Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

Thứ năm, 07/12/2017 15:49
(ĐCSVN) – Sự bất hợp lý trong việc đóng và hưởng, cộng với số người hưởng lương hưu ngày càng tăng tạo ra nhiều nguy cơ cho quỹ bảo hiểm xã hội.
Giao dịch Một cửa tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC của BHXH quận Cầu Giấy, Hà Nội
Ảnh minh họa: HP

 Mất cân đối giữa đóng và hưởng

Tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” được tổ chức mới đây, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tình trạng nghỉ hưu sớm trong điều kiện dân số già hóa với tuổi thọ ngày càng tăng đang và sẽ là một gánh nặng lớn cho quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). Việc điều chỉnh tăng lương hưu nhiều năm qua theo cách cào bằng dẫn tới có sự chênh lệch lớn giữa lương hưu của nhiều đối tượng. Ông Giang lấy ví dụ, 3 người hưởng lương vào năm 2002 với các mức lần lượt là 200.000 đồng; 1 triệu đồng và 10 triệu đồng (trong một tháng). Nhưng sau các lần điều chỉnh lương, đến năm 2017, sự chênh lệch lương hưu của 3 người này là rất lớn, cho dù khoảng cách lương của họ trong năm 2002 không nhiều. Theo đó đến năm 2017, ba người nhận lần lượt lương là 1,8 triệu đồng, 8,6 triệu đồng và 85 triệu đồng. Như vậy, có người hưởng lương chỉ 1,8 triệu, trong khi có người hưởng tới 85 triệu đồng.

Cũng theo ông Phạm Trường Giang, chính sách cào bằng trong điều chỉnh tăng lương hưu đang là một trong những bất cập hạn chế của BHXH hiện nay. Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 11,2 triệu người hưởng BHXH hàng tháng. Đến năm 2030, dự kiến có thêm 5,4 triệu người hưởng lương từ quỹ. Đến năm 2050, sẽ có thêm 10 triệu người nữa. Độ tuổi nghỉ hưu hiện nay là 57 tuổi nhưng thực tế là 54 tuổi. Trong khi tuổi thọ trung bình khoảng 78 tuổi. Do đó, thời gian hưởng khoảng 25 năm, trong khi thời gian đóng chỉ khoảng 28 năm.

Sự bất hợp lý trong việc đóng và hưởng, cộng với số người hưởng lương hưu ngày càng tăng tạo ra nhiều nguy cơ cho quỹ BHXH. Việt Nam cũng là một trong số ít các nước tồn tại thực tế người đóng BHXH ít lại được hưởng nhiều lương hưu.

Trong khi đó ông Đặng Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng chỉ ra bất cập trong sự mất cân đối giữa đóng và hưởng. "Không nước nào áp dụng mức đóng 22% nhưng lại hưởng đến 75%”, ông Long nhấn mạnh, đồng thời cho rằng cần phải thay đổi nhưng phải triển khai từng bước, phải xây dựng hệ thống bảo hiểm đa tầng, lấy mảng nọ bù mảng kia.

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

Một trong những phương án được ông Long đề xuất là phương án tăng tuổi hưu. Theo ông Long, việc điều chỉnh tăng tuổi hưu khiến một số người e ngại sẽ mất cơ hội việc làm cho thanh niên. Tuy nhiên, ông Long cho rằng điều đó không đáng ngại bởi 2 nhóm tuổi có sự khác nhau về ngành nghề, cơ cấu trong lao động…

Ông Nuno Meira Simoes da Cunha, chuyên gia An sinh Xã hội, khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng đề xuất 4 phương án để cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội của Việt Nam, trong đó ở giải pháp nào cũng cần tăng tuổi nghỉ hưu. Một là, tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, theo chuyên gia, với phương án này cần thực hiện từng bước, mỗi năm tăng một tuổi và bắt đầu từ năm 2018. Phương án hai là tăng tuổi nghỉ hưu, đồng thời giảm tỷ lệ hưởng với tỷ lệ tích lũy hằng năm là 1,5% cho một năm đóng góp trong 40 năm chuyển đổi. Phương án thứ ba là tăng tuổi nghỉ hưu, giảm tỷ lệ hưởng với tỷ lệ mỗi năm đóng bảo hiểm được cộng thêm 1% lương bảo hiểm, cùng với đó là áp dụng hưu trí phổ cập với mức bằng 50% lương tối thiểu khu vực công cộng. Phương án thứ tư là tăng tuổi nghỉ hưu, áp dụng chế độ hưu trí có định mức đóng định danh (NDC) và hưu trí phổ cập với mức bằng 50% lương tối thiểu ở khu vực công. Ông Nuno Meira Simoes da Cunha cũng đề xuất, Chính phủ  cần xây dựng một chương trình bảo hiểm tự nguyện dành cho những người muốn bảo vệ tốt hơn và có khả năng đóng góp ở mức cao.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh cải cách BHXH cũng cần phải có tầm nhìn dài 20-30-40 năm, vì độ trễ chính sách rất dài. Nhưng phải nhanh chóng hành động, hành động sớm thì có nhiều dư địa cho việc cải cách. Việc tăng độ tuổi nghỉ hưu phải tiến hành sớm, vì càng sớm càng có dư địa điều chỉnh. Nếu chúng ta đạt được mục tiêu một triệu lao động sẽ có thêm nhiều quan hệ lao động, giải quyết được đóng và hưởng BHXH của nhiều đối tượng.../.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực