Chuyên gia ILO Nuno Cunha: Cải cách ASXH Việt Nam hướng về tương lai

Thứ tư, 01/08/2018 10:29
(ĐCSVN) - Chuyên gia cao cấp của ILO, ông Nuno Cunha đánh giá, Nghị quyết số 28-NQ/TW về Cải cách Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) được ban hành ngày 23/5 vừa qua đánh dấu một quyết định lịch sử, thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện và tích hợp để giải quyết những thách thức an sinh xã hội hiện nay.
Ông Nuno Cunha (Ảnh: TL)

Nghị quyết mang tính đột phá

Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ông Nuno Cunha vừa có bài viết phân tích ý nghĩa của Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Trong bài viết, ông Nuno Cunha nhấn mạnh: “Một nghị quyết mang tính đột phá về cải cách bảo hiểm xã hội đã đưa Việt Nam tiệm cận đến các nền kinh tế tiên tiến nhất trên thế giới trong lĩnh vực chính sách an sinh xã hội”. 

Phân tích các nội dung của Đề án, ông Nuno Cunha hoan nghênh mục tiêu hướng đến bao phủ toàn dân. Thông qua nghị quyết này, Việt Nam cam kết với các tiêu chuẩn quốc tế cơ bản như Khuyến nghị của ILO về Sàn an sinh xã hội (R202)  và Chương trình phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc năm 2030 như đề cập ở trên. Quyết định hiện thực hóa bao phủ an sinh xã hội toàn dân thông qua xây dựng một hệ thống đa tầng, trong đó kết hợp giữa hệ thống không dựa trên đóng hưởng (do thuế chi trả) và hệ thống dựa trên đóng hưởng (bảo hiểm xã hội) đưa Việt Nam đồng hành cùng các quốc gia khác trong khu vực đã đạt mục tiêu phổ quát an sinh xã hội như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc Thái Lan.

Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Tuổi thọ tăng cùng với mức sinh giảm đã làm tăng nhanh số người cao tuổi cần được chăm sóc và giảm số lượng người lao động hỗ trợ họ. Trong khi năm 2015 đã có khoảng 6 người ở độ tuổi lao động làm việc để “nuôi” một người già trên 60 tuổi, đến năm 2055 con số này chỉ còn là 2 người ở độ tuổi lao động/1 người cao tuổi. Điều này có nghĩa là trong tương lai sẽ xuất hiện tình trạng “thế hệ bánh sandwich” (dân số trong độ tuổi lao động bị “kẹp” giữa hai trách nhiệm chăm sóc cho con cái và chăm sóc bố mẹ) sẽ phải đối mặt với gánh nặng chăm sóc cả ba thế hệ -- bao gồm con cái, bản thân và cha mẹ. Trong trường hợp không có lương hưu, trách nhiệm sẽ còn nặng hơn nữa. Gánh nặng này càng trầm trọng hơn vì số lượng người trong độ tuổi lao động sẽ ít hơn, và do đó có ít anh chị em cùng chia sẻ gánh nặng chăm sóc cha mẹ già. Đảm bảo phổ cập an sinh cho người cao tuổi do vậy không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân họ, mà còn cho cả gia đình.

Trên một khía cạnh khác, Đề án cải cách đề xuất lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu; cân bằng giữa nam và nữ; điều chỉnh tỷ lệ thay thế sát với mức chuẩn chung của quốc tế, góp phần đảm bảo cân bằng tài chính dài hạn của hệ thống. Một số cải cách này không dễ dàng và không phải lúc nào cũng được dư luận công chúng ủng hộ. Tuy nhiên, những điều chỉnh trên rất cần thiết để đảm bảo rằng hệ thống trong tương lai có thể hiện thực hóa những quyền lợi được hình thành hôm nay. Một điểm quan trọng khác cần lưu ý là Nghị quyết cũng đưa ra một biện pháp để làm cho hệ thống lương hưu hấp dẫn hơn bằng cách đặt mục tiêu cụ thể để giảm các điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 10 năm, nghĩa là một người khi đến tuổi nghỉ hưu được nhận lương hưu từ hệ thống có đóng góp ngay cả khi mới chỉ tham gia được 10 năm.

Ông Nuno Cunha cũng nhấn mạnh, một yếu tố khác quan trọng không kém của cải cách là hạn chế việc rút BHXH một lần. Thông lệ quốc tế cho thấy việc rút BHXH một lần không phải là giải pháp tối ưu cho an ninh thu nhập của người cao tuổi vì hầu hết các khoản tiền rút được đều chi tiêu ngay lập tức. Nếu tình hình rút BHXH một lần không thay đổi, hệ thống lương hưu sẽ không bao giờ thành công trong việc đảm bảo thu nhập cho người già, và trong tương lai các gia đình sẽ phải thực thi trách nhiệm chăm lo thu nhập cho người cao tuổi.

Hiện thực hóa Nghị quyết

Ông Nuno Cunha nhấn mạnh dù có nhiều điểm đột phá nhưng đề án mới chỉ là một bước tiến. Thách thức nằm ở việc chuyển đề án thành hành động thực tiễn. ILO tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu, tuy nhiên điều quan trọng là cần nhận thức được những thách thức hiện tại.

Ông cho rằng, về cải cách hưu trí, các định hướng được xác định rõ ràng nhưng cần phải chú ý đến các chi tiết triển khai. Dù các nhân tố thiết kế đã được xác định, nhưng nếu xét đến thực trạng tỷ lệ tham gia của người lao động vào hệ thống BHXH hiện nay thì để đạt được độ bao phủ toàn dân cần phải dựa trên phân bổ của chính phủ qua hệ thống hưu trí xã hội không dựa trên quan hệ đóng hưởng.

“Đến năm 2030, số người trên 65 tuổi có lương hưu từ quan hệ đóng hưởng sẽ không thể hơn 2 triệu. Như vậy, khoảng 10 triệu người cao tuổi không có lương hưu, điều này càng khẳng định sự cần thiết phải mở rộng hệ thống hưu trí xã hội và xây dựng một hệ thống bao phủ toàn dân” – ông Nuno Cunha chia sẻ.

Các tính toán ban đầu của ILO cho thấy, để đảm bảo vào năm 2030, toàn bộ người trên 65 tuổi, kể cả những người không tham gia đóng, có thể nhận một khoản lương hưu cơ bản, thì chi phí sẽ ở mức dưới 0,8% GDP. Điều này cũng có nghĩa, sẽ làm tăng chi thường xuyên của Chính phủ, nhưng ILO tin tưởng mạnh mẽ rằng Việt Nam có thể chịu được mức chi này.

Ông Nuno Cunha cũng chỉ ra một thách thức khác liên quan đến sự gắn kết và phối hợp chính sách. Trong một hệ thống đa tầng, sự kết nối giữa các tầng rất quan trọng. Việt Nam đã đạt những bước tiến đáng kể về chính sách trong lĩnh vực trợ giúp xã hội và BHXH. Tuy nhiên xây dựng một hệ thống đa tầng đòi hỏi nhiều hơn thế. Chuyển từ mô hình hai chính sách độc lập sang mô hình đa tầng hài hòa chắc chắn là một giải pháp tốt nhất, nhưng đòi hỏi phải có sự điều chỉnh từ thể chế và khung khổ pháp luật. Câu hỏi được ông đặt ra là “Liệu đây có phải là thời điểm chín muồi để Việt Nam hướng đến một chính sách an sinh xã hội toàn diện, hoặc một văn bản pháp luật bao trùm cả bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội trong một khuôn khổ chính sách duy nhất?”./.

Anh Hạ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực