Việc cắt hợp đồng đối với 51 giáo viên ở Phú Yên có đúng luật?

Thứ năm, 10/08/2017 18:37
(ĐCSVN) – Ngày 9/8, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tây Hòa (Phú Yên) đã có buổi thông báo cho thôi việc, cắt hợp đồng đối với 51 giáo viên đang giảng dạy tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Nguyên nhân chính để cắt hợp đồng đối với các giáo viên trên là do thừa biên chế giáo viên.
Buổi thông báo cắt hợp đồng và cho thôi giảng dạy đối với 51 giáo viên ở huyện Tây Hòa.

Ông Nguyễn Tấn Chân, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho biết: Việc cắt hợp đồng đối với 51 giáo viên trên là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên. Trong đợt kiểm tra của Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên về việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý biên chế sự nghiệp GD&ĐT của huyện Tây Hòa thì phát hiện dư 130 biên chế giáo viên. UBND huyện Tây Hòa đã có cam kết thực hiện cắt giảm 130 biên chế sự nghiệp giáo dục theo lộ trình. Năm trước chúng tôi đã cắt giảm 30 biên chế và sau đợt kết thúc hợp đồng với 51 giáo viên trên chúng tôi cũng phải tiếp tục cắt giảm 100 biên chế trong ngành giáo dục nữa. Đây là điều chúng tôi hoàn toàn không mong muốn.

Theo bà Trương Thị Dân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa, các văn bản chỉ đạo làm cơ sở để Phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa cho thôi hợp đồng giáo viên được đưa ra bao gồm: Kết luận của Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện Tây Hòa; Công văn của UBND tỉnh Phú Yên về việc giải quyết số hợp đồng lao động là giáo viên không trúng tuyển trong kỳ thi viên chức giáo viên năm 2015; Quyết định về việc thu hồi 100 biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo từ UBND huyện Tây Hòa về UBND tỉnh Phú Yên quản lý; các công văn và ý kiến của Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa về việc giải quyết số hợp đồng lao động; bản thỏa thuận ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từng cá nhân giáo viên với phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Hòa hàng năm.

Nhiều cô giáo bức xúc, đau buồn khi phải rời bục giảng.

Tại buổi thông báo bị cắt hợp đồng, nhiều cô giáo đã khóc nức nở, vì sau bao nhiêu năm cố gắng trong ngành giáo dục, đến nay phải nghỉ giữa chừng. Kèm theo đó là nỗi lo thất nghiệp, không biết sẽ làm gì sau khi thôi giảng dạy.

Nhiều giáo viên trong quá trình công tác có thành tích như: chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện…

Cô Ngô Thị Thu, giáo viên trường THCS Nguyễn Thị Định nói: Em bức xúc là do hiện tại em đã giảng dạy được 6 năm rồi, mà giờ huyện cho cắt hợp đồng thì không biết làm công việc gì khác. Đặc biệt là em đang trong thời kỳ mang thai con thứ 2, việc cắt hợp đồng với người mang thai không biết có đúng với Luật lao động hay không? Rất mong cấp trên có hướng xử lý để chúng em tiếp tục được làm việc.

Cùng chung tâm trạng, thầy Trần Tấn Song, giáo viên môn Thể dục, trường THCS Đồng Khởi nói: Hợp đồng trước, Phòng GD&ĐT huyện Tây Hòa có nói là muốn cắt hợp đồng phải báo trước 6 tháng cho giáo viên. Nhưng bây giờ tôi mới nhận được thông báo cắt hợp đồng, có nghĩa là cách ngày tôi phải nghỉ việc chưa đến 1 tháng (4/9/2017), việc này đến quá là bất ngờ. Mong muốn của đa phần 51 giáo viên chúng tôi ở đây là tiếp tục được phục vụ sự nghiệp giáo dục…/.

Bài, ảnh: Duyên Yên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực