Xã Xuân Canh (Đông Anh, Hà Nội): Trạm trộn bê tông không phép ngang nhiên hoạt động trên đất nông nghiệp

Thứ tư, 06/12/2017 11:37
(ĐCSVN) - Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp đang bị sử dụng sai mục đích, biến thành trạm trộn bê tông không phép ngang nhiên hoạt động nhiều năm qua bất chấp các quy định của pháp luật. Đó là thực trạng đang diễn ra trên địa bàn xã Xuân Canh, huyện Đông Anh (Hà Nội).

 

Mặc dù hoạt động của trạm trộn bê tông diễn ra ngang nhiên nhưng không gặp phải bất kỳ sự kiểm tra, xử lý nào của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Video: HH

Theo phản ánh của người dân xã Xuân Canh, mặc dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng tại khu vực Hồ Dâu ở thôn Lực Canh, thuộc địa bàn xã Xuân Canh hiện đang tồn tại một trạm trộn bê tông xây dựng trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang đê điều, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Ghi nhận thực tế của phóng viên (PV) cho thấy, những nội dung phản ánh nói trên của người dân là có cơ sở. Theo quan sát từ cầu Nhật Tân có thể thấy rõ vị trí của trạm trộn bê tông không phép này.

Tại khu vực Hồ Dâu, thôn Lực Canh, xã Xuân Canh, trên diện tích hàng nghìn m2 đất nông nghiệp, chủ đầu tư đã ngang nhiên xây dựng hàng loạt các công trình như: Nhà xưởng sản xuất, nhà điều hành, nhà xe, trạm trộn, cầu xe, băng tải, kho chứa, lắp đặt máy móc... Đặc biệt, trong khuôn viên trạm trộn, chủ đầu tư còn cho xây dựng cả một trạm biến áp để cấp điện phục vụ hoạt động kinh doanh.

Tại thời điểm PV có mặt ở khu nhà xưởng sản xuất, công nhân và máy móc đang làm việc hết công suất, nhiều xe bồn ra vào để nhận bê tông thành phẩm...

Bà Nguyễn Thị Lanh, một người dân ở thôn Lực Canh bức xúc cho biết: “Cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn từ khi họ xây dựng trạm trộn bê tông này. Tiếng động cơ, xe ô tô vào ra liên tục vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân”.

Một góc trạm trộn bê tông không phép tại xã Xuân Canh (Đông Anh). Ảnh: HH

Theo tìm hiểu của PV, khu vực trạm trộn bê tông không phép nói trên thuộc phần diện tích đất được UBND huyện Đông Anh cho ông Chu Đình Huế thuê lại để triển khai dự án cải tạo, phát triển sản xuất nông nghiệp do hiệu quả canh tác thấp. Tuy nhiên, không hiểu vì sao diện tích hàng nghìn m2 đất nông nghiệp này đã nhanh chóng trở thành nhà xưởng sản xuất, trạm trộn bê tông không phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Đại diện người dân địa phương cho biết, trạm trộn bê tông này hoạt động suốt ngày đêm gây ra tiếng ồn và thải ra một lượng khói bụi lớn. Mỗi ngày có hàng chục lượt xe chở bê tông ra, vào, hoạt động tấp nập trên các tuyến đường, bụi bay mù mịt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Mặc dù hoạt động của trạm trộn bê tông diễn ra ngang nhiên nhưng không gặp phải bất kỳ sự kiểm tra, xử lý nào của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến trạm trộn bê tông không phép nói trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quang Lưu - Chủ tịch UBND xã Xuân Canh. Ông Lưu xác nhận: Đúng là đến thời điểm này, trạm trộn bê tông tại vị trí thôn Lực Canh chưa được cấp phép hoạt động. Chúng tôi đã tiến hành lập biên bản, xử phạt theo quy định và yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ. Tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 145/QĐ-XPVPHC ngày 15/9/2017 của UBND xã Xuân Canh nêu rõ, vi phạm của ông Chu Đình Huế là: “Xây dựng công trình không phép mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Hiện trạng đang thi công lắp đặt trạm trộn bê tông, bên dưới móng có trụ bê tông cốt thép”. Sau đó, gia đình ông Huế cũng có bản cam kết sẽ tự tháo dỡ và di chuyển trong tháng 10/2017. Cam kết là vậy song đến thời điểm hiện nay, toàn bộ trạm trộn bê tông không phép vẫn tiếp tục tồn tại và ngang nhiên hoạt động.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Lưu - Chủ tịch UBND xã Xuân Canh, trước đây doanh nghiệp của ông Huế đã có nhiều đóng góp cho địa phương nên chính quyền xã cũng muốn tạo điều kiện do doanh nghiệp thời điểm này đang gặp khó khăn. “Các hạng mục nằm trong trạm trộn bê tông không phép là do doanh nghiệp đầu tư để “đón” dự án xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia ở Đông Anh” - ông Lưu chia sẻ thêm.

Trạm trộn bê tông dựng trên đất dự án nhìn từ đê sông Hồng. Ảnh: HH

Xung quanh sự tồn tại một cách ngang nhiên của trạm trộn bê tông không phép trên đất nông nghiệp tại xã Xuân Canh, huyện Đông Anh (Hà Nội), người dân địa phương đang đặt câu hỏi: Vì sao các văn bản, quyết định của UBND xã Xuân Canh lại bị “vô hiệu hoá” bởi cái gọi là “Bản cam kết” của chủ doanh nghiệp? Việc trạm trộn bê tông không phép tồn tại trong thời gian dài là do chính quyền xã Xuân Canh và huyện Đông Anh bất lực, buông lỏng quản lý hay là sự “ưu ái” đối với chủ doanh nghiệp? Bởi thực tế, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 145/QĐ-XPVPHC ngày 15/9/2017 của UBND xã Xuân Canh chỉ đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả một cách chung chung là “Buộc ông Chu Đình Huế tự phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trả lại hiện trạng như ban đầu” nhưng không quy định rõ thời gian phải thực hiện?

Để bảo đảm tính nghiêm minh của các quy định pháp luật, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của huyện Đông Anh và thành phố Hà Nội cần sớm vào cuộc làm rõ hoạt động của trạm trộn bê tông không phép trên đất nông nghiệp tại địa bàn xã Xuân Canh, huyện Đông Anh; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm nói trên. 

Chỉ thị số 04/CT- UBND của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 14/1/2014 về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công đã nêu rõ:

UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý những trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền.

Cũng theo quy định, địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, quyết định tạm dừng công tác điều hành của chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.


Nhóm phóng viên Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực