Vui, buồn chuyện “xe ôm công nghệ cao”

Thứ tư, 14/06/2017 09:49
(ĐCSVN) - Tuy mới xuất hiện nhưng “xe ôm công nghệ cao” đang ngày càng chiếm ưu thế so với loại hình xe ôm truyền thống. Đây là dịch vụ gọi xe thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh (smartphone).


Bên cạnh những ưu điểm nổi bật như có thể tận dụng tối đa những khoảng thời gian rảnh rỗi, thu nhập tương đối cao... thì những tài xế “xe ôm công nghệ cao” cũng đang gặp phải những khó khăn không nhỏ, nhất là sự “xung đột” với những người làm nghề xe ôm truyền thống...

Luôn có rất nhiều những tài xế “xe ôm công nghệ cao” sẵn sàng phục vụ khách hàng. Ảnh TL

Chỉ cần xe máy và điện thoại thông minh...

Đó là những điều kiện tối thiểu để bạn có thể trở thành tài xế “xe ôm công nghệ cao”. Theo tìm hiểu của phóng viên, với việc ứng dụng công nghệ thông qua điện thoại thông minh (smartphone) như: GrabBike và UberMoto, việc kết nối giữa khách hàng với tài xế xe ôm được thực hiện khá nhanh chóng. Chỉ cần có xe máy và smartphone, bất kể ai từ nhân viên văn phòng, sinh viên đều có thể đăng ký trở thành “xe ôm công nghệ cao”. Thời gian hoạt động cũng rất linh hoạt:, có thể làm toàn thời gian hoặc lúc nào rảnh thì mở điện thoại lên để nhận khách và có thêm thu nhập…

Nếu như trước đây, với xe ôm truyền thống, điều khiến khách hàng suy nghĩ nhất có lẽ là việc phải “mặc cả” giá tiền của chuyến đi thì hiện nay, với “xe ôm công nghệ cao”, khách không cần phải trả giá vì cước phí đã được công bố rõ khi đặt lịch chuyến đi. Tài xế cũng không cần phải ra ngoài đường tìm kiếm khách hàng mà sẽ có tin nhắn thông báo của hệ thống bao gồm đường đi, vị trí đón khách, giá cước chuyến đi... Dịch vụ này còn có ưu điểm là cho phép khách hàng lựa chọn phương thức thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng. Chỉ cần tải phần mềm Uber hoặc Grab về điện thoại, khi cần đi đâu, khách hàng điền nơi đi và nơi đến rồi bấm nút đặt, sẽ có ngay tài xế xe ôm gọi điện thoại và đến đón với cước phí đã được xác định rõ. Khách hàng vì vậy luôn yên tâm, thoải mái.

Chị Trần Thu Thủy ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cho biết: “Gọi xe ôm bằng điện thoại thông minh hiện nay có ưu điểm nổi bật là giá rẻ. Chỉ với 12.000 đồng cho 2 km đầu, quãng đường tiếp theo là 4.000 đồng/km. Ngoài ra, khi đặt xe, tôi lại được hệ thống cung cấp những thông tin cơ bản về lái xe chở minh như họ tên, hình ảnh nhận diện, số điện thoại, biển số xe... nên rất yên tâm về dịch vụ”.

Theo bạn Nguyễn Văn Minh, sinh viên Đại học Thủy Lợi, cũng là tài xế xe ôm của hãng Uber Mô tô cho biết: “Mỗi chuyến đi, bên công ty giữ lại của lái xe 15%. Ngoài thời gian đi học, em thường chạy được khoảng 10 chuyến/ngày. Những hôm nghỉ học thì được 25 - 30 chuyến/ngày. Nhờ tranh thủ chạy xe cho Uber Mô tô nên hàng tháng em cũng kiếm được khoảng 3 - 4 triệu đồng”.

Tìm hiểu được biết, hiện nay, ngoài hỗ trợ mũ bảo hiểm, áo mưa, khẩu trang..., các hãng Grab, Uber còn cam kết bảo đảm mức thu nhập trung bình của tài xế GrabBike làm toàn thời gian từ 7 - 8 triệu đồng/tháng; làm bán thời gian khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng. Đối với những tài xế làm toàn thời gian, sau khi trừ chi phí xăng xe, điện thoại và 15% tiền phí thì thu nhập bình quân mỗi ngày thường dao động ở mức 200 - 300 nghìn đồng/ngày; những hôm đông khách, thu nhập có thể còn cao hơn.

Với sự hỗ trợ của công nghệ nên số lượng chuyến xe nhiều, cộng thêm các khoản thưởng doanh số theo ngày, tuần, tháng nên thu nhập của các tài xế “xe ôm công nghệ cao” làm toàn thời gian có thể đạt 9 - 10 triệu đồng/tháng.

 


đến những vui, buồn chuyện... xe ôm

Bên cạnh thu nhập khá ổn định thì hoạt động của các tài xế “xe ôm công nghệ cao” hiện nay cũng đã và đang gặp phải không ít khó khăn.

Thực tế từ khi xuất hiện đến nay, giữa tài xế “xe ôm công nghệ cao” và những người lái xe ôm truyền thống đã sớm phát sinh những xung đột. Đây là một trong những vấn đề khó khăn nhất đặt ra đối với tài xế “xe ôm công nghệ cao”. Trong khi lái xe ôm truyền thống thường là những người lớn tuổi, phương tiện cũ kỹ thì tài xế “xe ôm công nghệ cao” lại trẻ trung, năng động. Do vậy, với những ưu việt vượt trội, “xe ôm công nghệ cao” đã dần chiếm hết khách của xe ôm truyền thống khiến cho những người lái xe ôm truyền thống thường va chạm với những người chạy xe ôm cho các hãng Grab, Uber.

Bạn Vương Văn Bình, sinh viên Đại học Công Nghiệp chia sẻ: “Do chưa có kinh nghiệm khi mới tham gia chạy GrabBike, em cũng xảy ra va chạm với xe ôm truyền thống. Có lần sau khi trả khách ở bến xe Giáp Bát, có bác lớn tuổi bảo em chở về Phạm Ngọc Thạch. Khi khách vừa lên xe thì đã có mấy chú xe ôm chạy lại bảo em tranh khách của họ. Em chưa kịp phân bua thì có người còn cầm mũ bảo hiểm định đánh em. Khách sợ quá nên họ không đi nữa mà gọi taxi. Từ lần đó, em cũng không dám bắt khách tại các bến xe nữa”.

Xung đột giữa “xe ôm công nghệ cao” với xe ôm truyền thống đã khiến cho nhiều người chạy xe GrabBike và UberMoto luôn cảnh giác. Theo họ, tốt nhất là nhận khách thông qua tin nhắn của hệ thống; trường hợp chiều về, muốn kiếm thêm thu nhập thì có thể bắt khách lẻ dọc đường chứ tuyệt đối không nên bắt khách ở các khu vực như bến xe, điểm chờ xe buýt vì rất dễ xảy ra va chạm với cánh xe ôm do bị cho là tranh khách của họ. Đã có không ít vụ xích mích, va chạm xảy ra giữa tài xế chạy xe GrabBike hay UberMoto với những người chạy xe ôm tại các bến xe lớn như: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm...

Bạn Thành - một lái xe GrabBike tâm sự: “Thực ra cũng nên thông cảm cho họ vì giờ khách cũng ít lựa chọn xe ôm truyền thống. Bố em ở quê cũng chạy xe ôm nên em biết, cả ngày chỉ trông vào mấy cuốc xe. Vậy nên từ lâu em không bao giờ bắt khách ở bến xe, coi như là mình chia sẻ với những người lái xe ôm lớn tuổi”.

Thêm vào đó, một trong những nguy cơ dễ xảy ra đối với các bạn sinh viên khi làm tài xế “xe ôm công nghệ cao”, đó là quá ham việc mà ảnh hưởng đến kết quả học tập. Ban đầu với họ, chạy xe GrabBike hay UberMoto chỉ là việc làm mang tính chất “tranh thủ”, “bán thời gian” để kiếm thêm thu nhập trang trải cho việc học hành. Nhưng do số tiền kiếm được không phải là nhỏ nên không ít bạn sinh viên đã mải chạy xe mà bỏ bê việc học hành. Bạn Nguyễn Văn Tuấn, sinh viên năm cuối Đại học Công nghiệp cho biết: “Vì mải chạy xe UberMoto, em phải học lại mất mấy môn. Tính ra tiền kiếm được cũng chưa đủ đóng tiền học lại”.

Một vấn đề khác đặt ra đối với các bạn trẻ làm “xe ôm công nghệ cao” hiện nay là nguy cơ bị lôi kéo vào những tệ nạn xã hội. Chính vì vậy, mỗi bạn trẻ, nhất là những bạn sinh viên trước khi trở thành tài xế “xe ôm công nghệ cao” cần có sự chuẩn bị để cân bằng giữa việc học tập và thời gian đi làm; đồng thời, cũng cần có bản lĩnh để tự làm chủ mình trước những cám dỗ của cuộc sống và không sa vào các tệ nạn xã hội...

Thực tế cho thấy, “xe ôm công nghệ cao” đang trở thành xu hướng mới, là sự lựa chọn của phần lớn khách hàng tại các đô thị. Với việc triệt để khai thác các thế mạnh của công nghệ thông tin, chạy xe GrabBike hay UberMoto là cơ hội tăng thu nhập cho không ít bạn trẻ, nhất là những bạn sinh viên mong muốn có việc làm thêm. “Xe ôm công nghệ cao” đang trở thành xu thế của xã hội, trong đó khách hàng chính là người được hưởng lợi nhiều nhất./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực