thụ hưởng các tiện ích trong quá trình đạo tạo của Trường. Vì vậy, nhiều người cho rằng, việc VAS yêu cầu phụ huynh đóng đủ 100% tiền học phí, mà không trừ những phần tiền đã đóng của học phần trước là không hợp lý.

Được biết, hệ thống trường VAS có hơn 9.000 học sinh, từ mầm non đến THPT. Tuy vào bậc học, chương trình học mà có học phí khác nhau. Theo thông báo học phí năm học 2019-2020 của trường, mức cao nhất là gần 425 triệu đồng/năm/học sinh ở khối 12. Mức thấp nhất là trên 143 triệu đồng/năm/học sinh tùy vào bậc học, chương trình.

Còn theo như thông báo học phí năm học 2020-2021 của trường, ở bậc THPT học theo chương trình Bộ GD-ĐT và chương trình GDPT Quốc tế Cambridge, thì mỗi năm giao động từ 305 - 445 triệu; bậc THCS là từ 222 - 285 triệu; bậc tiểu học khoảng 170 - 209 triệu; bậc mầm non khoảng hơn 157 triệu. Học phí này chưa gồm chi phí ăn uống, sách giáo khoa, học cụ và các chi phí khác.

Một số phụ huynh tỏ ra bất ngờ khi trong suốt quãng thời gian học sinh nghỉ tại nhà để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 thì nhiều khoản chi phí của học phần 3 (đã đóng trước đó) đã không được sử dụng đến. Vậy vì sao VAS không chuyển lượng kinh phí đó sang học phần 4 mà lại yêu cầu phụ huynh nộp đầy đủ 100% kinh phí của năm học2019-2020?

Trao đổi với chúng tôi, một phụ huynh đang có con theo học tại cơ sở Riverside (quận 7, TP.Hồ Chí Minh) cho biết: Tôi không đồng tình cách tính học phí của VAS bởi tôi đã đóng hết chi phí cho 3 học phần đầu của năm học. Với chi phí náy, con tôi sẽ phải được thụ hưởng toàn bộ các tiện ích của quá trình đạo tạo. Nhưng thực tế, cháu nghỉ học từ nửa đầu tháng 1 đến tuần cuối tháng 3, tức tương đương 1 học phần. Trong thời gian này, ngoài việc học online thì tất cả các hoạt động khác bị cắt hết. Vậy tại sao trường không hoàn trả phần học phí tôi đã đóng mà lại yêu cầu tiếp tục đóng học phí của học phần 4?".

Một phụ huynh khác có con đang học mầm non tại Hệ thống Trường Quốc tế Việt Úc chia sẻ thêm: Tôi nhất trí quan điểm phụ huynh và Trường cùng chia sẻ trong điều kiện dịch bệnh nhưng phải có sự phù hợp, hợp lý. Ví dụ như con tôi học mầm non nên gần như không học được online, không được chạy nhảy bơi lội ở trường; thậm chí trong thời gian cháu nghỉ ở nhà, tôi còn phải thuê người trông để đi làm. Trong khi tiền học phí, tiền ăn uống, đưa đón của học phần 3 chưa sử dụng sao Trường không chuyển sang học phần 4 hoặc trả lại cho phụ huynh (với những người đã đóng cả năm) để giảm áp lực cho phụ huynh mà lại để chuyển vào chi phí cho năm học kế tiếp? Như vậy, phải chăng Trường chỉ quan tâm đến lợi nhuận của mình?

Mặt khác, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, việc học trực tuyến thực chất chỉ là “giải pháp tình thế” và không thể có hiệu quả như ở trường. Bộ GD-ĐT quy định phần dạy học trực tuyến phải thu theo thỏa thuận với phụ huynh, nhưng theo phản ánh, nhiều phụ huynh không được trường VAS thông báo về học phí online. Điều này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của học sinh và phụ huynh.

Phản hồi từ nhà trường gửi cho phụ huynh. Ảnh do phụ huynh cung cấp 
 

Liên quan đến những bức xúc nói trên của phụ huynh, ngày 10/4, VAS đã có phản hồi chính thức. Cụ thể, về vấn đề học phí, VAS cho rằng vì chương trình học tập của học sinh vẫn được duy trì cùng với kết quả, bằng cấp chứng nhận sau khi hoàn thành năm học; song song với việc tất cả đội ngũ giáo viên của trường vẫn đang tiếp tục công tác giảng dạy, đánh giá và được hưởng lương như bình thường; việc phụ huynh cần thực hiện thanh toán học phí đúng hạn là rất cần thiết để trường có thể tiếp tục duy trì học động giảng dạy này.

Trong văn bản phản hồi, VAS cũng thừa nhận: “không thể so sánh hiệu quả của việc học trực tuyến với việc nên lớp trực tiếp”.

Cùng với đó, VAS cũng nhấn mạnh việc đã chia sẻ những khó khăn mà phụ huynh có thể gặp phải trong thời gian này, như gia hạn thời gian thanh toán thêm 4 tuần và các chi phí chưa thanh toán cho học phần 4 của năm học 2019 - 2020 cần được hoàn thành trước thời hạn cuối cùng là ngày 25/4/2020. Đồng thời, VAS ưu đãi giảm 10% trên tổng học phí phụ huynh thanh toán trước ngày 15/5/2020, áp dụng cho cả học phí nguyên năm học, một học kỳ hay một học phần.

Văn bản của VAS cũng nêu rõ, các chi phí ăn uống, xe đưa đón học sinh sẽ chỉ tính trên số ngày thực tế học sinh có sử dụng dịch vụ. Những chi phí ăn uống, xe đưa đón nào chưa được sử dụng (tính đến cuối năm học này), sẽ được chuyển sang chi phí cho năm học kế tiếp. Nếu học sinh không còn học tập tại trường nữa trong năm học tới, nhà trường sẽ hoàn trả lại các chi phí này.

Mới đây nhất, trước những ý kiến phản đối của phụ huynh, ngày 17/4, VAS đã có “Thư thông báo” về phản hồi của phụ huynh. Nội dung văn bản này nêu, hiện nay Nhà trường đang tích cực tổng hợp ý kiến của quý phụ huynh để đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình hiện tại một cách hợp tình, hợp lý... Các giải pháp sẽ được phản hồi trong thời gian sớm nhất.

Đến nay, nhiều phụ huynh có con đang học tại VAS vẫn không đồng tình với việc đóng học phí lần này và yêu cầu nhà trường giải quyết thỏa đáng. Được biết, đại diện cho Nhóm Phụ huynh Việt Úc đã làm đơn gửi Chủ tịch UBND TP.HCM và các sở, ngành của TP.HCM. Theo nội dung đơn kiến nghị, đa số phụ huynh đều đồng ý đóng tiền học phí trong thời gian nghỉ do dịch bệnh, nhưng, “mức đóng không phải là 100% học phí” như phương án của Trường Việt Úc. Việc yêu cầu đóng 100% học phí không phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, Nhóm Phụ huynh yêu cầu nhà trường ngồi lại cùng đại diện các phụ huynh các lớp để có phương án thu học phí trong thời gian nghỉ dịch bệnh trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa VAS và phụ huynh, học sinh./.

 
 

Nhiều trường ngoài công lập có chính sách hỗ trợ đối với phụ huynh trong mùa dịch COVID-19:

Hệ thống Giáo dục Vinschool vừa thông báo chính sách hoàn phí trong thời gian học sinh nghỉ. Theo đó, với học sinh mầm non, trường hoàn 100% học phí của các tháng học sinh không đến trường từ 3/2, sau khi trừ học phí của khoảng thời gian học bù.

Học sinh tiểu học, THCS, THPT sẽ nhận lại 70% học phí của các tháng nghỉ tránh dịch và học online tại nhà. Khi học sinh quay trở lại trường và trong thời gian học bù, học phí được tính bằng 100% mức bình thường. Ngoài ra, trường hoàn lại 100% phí dịch vụ bán trú, xe buýt của tháng nghỉ học từ 3/2, sau khi trừ phần phí phát sinh tương ứng trong thời gian học bù.

Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) không thu phí học trực tuyến trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4.

Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng thông báo không thu bất kỳ khoản phí nào trong thời gian học sinh không đến trường (từ 3/2 đến 15/4), kể cả việc học online.

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Nhà trường có quỹ dự phòng rủi ro và đầu tư phát triển mỗi năm. Khi dịch Covid-19 kéo dài, trường Marie Curie quyết định sử dụng quỹ này để duy trì bộ máy, tiếp tục hoạt động của trường.

 

Tạ Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực