Xây dựng Đề án đội tàu khảo sát, nghiên cứu khoa học biển

Thứ năm, 16/04/2020 15:10
(ĐCSVN) - Đề án phát triển đội tàu điều tra, khảo sát, nghiên cứu khoa học biển là một trong những nội dung quan trọng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025.
Ảnh minh họa: Nguyễn Thành/TTXVN 

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ngày 05/3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biển xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội tàu điều tra, khảo sát, nghiên cứu biển. Thời hạn thực hiện Đề án đến năm 2025.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng thuyết minh sơ bộ “Đề án phát triển đội tàu điều tra, khảo sát, nghiên cứu biển”. Phương án xây dựng đội tàu nghiên cứu biển trong thời gian tới sẽ đầu tư bổ sung các tàu thực hiện điều tra tổng hợp, nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đo vẽ bản đồ biển, điều tra tổng hợp, nghiên cứu đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy, hải sản; khảo sát địa chất - khoáng sản, địa chất công trình biển, môi trường, khí tượng thuỷ văn biển.

Nói về tiến độ triển khai xây dựng Đề án, ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Đề án là một trong những nội dung quan trọng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với mục tiêu tổng quát “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển hình thành văn hoá sinh thái biển.

Đồng thời việc triển khai Đề án cũng nhằm giúp Việt Nam trong việc chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, để thực hiện thành công mục tiêu này, một trong các giải pháp được đề ra là phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển. Do vậy, bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực thực hiện việc điều tra, khảo sát biển, Việt Nam cần phải đầu tư trang bị các phương tiện điều tra, nghiên cứu biển như: tàu, thuyền, các hệ thống quan sát, quan trắc biển, giám sát biển... Đặc biệt cần có những con tàu chuyên dụng phục vụ công tác điều tra, nghiên cứu về biển.

“Việc đầu tư đội tàu nghiên cứu biển tiên tiến, hiện đại có khả năng điều tra, khảo sát ở vùng biển sâu, biển xa bờ cũng là một trong các giải pháp cần phải thực hiện mà Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đề ra”,Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi cho biết.

Về hiện trạng điều tra, khảo sát biển, ông Tạ Đình Thi cũng cho biết thêm: Hiện nay, chúng ta thiếu hẳn đội tàu điều tra, khảo sát biển. Lực lượng tàu làm nhiệm vụ điều tra, khảo sát tài nguyên, môi trường biển còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết các tàu hiện đang sử dụng có độ ổn định không cao, không có đủ không gian boong tàu để lắp đặt, bố trí hệ thống thiết bị khảo sát hiện đại, trên tàu không có phòng thí nghiệm cũng như kho lưu trữ, bảo quản mẫu vật, các phương tiện hỗ trợ trên tàu đã lạc hậu và không đồng bộ với hệ thống thiết bị khảo sát hiện đại đã được mua sắm.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của Đề án, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết: Đề án này nhằm xây đội tàu nghiên cứu khoa học biển của quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, của Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường giao. Để xây dựng được Đề án này đòi hỏi công sức rất lớn, nhằm đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn hiện nay gắn với yêu cầu thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW và Kế hoạch thực hiện đã được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết 26/NQ-CP và sắp tới là kế hoạch của Ban cán sự đảng Bộ.

Thứ trưởng đề nghị, Tổng cục rà soát, đánh giá tổng thể các nội dung cần thiết đáp ứng yêu cầu phục vụ điều tra, khảo sát tài nguyên và môi trường biển của nước ta, bảo đảm tính thực tiễn, khả thi và nguồn lực thực hiện.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Biển và Hải đảo tiếp tục chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đánh giá thực trạng, xác định các nhu cầu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước, đề xuất số lượng, cơ cấu yêu cầu kỹ thuật của đội tàu, xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện Đề án; đồng thời phải sớm xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan để đảm bảo quá trình khai thác, sử dụng đội tàu hiệu quả. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam hoàn thiện đề án báo cáo Ban cán sự đảng Bộ TN&MT./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực