Giải pháp nào hạn chế nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội?

Thứ hai, 22/01/2018 14:01
(ĐCSVN) – Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi Bộ Tư pháp về việc thẩm định đề nghị xây dựng Nghị định quy định quản lý thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Ảnh minh họa: K.V

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội(LĐ-TB&XH) vừa có văn bản số 21/LĐTBXH-BHXH về việc trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng.

Theo cử tri Đà Nẵng phản ánh, hiện nay đối với các doanh nghiệp mất tích, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn, phá sản, giải thể... nhưng nợ bảo hiểm xã hội thì chưa có văn bản hướng dẫn. Vấn đề này dẫn đến tiền nợ bảo hiểm cộng với tiền lãi chậm đóng hàng tháng phát sinh ngày càng tăng cao nhưng không có cơ sở để giải quyết đối với các đơn vị này. Vấn đề này gây nhiều bức xúc cho người lao động, khi nghỉ việc mới phát hiện ra là doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Cử tri đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp để xảy ra tình trạng nợ hoặc không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; có văn bản hướng dẫn cụ thể để xử lý dứt điểm đối với các trường hợp trên để không tiếp tục ghi nợ bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, để hạn chế tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nhằm tăng tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội như: quy định về quyền của người lao động định kỳ được cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội, quyền thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, tăng mức lãi đối với số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội lên bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng...

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị phối hợp đôn đốc, chỉ đạo cơ quan chức năng ở địa phương phối hợp thực hiện nghiêm các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; trong đó tập trung kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Đặc biệt, Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 đã bổ sung tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, để giải quyết kịp thời chế độ cho người lao động trong các đoanh nghiệp gặp khó khăn đang nợ đóng bảo hiểm xã hội, tại khoản 3 Điều 18 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định “Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”.

Mặt khác, liên quan đến việc giải quyết quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng phương án bảo vệ quyền lợi của người lao động báo cáo Chính phủ.

Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn số 5145/LĐTBXH-BHXH gửi Bộ Tư pháp về việc thẩm định đề nghị xây dựng Nghị định quy định quản lý thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định ghi nhận kiến nghị của cử tri để tiếp tục trao đổi, thảo luận trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Nghị định trên/.

Minh Tú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực