Ý nghĩa nhân văn của Rằm tháng 7

Thứ tư, 23/08/2017 23:09
(ĐCSVN) - Bước vào tháng 7 âm lịch, bắt đầu từ ngày mùng 1 âm lịch (22/8/2017), trên các trang mạng xã hội, trong giao tiếp hằng ngày, một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ sử dụng khá nhiều thuật ngữ “tháng cô hồn” để nói về những sự việc liên quan đến tháng 7. Điều đó ít nhiều đã tạo nên một hiệu ứng xấu, những suy nghĩ và nhận thức không đúng trong đời sống xã hội.
Cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ ý nghĩa nhân văn của Rằm tháng 7.
Ảnh minh họa: doisongphapluat.com

Từ lâu, tháng 7 âm lịch gắn với lễ Vu lan báo hiếu ân đức của bậc sinh thành và tín ngưỡng tâm linh trong dân gian là ngày “xá tội vong nhân” vào dịp rằm tháng 7. Hai nét văn hóa này tuy được tổ chức cùng một ngày nhưng mang hai ý nghĩa khác nhau. Một là sự báo hiếu của những người làm con đối với công ơn sinh thành của cha mẹ; còn ngày xá tội vong nhân là tục cúng, cầu siêu, độ vong cho những cô hồn không nơi tựa nương.

Từ lâu, dân gian quan niệm rằng, Rằm tháng 7, âm phủ mở cửa ngục, các linh hồn được ra ngoài, trở về nhà. Vì thế, nhà nhà làm lễ cúng, mời linh hồn người thân đã khuất trở về nhà hưởng thụ cơm canh, nhận quần áo mới, tiền bạc…Nhìn chung, trong những năm gần đây, hai nét văn hóa tuy khác nhau về tính chất nhưng đã được dân gian thực hành và gắn với sự báo hiếu, tri ân, biết ơn đấng sinh thành, dưỡng dục, nhớ về tiên tổ, những người đã khuất.

Hằng năm, cứ đến tháng 7 âm lịch, từ việc nhận thức và hiểu không rõ ý nghĩa của những phong tục, nét văn hóa của dân gian từ xa xưa đến nay diễn ra vào ngày rằm tháng 7, nên nhiều người đã sử dụng khá nhiều những thuật ngữ mang tính duy tâm, mê tín, dị đoan và từ đó, có những lời nói và hành động không đúng về giá trị tâm linh của những nét đẹp văn hóa trong tháng 7.

Chạm vào mùng 1 tháng 7 âm lịch, trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook cá nhân thấy tràn ngập những thuật ngữ, khẩu ngữ liên quan đến tháng này. Hàng loạt những từ ngữ, những câu nói được giới trẻ nghĩ ra và đăng trên trang cá nhân của mình như: “Tháng cô hồn”, “buồn cô hồn”, “mưa cô hồn”, “đi chơi tháng cô hồn”, “cà phê tháng cô hồn”…Không chỉ xuất hiện trên các trang mạng xã hội, cách gọi như vậy còn xuất hiện trong giao tiếp của một số người hằng ngày. Từ “cô hồn” được nhiều người gắn với lời hỏi han, bàn chuyện làm ăn, ngồi tán gẫu ở đâu đó…

Cùng với việc sử dụng ngôn ngữ, nhiều người còn khuyên nhau nên kiêng kị này nọ khi bước vào mùng 1 âm lịch của tháng 7. Kiêng không nên ăn món này, món nọ. Kiêng không nên làm những việc lớn, việc nhỏ, kiêng cưới hỏi, làm nhà, kiêng xuất hành vào những giờ không đẹp, làm việc gì cũng sợ không thành…Từ đó, nhiều người nghĩ đến sự rủi ro, đen đủi sẽ đến với mình, gia đình mình trong tháng 7. Khi làm việc gì đó không thành, khi bị tai nạn, họ sẽ đổ lỗi cho “tháng cô hồn”.  

Từ sự nhận thức không đầy đủ ý nghĩa, nguồn gốc và nét đẹp nhân văn của ngày Rằm tháng 7 cùng với “sự sáng tạo” ra kiểu giao tiếp, phát ngôn gắn với “cô hồn” đã ít nhiều tạo nên một tâm lý nặng nề của một bộ phận người dân trong đời sống xã hội, đó là sự lo lắng, kiêng dè, sợ sệt khiến nhiều người trở nên mê tín quá mức. Hơn nữa, vì lo lắng, kiêng không làm việc lớn trong tháng 7 nên nhiều người, nhiều gia đình sẽ bỏ mất những cơ hội tốt trong cuộc sống, ảnh hưởng không tốt tới tương lai với bao dự định. Việc sử dụng ngôn ngữ “cô hồn” của giới trẻ đã mang đến không gian sống một sự chết chóc vô hình nào đó, ít nhiều làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Trong khi đó, giá trị nhân văn của lễ Vu lan báo hiếu và tục cúng chúng sinh, cúng tổ tiên vào ngày Rằm tháng 7 lại được rất ít người nhắc đến. Chủ yếu những người cao tuổi, những phật tử quan tâm đến việc chuẩn bị cho hoạt động văn hóa này, còn một bộ phận giới trẻ thì không thấy nhắc nhiều đến Vu lan, báo hiếu và dự định cho mình một việc làm thật ý nghĩa để đền đáp ơn nghĩa đấng sinh thành.

Sư thầy Thích An Ninh, Trụ trì chùa Trúc Lâm (xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết: “Ngày rằm tháng 7 mang nét đẹp văn hóa cổ truyền của người dân Việt Nam. Nét đẹp đó ảnh hưởng rất rõ nét trong cuộc sống hôm nay. Đó là dịp để những người con báo hiếu cha mẹ, tưởng nhớ đến những người thân đã khuất, cứu độ chúng sinh, chung tay giúp đỡ những người cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Không nên hiểu đây là tháng đen đủi và tai ương”.

Thiết nghĩ, mọi sự may - rủi, thành - bại, được - mất là những điều thường trực diễn ra trong cuộc sống hằng ngày và đều do chính bản thân mỗi người làm nên.Chúng ta không nên vận những điều may rủi hay tai ương vào tháng 7, không nên gắn tháng này với hồn ma, chết chóc. Mỗi người cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ ý nghĩa nhân văn của Rằm tháng 7 để có những việc làm, những hành động cụ thể, thiết thực báo hiếu cha mẹ, các đấng sinh thành. Cần loại bỏ các thuật ngữ, khẩu ngữ “cô hồn” tự tạo để tránh việc làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt./.

Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực