Ðó mới là "tiếng lòng yêu nước"

Thứ sáu, 23/11/2012 10:22

Qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần yêu nước đã trở thành một trong những tài sản quý, một giá trị thiêng liêng góp phần làm nên truyền thống dân tộc. Ngày nay, trong thời kỳ mới, tinh thần yêu nước vẫn là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên động lực để mỗi người Việt Nam cống hiến cho Tổ quốc ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần hiểu về lòng yêu nước như thế nào, làm gì để lòng yêu nước của mỗi người được phát huy? Về vấn đề này, có sự trung thực và cẩn trọng trong nhận thức, chống lại luận điệu của các thế lực thù địch...

Gần đây, trên blog của VOA, trong loạt bài Thế nào là yêu nước? một tác giả lớn tiếng giáo huấn, trích dẫn đông - tây - kim - cổ, tỏ ra hùng biện về "yêu nước", nhưng loạt bài này lại vô tình (hay cố tình?) không chỉ ra quan hệ biện chứng giữa tinh thần yêu nước của người Việt Nam với các thắng lợi vẻ vang trong lịch sử dân tộc, không chỉ ra quan hệ chặt chẽ giữa lợi ích của quốc gia, dân tộc với lợi ích của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Tác giả cũng phớt lờ lịch sử vấn đề và kết thúc với nhận định: "yêu nước, thật ra, là yêu những điều mình, hoặc người khác muốn mình, tưởng tượng". Viết như vậy, chẳng lẽ quê hương này, đất nước này là điều không có thật? Chẳng lẽ lịch sử chống ngoại xâm của bao nhiêu thế hệ người Việt Nam chỉ là mơ hồ? Chẳng lẽ ý chí, quyết tâm giữ gìn sự vẹn toàn của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc chỉ là điều "người khác muốn"? Chẳng lẽ công sức của bao nhiêu thế hệ đã xây dựng đất nước được như ngày nay lại chỉ là sự "tưởng tượng"?

Chẳng lẽ tác giả lại không biết rằng ngay cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara cũng từng thừa nhận, Mỹ đã thất bại ở Việt Nam vì: "đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc, thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng cùng các giá trị của nó".  Tác giả có thể không có một đất nước để yêu, và yêu nước là quyền của mọi người, nhưng bằng việc nấp dưới mớ chữ nghĩa ra vẻ uyên thâm, dường như người này muốn reo rắc vào người đọc sự mơ hồ? Tương tự như vậy, bàn về đổi mới  giáo dục nhưng một nhà giáo lại viết những dòng mà chắc chắn tác giả không tìm hiểu sự kiện trước khi đặt bút: "Nếu trên bục giảng tôi mở miệng ra giảng về lòng yêu nước, và trong thực tế tôi ra các văn bản cấm học sinh, sinh viên có hành động biểu lộ lòng yêu nước, hoặc tôi chất vấn kỷ luật những sinh viên, học sinh đã tự giác có hành động biểu lộ lòng yêu nước của họ, thì không những tôi trở thành biểu tượng của sự giả dối, mà còn trở thành điển hình cho quá trình phản giáo dục"? Khi chỉ cần sự kiện để bình luận chứ không cần sự thật để xem xét thì người ta có thể đưa mình tới sự trớ trêu...

Trên đây chỉ là mấy thí dụ để chứng minh đã có tác giả viết về lòng yêu nước từ thiên kiến đối với chế độ hơn là từ suy nghĩ thành tâm của một công dân. Lại có người tìm đủ mọi lý lẽ để kết luận phải đi biểu tình chống nước khác mới là yêu nước, phải chống chính quyền mới là yêu nước. Họ không chỉ viết mà còn tung ra một số videoclip, gán ghép hình ảnh yêu nước với việc cổ súy luận điệu chống Nhà nước, kêu gọi biểu tình... Có người dưới cái "mác" trí thức, cố diễn giải dài dòng, đưa ra các lý thuyết mông lung, nhận định vu vơ. Có người viết tràng giang đại hải, và sẵn sàng "chụp mũ" cho người nào nói khác họ. Người khác thì sử dụng ngôn từ kích động thù hận dân tộc, thậm chí kích động chiến tranh. Hình như họ còn hăng hái hơn khi được báo chí nước ngoài phỏng vấn và bài viết của họ được báo chí ở hải ngoại đăng đi, đăng lại? Họ càng viết, càng nói, càng nhận ra họ không muốn giữ gìn hòa bình để phát triển đất nước, dường như trong thâm tâm, họ không cần quan tâm tới hàng triệu người Việt Nam đang hằng ngày, hằng giờ vượt qua mọi khó khăn để giữ gìn sự vẹn toàn của đất nước, để xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh?

Cùng với sản phẩm của các nhân vật "chống Cộng" là người Việt ở nước ngoài. Việc trên internet xuất hiện một số ý kiến, bài viết thiếu thiện chí đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng là vấn đề có thể tạo ra kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc. Tuy nhiên, dù thế nào thì luận điệu của họ vẫn sớm bị nhận diện. Rất nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên sinh viên đã lên tiếng bảo vệ niềm tự hào và lòng tự trọng dân tộc, khẳng định "yêu nước" là một giá trị cốt lõi làm nên truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Sự xuất hiện của các bài viết như: Thế nào là yêu nước? đăng trên báo Thể thao và văn hóa; Không thể yêu nước trong sự vô minh đăng trên báo Ðất Việt, Yêu nước bằng một cách thông minh chứ đừng mù quáng để kẻ gian lợi dụng trên blog truongxua.vn của học sinh trường trung học, Lòng yêu nước - đúng mực và thông thái đăng trên báo Hà Nội Mới... đã chỉ rõ sự tỉnh táo của thế hệ trẻ trước các luận điệu xuyên tạc. Như trong một entry, nhà báo Phan Anh tâm sự: "Nhiều khi tôi "trộm nghĩ", chúng ta ai cũng kêu gào rằng mình yêu nước, rằng mình sẵn sàng làm mọi việc vì đất nước, nghe sao mà vĩ đại. Nhưng nếu chúng ta thật sự yêu nước, thật ra chỉ cần làm những việc nhỏ nhặt, thường ngày thôi. Hãy thử bắt đầu bằng việc biết yêu thương đồng loại, thương bạn bè, bố mẹ, biết học thật giỏi, biết nghe những điều hay và bảo tồn văn hóa truyền thống... Tôi biết, nói nghe thì có vẻ lý thuyết hão, nhưng tôi cho đó là hành động yêu nước thiết thực nhất. Yêu nước, đâu cần cứ phải hét tướng lên là được?". Còn trong bài Không thể yêu nước trong sự vô minh, bạn Lê Thị Hương (25 tuổi) viết: "Yêu nước xin hãy biết gạt bỏ những định kiến cá nhân để đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Hãy nhớ rằng có giữ được nước mới có cơ sở để mà xây dựng được một đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", công bằng hơn, tốt đẹp hơn... Ai yêu nước thì hãy cố gắng hiểu nhiều hơn về nước mình để biết lợi biết hại, biết giữ cho trái tim nóng mà cái đầu thì nguội, bớt những suy nghĩ ngông cuồng".

Nước có yên thì mới phát triển được, chính trị có ổn định mới bảo đảm cho kinh tế phát triển. Ðiều ấy hẳn ai cũng biết. Trong điều kiện kinh tế còn không ít khó khăn, Ðảng và Nhà nước vẫn dành ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta bảo vệ Tổ quốc bằng mọi biện pháp kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, quân sự. Ðến nay, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 179 nước, bao gồm các nước lớn, các trung tâm kinh tế tài chính hàng đầu thế giới, hợp tác thân thiện và hiệu quả với các nước láng giềng, tiếp tục phát triển quan hệ với các bạn bè truyền thống. Chúng ta chủ động, tích cực tham gia các tổ chức khu vực và trên thế giới, đăng cai tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn. Việt Nam đã và đang thuyết phục thế giới bằng môi trường chính trị ổn định, môi trường đầu tư hấp dẫn cùng thành tựu phát triển kinh tế, xã hội nổi bật... Tuy nhiên, trong bối cảnh mà sự nghiệp phát triển đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn, hơn lúc nào hết, trên cơ sở của lòng yêu nước, cần tiếp tục củng cố khối đoàn kết dân tộc, tạo ra sức mạnh vật chất - tinh thần mới để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là người yêu nước, hãy đóng góp công sức và trí tuệ của mình vào sự nghiệp phát triển đất nước, và cũng nên tham khảo những dòng TS. Nguyễn Ðài Trang, một Việt kiều trẻ từ Canada về thăm Tổ quốc, đã viết: "Ở khắp mọi nơi, tôi nghe được tiếng lòng của mọi người Việt, già hay trẻ, nam hay nữ, trong nước hay ngoài nước. Ðó là tiếng lòng yêu nước, là sự khát khao tìm hiểu về nguồn cội và là tiếng nói đoàn kết vì sự phát triển và vững mạnh của dân tộc"./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực