Đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội

Thứ tư, 06/11/2019 17:52
(ĐCSVN) - Điểm đặc biệt trong các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội hiện nay là họ tìm mọi cách tập hợp những người có trình độ cao nhưng thiếu bản lĩnh chính trị, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống để tấn công trực tiếp vào nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ngày 6/11, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu định hướng, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội”. PGS. TS. Mai Đức Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền và PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì Hội thảo.

PGS. TS. Mai Đức Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền
phát biểu đề dẫn Hội thảo

Thủ đoạn tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch, phản động

Đề dẫn Hội thảo, PGS. TS. Mai Đức Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, sinh thời, trong quá trình xây dựng và bảo vệ hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin cũng đã đấu tranh không khoan nhượng chống lại những tư tưởng sai trái, thù địch. Chính trong quá trình đấu tranh đó, những nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được khẳng định và phát triển, trở thành nền tảng tư tưởng cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH). Vì vậy, bên cạnh việc sáng tạo ra tư tưởng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, chống lại các quan điểm sai trái, thù địch là vấn đề có tính quy luật trong quá trình xây dựng và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản trong lịch sử cũng như trong giai đoạn hiện nay.

Thực tiễn cho thấy, tấn công vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là thủ đoạn tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, nhằm tạo ra khoảng trống ý thức hệ trong cán bộ, đảng viên của Đảng, cũng như trong toàn xã hội, để từ đó thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và trong xã hội, tiến tới làm tan rã Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là thủ đoạn không mới, bởi từ khi chủ nghĩa Mác xuất hiện đến nay, chưa bao giờ các thế lực chống cộng ngưng nghỉ việc công kích, chống phá nó.

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng nước ta, với dã tâm thâm độc là nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Để thực hiện được âm mưu này, trên lĩnh vực tư tưởng, các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn hòng xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, làm lung lạc niềm tin của nhân dân vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào chế độ, vào con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Sự công kích, chống phá ngày càng quyết liệt khi họ có được cái hiện thực vô cùng mới mẻ là sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới vào cuối thế kỷ thứ XX. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội, việc lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để chống phá cách mạng Việt Nam càng trở nên tinh vi, phức tạp với mức độ nguy hiểm khó lường. Vì vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là nhiệm vụ vô cùng cấp bách hiện nay.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết đã nêu những quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm củng cố trận địa tư tưởng của Đảng trong bối cảnh toàn cầu hóa và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước.

Với tư cách là một trường Đảng, đồng thời là trường đại học trọng điểm trong hệ thống các trường đại học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tham gia tích cực vào việc triển khai, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Trong đó, nghiên cứu về định hướng, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội sẽ góp phần vào việc thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng trước yêu cầu mới.

Cảnh giác với thông tin trên mạng xã hội

Theo PGS. TS. Mai Đức Ngọc, sự phát triển của mạng xã hội đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của một xã hội thông tin. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh sự tác động của mạng xã hội đến đời sống của con người có tính hai mặt. Bên cạnh những tác động tích cực, mạng xã hội cũng gây ra không ít những tác động tiêu cực, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh các thế lực thù địch, phản động đang lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội để tiến hành chống phá cách mạng Việt Nam.

Hình ảnh tại Hội thảo

Điểm đặc biệt trong các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội hiện nay là họ tìm mọi cách tập hợp những người có trình độ cao nhưng thiếu bản lĩnh chính trị, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống để tấn công trực tiếp vào nền tảng tư tưởng của Đảng, tìm mọi cách để chứng minh chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội là sai lầm; họ hoan hỉ, tung hô về “sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản” và “sự kết thúc của chủ nghĩa Mác”, ra sức tuyên truyền và cổ súy cho hệ tư tưởng và nền dân chủ tư sản; xuyên tạc, bôi nhọ lãnh tụ và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc quan hệ giữa nước ta với các nước khác trên thế giới; lợi dụng, lôi kéo những người dân bị thu hồi đất hoặc đang chịu tác động của ô nhiễm môi trường, những người nhẹ dạ, cả tin để kích động; tìm mọi cách để lập luận, chứng minh Đảng và Nhà nước ta không thực sự vì dân, chỉ có họ mới thực sự vì dân, vì nước, đứng ra đấu tranh để bảo vệ nhân dân; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ... lên án cán bộ, đảng viên của Đảng và Nhà nước tham nhũng, thiếu dũng khí, quyết tâm trong bảo vệ chủ quyền biển đảo... Khi Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đưa những vụ án lớn ra xét xử thì họ lại xuyên tạc đó là cuộc đấu đá giữa các phe phái trong Đảng, Nhà nước...

Với những sản phẩm truyền thông được đầu tư kỹ lưỡng và được lan tỏa, không chỉ khiến những người dân trình độ thấp, ít thông tin bị mê hoặc mà ngay cả một bộ phận người dân có trình độ cao hơn cũng hoang mang, hoài nghi và tin theo, từ đó hình thành dư luận xã hội tiêu cực một cách sâu rộng. Thủ đoạn tinh vi, phức tạp này còn được kết hợp với thủ đoạn dựng lên và tung ra những tin đồn thất thiệt, những thông tin sai sự thật hoàn toàn hoặc một phần, được nhào nặn khéo léo để xuyên tạc và chia rẽ nội bộ ta.   

Có thể khẳng định, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội đang ráo riết tìm mọi cách để người dân giảm sút, tiến đến không còn tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ, từ đó tin vào những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch của chúng. Khi đã thuyết phục được một bộ phận người dân, họ tiến hành tập hợp lực lượng, liên kết các bộ phận này để tiến hành các hoạt động biểu tình, chống phá.

“Thực tế đó cho thấy, việc nghiên cứu bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh chống lại những tư tưởng sai trái, thù địch trên mạng xã hội là vô cùng cần thiết và cấp bách” - PGS. TS. Mai Đức Ngọc khẳng định.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 60 bài tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện xoay quanh chủ đề hội thảo. Các tham luận đã tập trung làm rõ những vấn đề lý luận về định hướng giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay; làm rõ thực trạng, định hướng, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay; đặc biệt làm rõ những ưu điểm và nhược điểm, những thành tựu và hạn chế của quá trình áp dụng những định hướng, giải pháp đó.

Các đại biểu cũng đề xuất những quan điểm, định hướng giải pháp mới có căn cứ khoa học, có tính khả thi nhằm tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới./.

Tin, ảnh: HH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực