Dịch COVID-19 làm giảm số người tham gia BHXH tự nguyện

Thứ năm, 21/05/2020 10:24
(ĐCSVN) – Những tháng đầu năm 2020, người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động tự do. Do dịch COVID-19 kéo dài nên họ không có việc làm và cũng dừng đóng BHXH tự nguyện. Đó là nguyên nhân chính làm giảm đối tượng tham gia đóng BHXH bắt buộc cũng như tự nguyện.
leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Khánh Chi 

Đó là nhận định của bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) tại Giao lưu trực tuyến về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong dịch COVID-19 do Báo Nhân Dân phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa tổ chức.

Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm số người tham gia BHXH bắt buộc cũng như BHXH tự nguyện trong thời gian đầu năm 2020, bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam cho biết: Theo số liệu ước tính đến ngày 30/4/2020, số người tham gia BHXH khoảng 15,321 triệu người, trong đó BHXH bắt buộc khoảng 14,764 triệu người (giảm 780.000 người so với thời điểm hết năm 2019), BHXH tự nguyện khoảng 557 nghìn người đang tham gia (giảm 16.000 người so với thời điểm hết năm 2019 là 573 nghìn người).

Có sự sụt giảm trên là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu sản xuất đặc biệt là từ Trung Quốc; người lao động không đến ứng tuyển tại các doanh nghiệp có nhiều chuyên gia đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vì họ lo sợ bị lây dịch bệnh.

Theo bà Đinh Mai Hạnh, đặc biệt trong tháng 4, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động, cắt giảm lao động, giảm giờ làm, người lao động không có việc làm phải nghỉ việc, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ (giao thông vận tải, du lịch, khách sạn, nhà hàng).

“Còn đối với BHXH tự nguyện, năm 2019 chúng tôi phát triển rất tốt, nhưng từ đầu 2020 đến nay, tình hình chung cũng do dịch bệnh cho nên chủ yếu là giảm, không phát triển được đối tượng mới, kể cả đối tượng đang tham gia cũng phải dừng. Cũng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH tự nguyện cũng không được triển khai đúng tiến độ. Do phải thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi cũng không phối hợp được với Bưu điện tổ chức các hội nghị tuyên truyền đến người dân nên hầu như không phát triển được đối tượng tăng mới’, bà Hạnh cho biết.

Liên quan đến việc người lao động nghỉ việc dừng không tham gia BHXH, muốn chuyển sang BHXH tự nguyện có bị gián đoạn về mặt thời gian hay không bà Đinh Mai Hạnh cho biết: Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, người dân có thể lựa chọn một trong các phương thức đóng sau: đóng hằng tháng; đóng ba tháng một lần; đóng sáu tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (hiện nay là 700 nghìn đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (hiện nay là 27,8 triệu đồng).

Trong đó, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Trường hợp người dân đã dừng tham gia BHXH bắt buộc từ năm 2018, nay có thể tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện từ tháng 5/2020 và đến Đại lý thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú để được hướng dẫn đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực