TP. Hồ Chí Minh còn khoảng 690 ngàn người lao động chưa tham gia BHXH

Thứ tư, 31/10/2018 16:26
(ĐCSVN) - Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh, hiện còn khoảng 690 ngàn người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tại khoảng 87 ngàn doanh nghiệp (DN). Ngoài ra, còn tới 735 ngàn người chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó có 150 ngàn học sinh sinh viên (HSSV).

Ngày 30/10, Đoàn giám sát của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Văn Thành- Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại UBND TP. Hồ Chí Minh, BHXH Thành phố, Bệnh viện Thống Nhất và Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.


Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu tại buổi giám sát

Báo cáo với Đoàn giám sát, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: Tính đến cuối tháng 9/2018, thành phố có 2,265 triệu người tham gia BHXH (trong đó BHXH tự nguyện chỉ có là 5.233 người tham gia), chiếm 52,25% so với lực lượng lao động trên địa bàn; hơn 6,933 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 83,13% dân số. Dự kiến, đến cuối năm, tỉ lệ bao phủ BHYT của thành phố đạt 85,2% dân số.

Số thu của BHXH TP.HCM tăng qua từng năm, trong khi tỉ lệ nợ có xu hướng giảm dần. Cụ thể: Năm 2016, BHXH Thành phố thu được 45.208 tỉ đồng, trong khi số nợ là 1.451 tỉ đồng - chiếm tỉ lệ 3,33% so với số phải thu. Năm 2017, thu được 51.467 tỉ đồng (số nợ 1.829 tỉ đồng- chiếm tỉ lệ 3,6%). Trong 9 tháng đầu năm 2018, thu được 40.750 tỉ đồng (số nợ 1.867 tỉ đồng- chiếm tỉ lệ 2,57%). Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 7.122 đơn vị SDLĐ nợ từ 3-6 tháng; 1.179 đơn vị SDLĐ nợ từ 6 tháng trở lên và 6.645 đơn vị sử dụng lao động đã giải thể, phá sản với số nợ 327 tỉ đồng.

Theo ông Phan Văn Mến, từ thông tin của Cục Thống kê cho thấy, TP.HCM có tổng số 171 ngàn DN đang hoạt động, tương ứng với khoảng 2,955 triệu người lao động (NLĐ) đang làm việc. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có khoảng 84 ngàn DN tham gia BHXH cho 2,265 triệu người. Như vậy, hiện còn khoảng 690 ngàn NLĐ chưa tham gia BHXH tại khoảng 87 ngàn DN. Ngoài ra, còn tới 735 ngàn người chưa tham gia BHYT, trong đó có 150 ngàn HSSV.

Cần giảm số lượng người hưởng BHXH một lần

Phát biểu tại buổi giám sát, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhận định, TP.HCM có tiềm năng lớn trong phát triển đối tượng (khoảng 690 ngàn NLĐ thuộc diện bắt buộc tham gia), nên các cấp, các ngành cần phải có biện pháp quyết liệt đưa nhóm này vào lưới an sinh để được chăm lo. Bên cạnh đó, phải giảm số lượng người hưởng BHXH một lần. "Tăng mới hàng năm 140 ngàn người, nhưng ra khỏi lưới an sinh đến 80 ngàn người, thì việc tăng mới kém đi ý nghĩa"- Tổng Giám đốc chia sẻ. Về BHYT, Tổng Giám đốc lưu ý TP.HCM cần kiên quyết khắc phục nhanh chóng việc chuyển dữ liệu KCB lên Hệ thống thông tin giám định; xem xét tổ chức đấu thầu hiệu quả thuốc, vật tư y tế nhằm đảm bảo quản lý thống nhất giá và cung ứng thuốc kịp thời cho các cơ sở KCB.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành- Thứ trưởng Bộ Công an cũng đánh giá những chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT của TP.HCM, nhất là việc thay đổi cung cách phục vụ người dân. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cũng chỉ rõ những thách thức mà thành phố phải đối mặt, nhất là tình trạng đơn vị SDLĐ trốn đóng, nợ đọng BHXH cũng như một số cơ sở KCB lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT... Từ đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành yêu cầu Công an và BHXH Thành phố cần có sự phối hợp chặt chẽ, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

“Các quy định pháp luật, hành lang pháp lý hiện khá đầy đủ. Đã có “thượng phương bảo kiếm” thì chúng ta phải dụng ngay. Chẳng hạn, việc tham gia BHYT HSSV đã quy định rõ trong luật, thì không phải phụ thuộc vào ý chí của HSSV hoặc phụ huynh. Vấn đề là hành động như thế nào, chủ yếu là các thầy cô, nếu các thầy cô quyết liệt thì BHYT HSSV sẽ đạt tốt”- Thứ trưởng Thành nhấn mạnh.

Tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang cho biết, thành phố sẽ nỗ lực để tăng số người tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành, vì việc phát triển lao động mới tham gia BHXH sẽ rất khó khăn, đa phần chủ yếu là hộ cá thể, sản xuất nhỏ, lao động mùa vụ… Đặc biệt, việc thực hiện chính sách này cũng đòi hỏi các cấp ủy Đảng phải thực sự vào cuộc, tăng cường công tác truyền thông thì mới đạt hiệu quả cao.

Cũng nhân dịp này, ông Tất Thành Cang đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị và các quy trình chuyên môn trong KCB BHYT. Sau khi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân đa tuyến tỉnh ổn định, cần hướng dẫn bệnh nhân về nơi đăng ký KCB ban đầu để giảm tải cho tuyến trên và giảm chi phí điều trị./.

Trần Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực