Ai đã dung túng và tiếp tay cho những kẻ dối trá?

Thứ ba, 02/07/2013 10:48

Giữa tháng 6-2013, một số người dùng facebook ở Việt Nam phàn nàn về hiện tượng khó truy cập vào mạng xã hội này. Lập tức, một số cơ quan truyền thông như BBC, RFA,... vội khai thác và biến thành sự kiện để hướng sự nghi ngờ vào Nhà nước Việt Nam. Nhưng trên thực tế, tình trạng không chỉ xảy ra ở Việt Nam và đại diện Facebook đã lên tiếng xin lỗi về "sự cố hạ tầng web", dù vậy, mấy địa chỉ truyền thông vô cớ ám chỉ Nhà nước Việt Nam vẫn không đưa ra một lời đính chính,...?

Sau khi chiến dịch làm rùm beng một phạm nhân đang "tuyệt thực trong trại giam" kết thúc bẽ bàng, để lộ ra chân tướng một hệ thống thủ đoạn giả trá nhằm lừa dối dư luận ở trong và ngoài nước, có lẽ vì quá thất vọng và bức xúc, dù đã công bố entry Nên chấm dứt chạy trốn sự thực ở đây, ngày 22-6 chủ trang hantimes.info - người vốn được các "nhà dân chủ" hâm mộ, lại tiếp tục công bố entry Hãy biến đi! Entry có đoạn: "Hiệu ứng sự ngu xuẩn đám đông là điểm chết tư duy của cái gọi là phong trào dân chủ hiện nay. Những người tự cho mình là nhà dân chủ, đang thét gào dân chủ té ra chỉ là những người giỏi ve vuốt chính mình, té ra chỉ là những con người đầy lòng sợ hãi. Họ chỉ là những kẻ giỏi chiều chuộng chính mình và đi bám vào đám đông để nhận được sự tung hô nhằm tự thỏa mãn óc vị kỷ của chính họ... Không thể nào trông mong dân chủ đến từ đám bất chấp đúng sai, hoảng sợ, hèn hạ với thất bại của mình...". Trước thực tế đó, nếu có tinh thần khách quan và trung thực, nếu có đạo đức của người làm báo để tạo ra khả năng biết phân biệt đâu là đúng - sai, phải - trái, thực - hư, thì BBC, RFA, RFI, VOA,... phải thấy xấu hổ vì đã hăng hái cổ súy cho sự bịa đặt dựng đứng. Nhưng các cơ quan truyền thông này không làm như vậy, dù sự việc đã rõ mười mươi, họ vẫn phớt lờ sự thật, vẫn "cố đấm ăn xôi", vẫn tiếp tục công bố các tin tức đại loại như: dậm dọa kiện cáo (BBC - 23-6), trao đổi với "giới trẻ" (VOA - 24-6)...

Tới khi không chỉ người sử dụng Facebook ở Việt Nam, mà nhiều nơi trên thế giới, người sử dụng Facebook cũng gặp hiện tượng chập chờn, thậm chí không thể truy cập vào mạng xã hội này; thế là không khảo sát trên phạm vi rộng, không chú ý tới việc đã nhiều lần Facebook gặp sự cố, không tham khảo ý kiến nhà quản lý, trang tiếng Việt của BBC, RFA... nhanh chóng nhập cuộc qua các bài Facebook lại bị chặn ở Việt Nam?, Facebook bị chặn ở Việt Nam,... Các bài viết này đã đưa những thông tin mơ hồ hoặc ám chỉ, như: "có nguồn tin chưa kiểm chứng nói ngành bưu chính viễn thông đã lưu hành văn bản về việc chặn Facebook từ ngày 15-6", Mình gọi hẳn lên tổng đài, họ trả lời: "xin lỗi chị, để đảm bảo an ninh quốc gia bên em đã chặn FB rồi ạ", "các trang mạng xã hội, cụ thể Facebook, bị người sử dụng nhận thấy đang có sự can thiệp vào"! Thế nhưng, khi được biết hiện tượng trên là do lỗi kỹ thuật từ phía mạng xã hội Facebook, cơ quan này đã ra tuyên bố: "Chúng tôi đã xử lý vấn đề nhanh chóng và bây giờ Facebook đã hoạt động trở lại 100%. Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện này", thì BBC, RFA,... cũng quên luôn các bình luận thiếu thiện chí, nếu không nói là vô trách nhiệm của họ. Tuy nhiên một số kẻ tự nhận là "nhà dân chủ, người yêu nước" lại cố đi xa hơn. Ngày 26-6 qua Facebook, họ công bố cái gọi là "công văn của VNPT" chỉ đạo các đơn vị trực thuộc "khẩn trương thực hiện ngăn chặn truy cập đến trang mạng xã hội Facebook theo danh sách địa chỉ IP, Website gửi kèm". Rất nhanh chóng, một blogger la lối: "Công văn vi phạm quyền cơ bản của công dân", website chuacuuthe phụ họa bằng bài viết tùy tiện của K. Thuyên; từ nước Mỹ, trang điện tử người-viet hưởng ứng bằng bình luận: "Bản tin của Giáo dục Việt Nam và Petrotimes lập lờ để người đọc hiểu là không có chuyện nhà cầm quyền ngăn chặn. Nhưng văn thư của Tập đoàn VNPT làm theo lệnh của Bộ Công an đã nói lên tất cả" (!). Và cũng rất nhanh chóng, bằng các phân tích rất xác đáng, qua internet một số người đã vạch rõ "công văn" trên chỉ là văn bản giả mạo, người viết không biết gì về thể thức văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính!.

Các chiêu trò giả mạo tài liệu, dựng đứng sự kiện, đổi trắng thay đen, mà các thế lực thù địch và các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam truyền bá trên các phương tiện truyền thông, nhất là internet, đã bị lật tẩy rất nhiều, nhưng họ vẫn trơ tráo thực hiện. Như gần đây, Ủy ban Ðối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua cái gọi là Dự luật HR 1897, người ta biến ngay thành Hạ viện Mỹ thông qua luật nhân quyền Việt Nam (BBC - 28-6), bất chấp việc ai cũng biết không thể đồng nhất Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ với Hạ viện Mỹ. Ðến mức, trong bài viết ngày 21-6, vì thấy "vài tác giả gốc Việt ở Mỹ" thường dùng bức ảnh "bi kịch hóa ngoại cảnh một trại cải tạo ở Việt Nam" vốn là ảnh chụp lại từ bộ phim Vượt sóng của Hàm Trần sản xuất tại Mỹ nhưng không chú thích xuất xứ, làm như là "hình trại cải tạo thật", Vũ Ánh - người Mỹ gốc Việt, đã phải lên tiếng cho rằng đó là việc làm "không minh bạch" và "không nên chế biến hay bóp méo đối phương bằng sự tưởng tượng của mình". Thậm chí cách đây không lâu, có kẻ đưa một phụ nữ nửa đêm bế con nhỏ ra nằm vạ vật trên vỉa hè rồi chụp ảnh tung lên internet để vu cáo chính quyền, và lập tức bị vạch trần là dàn dựng giả dối, vì người phụ nữ... vẫn đội mũ bảo hiểm!

Việc sử dụng cả trẻ em vào các mưu đồ đen tối làm nhớ tới bài Vụ Babylift (Bốc trẻ em) trong đó có bức thư do ông Nguyễn Văn Hàm - Giáo sư, dân biểu của chính quyền Sài Gòn trước đây, cung cấp. Bức thư "làm tại miền nam Việt Nam ngày 6-4-1975" gửi Quốc hội, nhân dân Hoa Kỳ, Hội Chữ thập đỏ quốc tế, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc,... viết: "Lịch sử chiến tranh thế giới xưa nay dù người ta có sử dụng vô số các âm mưu thủ đoạn nào để đạt mục tiêu đi chăng nữa, nhưng chưa bao giờ sử dụng phương thức xuất cảng cô nhi như Chính phủ mới đây. Chúng tôi đau đớn mà tố giác rằng, trong khi đời sống của bốn ngàn cô nhi đang bình lặng tại các cơ sở nghĩa dưỡng toàn quốc, thì Chính phủ Sài Gòn do sự khuyến khích của Tòa Ðại sứ Mỹ đã bất ngờ đưa hết số cô nhi trên về Sài Gòn để chờ lên máy bay rời bỏ quê hương. Chúng tôi gay gắt lên án các hội nghĩa dưỡng quốc tế tại Việt Nam đã cấu kết chặt chẽ với âm mưu trên nhằm ý đồ chính trị, bội phản lại chủ trương nhân đạo nhân chính một cách bỉ ổi. Chúng tôi cực lực phản đối nhà cầm quyền Sài Gòn bất chấp tình đồng bào ruột thịt khi tuân hành mệnh lệnh quái ác: Xuất cảng cô nhi,... chúng tôi nghiêm khắc cảnh giác rằng: Lịch sử đạo đức nhân loại sẽ vô cùng lâm nguy nếu ngày nào ý nghĩa nhân đạo còn bị các thế lực hiếu chiến sử dụng vào mục tiêu chính trị thấp hèn" (website haylentieng.vn).

Thế giới đang trải qua nhiều biến động phức tạp với các nguyên nhân khách quan, chủ quan tác động tới các quốc gia theo cả hai xu hướng tích cực, tiêu cực. Vì thế, mỗi quốc gia đều có quy định luật pháp cụ thể để bảo đảm ổn định, phát triển, và Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ. Ðó là cơ sở để lý giải Ðạo luật chống nổi loạn và Ðạo luật tụ tập ôn hòa của Malaysia, Ðạo luật yêu nước của Mỹ, thậm chí cả việc "Một tòa án Ai Cập kết án 43 nhân viên của các cơ quan bất vụ lợi nước ngoài, gồm ít nhất 15 người Mỹ về tội sử dụng bất hợp pháp ngân quỹ để gây xáo trộn tại nước này... Tòa án cũng ra lệnh đóng cửa vĩnh viễn văn phòng tại Ai Cập của các tổ chức phi chính phủ trong đó có Freedom House trụ sở tại Mỹ, Viện dân chủ quốc gia, Viện cộng hòa quốc tế" (VOA - 4-6-2013)... đều là kết quả của xu thế tất yếu đó. Nhưng với một số tổ chức và cá nhân, sự chi phối của quan niệm "tiêu chuẩn kép" và sự thiếu trong sáng của lương tri đã không giúp họ có thái độ khách quan. Họ có thể im lặng trước việc: "Một số công ty internet đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Mỹ để tiết lộ các thông tin hạn chế về số lần họ nhận được yêu cầu theo dõi", và chỉ trong sáu tháng cuối năm 2012, từ các chính quyền tiểu bang và địa phương cũng như từ NSA, Facebook đã nhận từ 9.000 đến 10.000 yêu cầu đòi cung cấp dữ liệu của người sử dụng để theo dõi từ 18.000 đến 19.000 tài khoản; Microsoft nhận từ 6.000 đến 7.000 yêu cầu, làm ảnh hưởng từ 31.000 đến 32.000 tài khoản (VOA - 15-6), nhưng họ lại rất lớn tiếng phê phán Việt Nam kết án một số cá nhân đã có hành vi vi phạm Ðiều 88, Ðiều 79, Ðiều 258 Bộ luật Hình sự, chỉ vì những người này là blogger! Phải chăng với họ, hễ là blogger thì được phép vi phạm pháp luật và được họ o bế ?

Hiện tại, internet đang là phương tiện được các thế lực thù địch tận dụng để vu cáo Ðảng và Nhà nước Việt Nam, lũng đoạn nhận thức của con người, gieo rắc thông tin sai trái để đầu độc đời sống tinh thần công chúng. Với sự phối hợp của một số phần tử thoái hóa, biến chất, nhân danh "đấu tranh cho dân chủ", nhân danh "lòng yêu nước", các thế lực thù địch ngày càng trở nên trắng trợn, hung hăng. Ðặc biệt, thủ đoạn bịa đặt sự kiện và tin tức, đánh tráo khái niệm, dựng hiện trường giả,... được sử dụng với cường độ ngày càng cao, mật độ ngày càng dày đặc. Vì thế, có thể đặt câu hỏi: Nếu thật sự quan tâm tới dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, tự do tôn giáo ở Việt Nam, tại sao một số tổ chức, cá nhân, thậm chí là chính phủ một số nước, không quan tâm xác minh tính chính xác, bản chất của các sự kiện và vấn đề, mà tin cậy và dung túng, tiếp tay cho những kẻ dối trá? Hẳn là vì thế, trước việc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật HR 1897, Hạ nghị sĩ Faleomavaega đã không chỉ bày tỏ nỗi thất vọng mà còn khẳng định: "Thật đáng tiếc, các nội dung trong bản Dự luật nhân quyền Việt Nam 2013 đã không phản ánh chính xác bức tranh Việt Nam... Là một cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, tôi chia sẻ với cộng đồng người Việt ở Mỹ. Nhưng đưa ra các thông tin không chính xác, chống lại Chính phủ Việt Nam không phải là hành động đúng đắn".

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực