Vai trò của Bảo hiểm thất nghiệp đối với đời sống công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai

Thứ ba, 15/09/2020 10:47
(ĐCSVN) - Mục đích buổi tọa đàm nhằm bổ sung kiến thức giữa lý luận và thực tiễn về chính sách BHXH mà đặc biệt là chính sách BHTN trong giai đoạn xảy ra dịch Covid-19 tác động đến đời sống công nhân lao động.
 Tọa đàm “Vai trò của Bảo hiểm thất nghiệp đối với đời sống công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai” 

BHXH tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức buổi Tọa đàm “Vai trò của Bảo hiểm thất nghiệp đối với đời sống công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai”.

Mục đích buổi tọa đàm nhằm bổ sung kiến thức giữa lý luận và thực tiễn về chính sách BHXH mà đặc biệt là chính sách BHTN trong giai đoạn xảy ra dịch Covid-19 tác động đến đời sống công nhân lao động. Thạc sĩ Phạm Minh Thành,  Giám đốc BHXH tỉnh và Tiến sĩ Trần Minh Tâm, Trưởng khoa Lãnh đạo học và Chính sách công (thuộc Học viện Chính trị khu vực II) đồng chủ trì buổi Tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, nhiều nội dung đã được nêu ra và thảo luận như: ý nghĩa của chế độ BHTN; những thuận lợi và khó khăn qua 12 năm thực hiện chế độ BHTN tại Việt Nam; các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người lao động giải quyết chế độ BHXH, BHTN của BHXH tỉnh trong tình hình dịch Covid-19; giải pháp giảm tỷ lệ nợ BHXH, BHTN của BHXH tỉnh; chính sách BHXH, BHTN đặc thù dành cho lao động nữ; tại sao phải gắn kết 3 bên (nhà nước-đơn vị sử dụng lao động-người lao động) trong việc triển khai chính sách BHXH, BHTN? Vấn đề thất nghiệp – việc làm – lạm phát tác động như thế nào đến trật tự an toàn xã hội?....Các vấn đề trên đã được các đại biểu tham dự thảo luận, chia sẻ từ góc nhìn của các giảng viên đến công tác tổ chức thực hiện thực tiễn tại tỉnh Đồng Nai

Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, qua 25 năm hình thành và phát triển của ngành BHXH, chính sách BHXH, BHYT liên tục được hoàn thiện, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, không thể thay thế trong hệ thống an sinh xã hội của nước ta; BHXH và BHTN đã bảo đảm sự thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động, chết hoặc mất việc làm. BHYT đã thể hiện rõ nét tính nhân đạo, số người dân tham gia BHYT đã hình thành nguồn quỹ to lớn để chia sẻ gánh nặng tài chính với những người chẳng may bị ốm đau, bệnh tật, giúp cho họ vượt qua khó khăn, hoạn nạn, rủi ro, đau yếu, góp phần tăng cường và giữ vững an sinh xã hội.

Như vậy có thể nói, BHTN là “chiếc phao cứu sinh” của người lao động khi mất việc làm, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp dẫn đến phải cắt giảm lao động, khi đó BHTN càng có ý nghĩa sâu sắc là sự hỗ trợ cho người lao động khi mất việc làm tạm thời, vượt qua khó khăn trong đời sống và được cấp thẻ BHYT để được KCB khi chẳng may ốm đau, bệnh tật trong thời gian chưa tìm được việc làm, ngoài ra người lao động còn được hỗ trợ học nghề, đào tại lại, tìm việc làm nhằm sớm quay lại thị trường lao động.

Tiến sĩ Trần Minh Tâm - Trưởng khoa Lãnh đạo học và Chính sách công đã đánh giá cao kết quả buổi Tọa đàm, ghi nhận sâu sắc thành quả mà BHXH tỉnh Đồng Nai đã đạt được, đây là giá trị thực tiễn rất sinh động để cập nhật, bổ sung các giáo trình, tài liệu học tập và tài liệu tham khảo về khoa học lãnh đạo, quản lý, chính sách công, kinh tế phát triển và giới; phục vụ cho việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc các hệ lớp theo kế hoạch của Học viện II và nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển lý luận, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tiến Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực