Đảm bảo cho mọi người dân được sống khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần

Thứ năm, 15/02/2018 10:17
(ĐCSVN) - Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã khẳng định cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác y tế, đảm bảo cho mọi người dân được sống khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.

Nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh một số nội dung của Nghị quyết này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018.
Ảnh: Đỗ Thoa

Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng cho biết, một số điểm nổi bật của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Có thể nói, điểm mới nhất trong Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII là tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác y tế, đảm bảo cho mọi người dân được sống khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.

Nghị quyết này có những điểm nổi bật như: Người dân được chăm sóc sức khỏe về mọi mặt ban đầu, từ tư vấn, hướng dẫn ăn sạch, ở sạch, dinh dưỡng hợp lý, chế độ luyện tập và quản lý áp lực trong cuộc sống để phòng chống bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, tim mạch bằng cách tránh xa các yếu tố gây bệnh như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia... Đồng thời người dân được khám, sàng lọc sớm các bệnh lý mãn tính không lây nhiễm như: Tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư… Đặc biệt việc này gắn với y tế cơ sở là trạm y tế xã, phường và trung tâm y tế huyện theo nguyên lý y học gia đình gần dân nhất, theo hướng quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Để làm được điều này, ngành Y tế phải thực hiện tốt hai hoạt động chính là phòng bệnh và chữa bệnh. Đối với việc phòng bệnh cần đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe về mọi mặt như ăn uống hợp lý, ăn sạch ở sạch, thể dục thể thao, quản lý stress, các biện pháp phòng bệnh không lây nhiễm… Đối với việc chữa bệnh, ngành y tế phấn đấu ai cũng được chữa bệnh bằng cách tiến tới bảo hiểm toàn dân, nâng cao mục đích khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

PV: Nghị quyết số 20 tập trung ưu tiên tập trung phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giải quyết căn bản tình trạng quá tải bệnh viện, vậy Bộ trưởng có thể cho biết một số giải pháp và kết quả trong việc nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở trong những năm gần đây?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Một số giải pháp đã và đang được ngành y tế thực hiện thời gian gần có thể kể đến đó là:

Thứ nhất, ngành Y tế đã củng cố hệ thống tổ chức bộ máy mạng lưới y tế cơ sở theo hướng thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả,  thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng (cả dự phòng và khám chữa bệnh) và quản lý trạm y tế xã. Bước đầu triển khai quản lý các bệnh mạn tính, không lây nhiễm tại trạm  y tế xã; mô hình bác sĩ gia đình.

Thứ hai, đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo liên tục, đào tạo qua thực hành, hướng dẫn chuyên môn cho y tế cơ sở; thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với cán bộ y tế. Triển khai dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn"; "Đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng núi của các tỉnh thuộc miền Bắc và miền Trung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên theo chế độ cử tuyển". Xây dựng được một số chính sách ưu đãi cho nhân viên y tế cơ sở, đặc biệt tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn.

Thứ ba, huy động được nhiều dự án viện trợ, vốn vay ưu đãi để đầu tư cho y tế cơ sở. Phân loại các trạm y tế xã theo tiêu chí quốc gia y tế xã, trong đó chia thành 3 vùng dựa trên khoảng cách địa lý, địa hình, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân để đầu tư cho phù hợp, không dàn trải, tránh lãng phí.

Thứ tư, Ngành đã trình và được ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Gần đây Bộ Y tế đã ban hành Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19/12/2017 thực hiện Đề án 2348; Hướng dẫn số 1383/HD-BYT ngày 18/12/2017 triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh để các trạm y tế đến học tập kinh nghiệm.

Về kết quả trong việc nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở thì nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai rất hiệu quả như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình…Một số trạm y tế xã đã bước đầu thực hiện quản lý một số bệnh không lây nhiễm, mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường…

Bên cạnh đó, người dân đã tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, tỷ lệ lượt người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng từ 11,9% năm 2004 lên 17,6% năm 2010 và 43,5% năm 2016, lượt khám chữa bệnh nội trú tăng từ 35,4% năm 2004 lên 38,3% năm 2016). Đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại khoảng 80% tổng số trạm y tế. Các bệnh viện, trung tâm y tế huyện được đầu tư nâng cấp, được chuyển giao kỹ thuật nên năng lực cung ứng các dịch vụ y tế cơ bản cũng như chất lượng dịch vụ được cải thiện. Một số bệnh viện huyện đã cung cấp được các dịch vụ kỹ thuật tiên tiến.

Song song với đó, các chỉ số sức khỏe của Việt Nam cao hơn nhiều so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, đặc biệt trong việc hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Khám bệnh cho người dân ở Trạm y tế xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Ảnh: Đỗ Thoa

PV: Vừa qua, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đưa ra thông điệp chăm sóc sức khỏe nhân dân là vấn đề quan trọng đặc biệt. Xin Bộ trưởng chia sẻ một số ý tưởng về việc Ngành sẽ làm gì để y tế Việt Nam phát triển?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Theo Tổ chức Y tế thế giới: “Một hệ thống y tế tốt cung cấp các dịch vụ có chất lượng đến mọi người dân, khi nào và ở đâu họ cần”. Theo đó, để y tế Việt Nam phát triển, tôi cho rằng chúng ta cần nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ từ phía các cơ sở y tế cũng như giảm các rào cản cả về địa lý, tài chính, văn hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ y tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Ngành Y tế đã đề ra một số giải pháp chủ yếu là:

Thực hiện các giải pháp y tế công cộng, bảo vệ sức khỏe, giải quyết các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe thông qua các chính sách liên ngành, bao gồm việc nâng cao hiểu biết của người dân về sức khỏe.

Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, lấy người dân làm trung tâm, bao phủ toàn bộ các khu vực địa lý, đặc biệt quan tâm tới các nhóm dân cư yếu thế, theo dõi sức khỏe đến từng người dân. Thực hiện các chương trình y tế dự phòng có hiệu quả, chẩn đoán sớm và giải quyết bệnh tật tại gia đình và cộng đồng.

Nâng cao hiệu suất của hệ thống y tế: Sắp xếp bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả từ trung ương đến địa phương. Lựa chọn thuốc, dịch vụ, vật tư y tế đáp ứng yêu cầu điều trị với mức chi phí phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế và khả năng chi trả/cùng chi trả của người dân. Áp dụng phương thức chi trả nhằm khuyến khích sử dụng nguồn tài chính có hiệu quả. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, hình thành mô hình quản lý bệnh viện như doanh nghiệp công ích.

Tăng cường bảo vệ tài chính cho người dân trong khám chữa bệnh: Tiếp tục thực hiện BHYT toàn dân, mở rộng phạm vi chi trả của quỹ BHYT cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng cho cá nhân; hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, người cao tuổi chưa có chế độ hưu trí, các đối tượng chính sách trong khám, chữa bệnh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc Bộ trưởng một năm mới An khang thịnh vượng!

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 20 -NQ/TW) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đề ra mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2025:

- Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm.

- Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%.

- Tỉ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 95% với 12 loại vắc xin. Giảm tỉ suất tử vong trẻ em: Dưới 5 tuổi còn 18,5‰; dưới 1 tuổi còn 12,5‰.

- Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%. Tỉ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167 cm, nữ 156 cm.

- Phấn đấu trên 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.

- Đạt 30 giường bệnh viện, 10 bác sĩ, 2,8 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%.

- Tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.

Đến năm 2030:

- Tuổi thọ trung bình khoảng 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm.

- Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân số. Tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.

- Bảo đảm tỉ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95% với 14 loại vắc xin. Giảm tỉ suất tử vong trẻ em: Dưới 5 tuổi còn 15‰; dưới 1 tuổi còn 10‰.

- Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%; khống chế tỉ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 10%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ 157,5 cm.

- Phấn đấu trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.

- Đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sĩ, 3,0 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%.

- Tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90%.

- Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.

 

Đỗ Thoa
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực