Thay đổi cơ chế tài chính ưu tiên cho phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

Thứ hai, 05/11/2018 11:41
(ĐCSVN) - Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, chính sách BHXH tự nguyện ra đời đã hơn 10 năm nay, nhưng hiện toàn quốc mới chỉ có gần 200.000 người tham gia, còn quá thấp so với tiềm năng và mục tiêu đề ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Đường Loan

Từ 1/1/2018, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được hỗ trợ tiền đóng theo Nghị định số 134/2015/NĐ-CP. Báo cáo của Ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho thấy, tính đến 30/9/2018, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là 247.000 người, đạt 74,6% so với kế hoạch giao. Trong đó, một số địa phương thực hiện tốt công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện như: Điện Biên, Quảng Bình, Cao Bằng, Hải Dương, Thừa Thiên- Huế, Ninh Bình. Trong đó, tỉnh Hải Dương đang đứng đầu với 10.870 người tăng mới…

Thế nhưng, đến nay có tới 48 địa phương giảm đối tượng so với năm 2017, nguyên nhân chủ yếu là do một số đối tượng tham gia nghỉ hưởng chế độ BHXH hoặc chuyển sang nhóm đóng BHXH bắt buộc; người tham gia chưa hiểu đầy đủ về chính sách; có thu nhập thấp, không ổn định. Bên cạnh đó, một số người dân còn chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già; chưa giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đại lý thu. Như vậy, từ nay đến hết năm 2018, số còn phải phát triển là 84.232 người, đây được xem là nhiệm vụ khá khó khăn đối với địa phương.

Đề xuất giải pháp trong thời gian tới, Phó Tổng giám đốc BHXH Trần Đình Liệu nhấn mạnh: BHXH Việt Nam sẽ có những thay đổi để nâng cao hơn nữa công tác phát triển đối tượng như: Thay đổi cơ chế tài chính ưu tiên cho phát triển, mở rộng đối tượng, lấy khách hàng là trung tâm; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật cũng gắn với kết quả hoạt động trong phát triển đối tượng; đưa ra nhiều gói tỉ lệ hoa hồng cho người phát triển đối tượng, ưu tiên cho phát triển bền vững, tham gia lâu dài; tăng cường tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ đại lý…

Từ thực trạng triển khai ở các địa phương, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường mở rộng, kiểm tra, giám sát hoạt động của các hệ thống đại lý thu; tập trung đào tạo đội ngũ cộng tác viên ngoài ngành (là thành viên của các tổ chức chính trị- xã hội từ tỉnh đến xã như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên…); lựa chọn, xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng; niêm yết công khai tên, địa điểm, số điện thoại đại lý thu, nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia cho từng đại lý thu; đánh giá và khen thưởng kịp thời./.

Việt Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực