"Đừng để người dân tham gia bảo hiểm xã hội không bằng gửi tiết kiệm"

Thứ hai, 25/12/2017 21:22
(ĐCSVN) – “Đừng để tình trạng người dân nói là tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) không bằng gửi tiết kiệm, chăm sóc sức khỏe nhân dân thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) không bằng tự đi khám chữa bệnh…”.

 

Các đại biểu tham dự tọa đàm (Ảnh: baodaibieunhandan.vn)


Chiều ngày 25/12, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm “Kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT - Những vướng mắc cần tháo gỡ”.

Những con số ấn tượng

Tham gia Tọa đàm có: TS Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bà Trần Thị Hằng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Bắc Ninh; Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Quảng Bình; PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, ĐBQH TP Hà Nội; Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; TS.BS Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế.

Tại tọa đàm, ông Phạm Lương Sơn cho biết, năm 2017, toàn ngành BHXH đã đạt nhiều kết quả khá khả quan.

Trong đó, về phát triển đối tượng, tính đến thời điểm hiện nay đã có trên 13,5 triệu người lao động tham gia vào chính sách BHXH bắt buộc và gần 250 nghìn người tham gia vào BHXH tự nguyện. Theo ông, con số này so với chỉ tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị thì BHXH chưa đạt được nhưng đây là một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của ngành.

Trong lĩnh vực BHYT, ông cho biết, đến thời điểm hiện nay đã có gần 81 triệu người dân tham gia BHYT, chiếm 86,4% và vượt 3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1167. 

Cũng theo ông Phạm Lương Sơn, tính đến thời điểm hiện tại, toàn ngành BHXH đã thu được trên 290 nghìn tỷ đồng, vượt 101% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, song song với công tác thu vào quỹ BHXH, BHYT thì toàn ngành đang rất tích cực, nỗ lực để giảm tỷ lệ nợ đọng trong lĩnh vực này. Theo đó, tính đến 25/12, số nợ BHXH chỉ khoảng trên 5.000 tỷ, chiếm khoảng 3%.

Ông Sơn khẳng định, trên cơ sở phát triển đối tượng thu, toàn ngành đã bảo đảm những quyền lợi về BHXH cho hơn 99 lượt triệu người lao động, trong đó 700 nghìn người hưởng chế độ ốm đau, khoảng 700 người thực hiện chế độ BH thất nghiệp. Trên 113 nghìn tỷ đồng đã được chi từ quỹ BHXH để bảo đảm quyền lợi từ hưu trí, ốm đau, tai nạn lao động, tai nạn nghề nghiệp, phục hồi dưỡng sức…

Đặc biệt trong lĩnh vực BHYT, đến ngày 25/12, toàn ngành đã đạt được chế độ khám chữa bệnh (KCB), bảo đảm cho trên 170 lượt triệu người đi khám BHYT, với tổng số chi dự kiến theo đề nghị của các cơ sở KCB trên toàn quốc khoảng trên 85 nghìn tỷ đồng.

Dưới góc độ cơ quan giám sát, ông Bùi Sỹ Lợi cũng nhất trí và nhấn mạnh 3 thành tựu nổi bật của ngành:  Độ bao phủ của các đối tượng tham gia BHXH, BHYT; ngành BHXH hoàn thiện được công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính; sự hài lòng của người dân với hai chính sách này.

Cũng nói về sự hài lòng của người dân, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh: “Điều quan trọng ở đây chúng ta phải nhìn nhận là sự hài lòng của người dân, rõ ràng nơi này nơi kia chúng ta chưa được như mong muốn của người dân, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận có sự thay đổi tích cực và đáng ghi nhận trên các phương diện như ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu sức khỏe từ cơ sở đến trung ương. Đặc biệt, thông qua đánh giá của 93 tiêu chí cuối năm của Bộ Y tế cho thấy, tỉ lệ hài lòng của người dân tăng lên, tin tưởng vào các dịch vụ y tế, trong đó các dịch vụ y tế có BHYT trả tiền được người dân đón nhận và đang có những chuyển biến tích cực”.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Nhấn mạnh BHXH và BHYT là hai trụ cột quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là người lao động giải quyết được những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, tuy vậy, theo các đại biểu việc thực hiện chính sách BHYT, BHXH cũng gặp nhiều thách thức.

Đó là, tỷ lệ tham gia BHXH của người lao động vẫn rất thấp so với tổng số lực lượng lao động cả nước. Đa số lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện và BH thất nghiệp. Đến hết năm 2014, cả nước có gần 4.415 triệu người từ 55 tuổi trở lên hưởng an sinh tuổi già (gồm 2,2 triệu người hưởng chế độ hưu trí, 1,6 triệu người già trên 80 tuổi và 670.000 người cao tuổi thuộc hộ nghèo được hưởng trợ cấp tuổi già). Tỉ lệ người hưởng trợ cấp tiền mặt hằng tháng khoảng 3% dân số, nhưng đời sống còn khó khăn do mức trợ cấp thấp. Cùng với đó, việc tổ chức thực hiện Luật BHXH gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hiện mức độ tuân thủ tham gia BHXH bắt buộc chỉ đạt 60%-70% so với quy định pháp luật…

Để giải quyết các thách thức, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần tiếp tục nâng cao nhận thức xã hội về BHYT, BHXH; cần làm rõ cho người dân hiểu được đâu là vấn đề có tính chất ngắn hạn, đâu là vấn đề có tính chất dài hạn, đâu là vấn đề chia sẻ và đâu là vấn đề không chia sẻ, theo đó họ phải tự dự phòng được bản thân họ.

Mặt khác, cần rà soát lại để hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT. Ông phân tích, hiện nay vấn đề hưu trí đang nổi lên bất cập, người đóng bảo hiểm trước để cho người sau hưởng. Ông nói “chúng ta vẫn còn bao cấp trong nội bộ những người đóng bảo hiểm để giải quyết chế độ lương hưu cho nhau là không đúng. Bởi vì lương hưu là vấn đề của cá nhân từng con người. Đây là vấn đề cần được giải quyết, nó khác với chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp”.

Ông cũng nhấn mạnh, trên cơ sở thành tựu của năm vừa qua, chúng ta không được tự ru ngủ mình mà phải tiếp tục đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, kiện toàn một cách hết sức chặt chẽ, đầy đủ các hệ thống dữ liệu về các đối tượng chính sách để triển khai kết nối mạnh mẽ hơn nữa.

Ở khía cạnh khác, cho rằng có những lỗ hổng có thể lạm dụng trục lợi trong việc thực hiện BHXH, BHYT, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Quảng Bình khẳng định, giải pháp quan trọng nhất phải xuất phát từ chính nội tại của cơ quan bảo hiểm. Vì đây là những cơ quan đề ra, tham mưu tích cực với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước và cũng là cơ quan phát hiện những lỗ hổng, hạn chế, bất cập trong ngành mình. Chính vì vậy, cơ quan BHXH, BHYT cần rà soát, đánh giá và từ đó đưa ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm thay đổi, lấp đầy những lỗ hổng đó.

Dưới góc độ của cơ quan lập pháp, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị cần rà soát toàn bộ hệ thống chính sách pháp luật trong hệ thống an sinh xã hội. “Mong muốn của các ĐBQH là phải có một sàn an sinh xã hội. Và trong BHXH gọi là sàn lương hưu tối thiểu; trong BHYT gọi là nhóm dịch vụ tối thiểu cơ bản để chăm sóc cho người dân” – ông Lợi nói.

Ông cũng cho rằng giải pháp quan trọng và mang tính quyết định là tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, quá trình tổ chức triển khai thực hiện phải lấy chất lượng để tạo sự hài lòng, để độ hấp dẫn của BHXH, BHYT mang lại hiệu quả.

Đặc biệt, phải coi việc mở rộng đối tượng, thực hiện chính sách an sinh xã hội phải là trách nhiệm của người dân, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhà nước bảo hộ. “Đừng để tình trạng người dân nói là tham gia BHXH không bằng gửi tiết kiệm, chăm sóc sức khỏe nhân dân thông qua BHYT không bằng tự đi khám chữa bệnh. Đây là sai lầm lớn, khi người dân không hiểu vấn đề thì làm sao chúng ta làm được” – ông Lợi thẳng thắn phát biểu.

Cuối cùng, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị cần phải thay đổi cách thức tuyên truyền để người dân tự nhận thức được trách nhiệm an sinh xã hội là quyền và nghĩa vụ theo Hiến định./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực