Vĩnh Phúc: Chi bộ làm trái quy định, nguyên tắc của Đảng?

Thứ năm, 07/09/2017 15:26
(ĐCSVN) - Hiện nay, các chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị tiến hành Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2017-2020. Tuy nhiên, tại Chi bộ thôn Tiền Phong, xã Đình Chu, huyện Lập Thạch vừa qua đã có biểu hiện vi phạm các nguyên tắc của Đảng trong công tác cán bộ, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Miễn nhiệm trái quy định

Ngày 01/12/2016, trong một cuộc sinh hoạt định kỳ của chi bộ thôn Tiền Phong, Chi ủy đã chỉ đạo toàn bộ đảng viên bỏ phiếu miễn nhiệm đối với đồng chí Trần Thị Mộng Dung là Đảng ủy viên, cấp ủy phụ trách chi bộ thôn Tiền Phong. Được biết, năm 2015, sau khi Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 thành công, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Đình Chu đã có quyết định bằng văn bản phân công đồng chí Trần Thị Mộng Dung- Đảng ủy viên, Chủ tịch Liên hiệp phụ nữ xã phụ trách thôn Tiền Phong.

Tại cuộc họp đó, đã có một số ý kiến của đảng viên đề nghị chi ủy không được tự ý làm việc này. Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Chi bộ Trần Văn Yên và Phó Bí thư Chi bộ Trần Văn Hùng đều phớt lờ các quy định, nguyên tắc của Đảng, vẫn tiến hành thực hiện, đồng thời đưa ra những lời tuyên bố không đúng với điều lệ của Đảng.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Điều là đảng viên sinh hoạt tại chi bộ cho biết, sau khi có những ý kiến phản đối, đồng chí Trần Văn Yên, Bí thư Chi bộ thôn vẫn tuyên bố: “Đồng chí Trần Thị Mộng Dung là đảng ủy viên, cấp ủy phụ trách chi bộ thôn Tiền Phong nhưng đã có nhiều ý kiến chỉ đạo "thẳng và thật" nên chúng ta cần phải miễn nhiệm vụ của cấp trên giao cho đồng chí. Chi bộ thôn Tiền phong có thể tự điều hành mà không cần cấp ủy phụ trách”.

Mặc dù không tán thành, nhưng tại cuộc họp đó, Chi bộ thôn vẫn tiến hành bỏ phiếu kín miễn nhiệm đối với đồng chí Trần Thị Mộng Dung với số phiếu 11/15 phiếu tán thành.

Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2/10/2009 của Bộ Chính trị về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ đã quy định rõ về việc miễn nhiệm phải do cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt do vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức hoặc bãi nhiệm. Đối chiếu quy định này, việc làm của Chi ủy thôn Tiền Phong trong việc miễn nhiệm đối với cấp ủy phụ trách là trái thẩm quyền. Và cũng tại điều 5 của quy định này thì việc miễn nhiệm đối với đồng chí Trần Thị Mộng Dung khi chưa bị kỷ luật và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao là không có cơ sở.

Xử lý thiếu trách nhiệm

Trước sự việc trên, đảng viên trong thôn Tiền Phong đã có đơn gửi Đảng ủy xã, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Lập Thạch xem xét và xử lý. Sau nhiều lần kiến nghị, tới ngày 30/5/2017, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã mới thành lập tổ kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Trần Văn Yên – Bí thư Chi bộ thôn Tiền Phong. Trong quá trình tổ kiểm tra thực hiện việc kiểm tra theo quy định, thì tại cuộc họp Đảng ủy xã định kỳ và hội nghị Đảng ủy mở rộng vào các ngày 27 và 29/6, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đã tự ý tuyên bố trước hội nghị đình chỉ việc phụ trách thôn Tiền Phong đối với đồng chí Trần Thị Mộng Dung. Trong khi đó, tới ngày 20/7/2017, UBKT Đảng ủy đã có kết luận việc đồng chí Trần Văn Yên tự ra nghị quyết cho chi bộ bỏ phiếu với đồng chí Trần Thị Mộng Dung là sai, không đúng với nguyên tắc điều lệ Đảng, việc xử lý vượt quá thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng. Mặc dù đã có kết luận của UBKT Đảng ủy xã, nhưng Đảng ủy xã tới nay vẫn chưa đưa ra hình thức kỷ luật đối với đồng chí Trần Văn Yên.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Tưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Lập Thạch cũng chỉ nắm được sự việc và vẫn phải chờ báo cáo của đơn vị cấp dưới.

Có thể thấy rằng, sự việc tuy diễn ra ở một thôn nhưng việc vi phạm kéo dài chưa được xử lý sẽ gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong khi thời điểm đại hội chi bộ trực thuộc đã cận kề. Dư luận đang đặt câu hỏi, đằng sau việc chậm đưa ra kết luận và cách làm việc "chờ cấp dưới" của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Lập Thạch có phải do năng lực cán bộ hay có nguyên nhân gì uẩn khúc?

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Điều 5, Chương II, Quy định 260 - QĐ-TW: Việc xem xét miễn nhiệm đối với cán bộ căn cứ vào một trong các trường hợp sau:

1. Cán bộ bị kỷ luật, cán bộ vi phạm pháp luật thuộc một trong các trường hợp: a. Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế. b. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức cách chức hoặc bãi nhiệm. 2. Cán bộ không đủ năng lực, uy tín để làm việc thuộc một trong các trường hợp: a. Trong 2 năm liên tiếp của nhiệm kỳ giữ chức vụ không hoàn thành nhiệm vụ được giao. b. Trong một nhiệm kỳ hoặc hai nhiệm kỳ giữ chức vụ liên tiếp, bị hai lần xử lý kỷ luật liên quan đến chức trách được giao. c. Để đơn vị mất đoàn kết hoặc làm đơn vị mất đoàn kết theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền. d. Bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về vi phạm tư cách đạo đức của người cán bộ. đ. Bị cơ quan kiểm tra, thanh tra có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định về những việc đảng viên, cán bộ, công chức không được làm. 3. Cán bộ bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Bộ Chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ.   

Nhóm PV Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực