Dấu ấn đối ngoại đầu tiên của Việt Nam trong năm 2018

Thứ năm, 15/02/2018 00:11
(ĐCSVN) - Trong các ngày từ 18 - 20/1/2018, Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF - 26) với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững” do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại thủ đô Hà Nội đã thành công tốt đẹp.
Đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. (Ảnh: VOV)

Đây là một sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng, mở đầu cho hoạt động ngoại giao của Nhà nước ta trong năm 2018, đồng thời thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF.  Nội dung này đã được đồng chí Nguyễn Văn Giàu - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khẳng định trong bài trả lời phỏng vấn dành cho Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018.

Phóng viên (PV): Với vai trò là Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức APPF-26, xin đồng chí cho biết ý nghĩa quan trọng của sự kiện ngoại giao mở màn cho năm 2018 tại Việt Nam?

Đồng chí Nguyễn Văn Giàu: Tham gia Hội nghị APPF-26 có 22 đoàn nghị viện thành viên bao gồm cả Việt Nam và quan sát viên với 356 khách quốc tế, trong đó có 7 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, 10 cấp Phó Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt có sự tham dự của Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU, Nguyên Chủ tịch IPU. Các đoàn có số thành viên lớn như: Indonesia 50 thành viên, Nhật Bản 36 thành viên, Campuchia 26 thành viên, Mexico 25 thành viên, Malaysia 25 thành viên, Mông Cổ 21 thành viên, Trung Quốc 20 thành viên, Lào 20 thành viên, Canada 18 thành viên…

Diễn đàn APPF được thành lập năm 1993, với sự tham gia của 27 Nghị viện thành viên, gồm các nước lớn như: Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc… nhằm tăng cường đối thoại giữa các nghị sĩ trong khu vực về các vấn đề an ninh-chính trị, hợp tác kinh tế-thương mại và văn hóa, giải quyết những vấn đề khu vực và đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, thịnh vượng cho toàn khu vực. Diễn đàn APPF cũng là kênh hỗ trợ cho Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Về nguyên tắc, APPF là một diễn đàn mở cho tất cả các nghị viện và các nghị sỹ quốc gia trong khu vực. Quốc hội Việt Nam tham gia APPF từ năm 1995.

Tiếp theo sau Đại hội đồng IPU-132 tháng 3/2015, việc Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 26 của APPF là triển khai tích cực chủ trương, đường lối đối ngoại đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra, đó là “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.

Việc đăng cai và tổ chức APPF-26 là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, góp phần quan trọng vào những thành công chung trong hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta. Đây cũng là dịp tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng. Hội nghị là dịp để tăng cường quan hệ ngoại giao song phương giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là lần thứ 2 Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên của APPF, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong Diễn đàn Nghị viện lớn nhất khu vực.

Hội nghị APPF-26 thúc đẩy vai trò của các nghị viện đối với hoạt động hợp tác của APEC, phát huy những kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng trên kênh nghị viện. Hội nghị cũng có ý nghĩa quan trọng khi thông tin rộng rãi đến nhân dân cả nước, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài và bạn bè quốc tế về Quốc hội Việt Nam; giới thiệu về đất nước Việt Nam hội nhập và phát triển; con người Việt Nam năng động và thân thiện; văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Có thể nói, việc đăng cai và tổ chức thành công APPF-26 trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là ngay sau khi ta tổ chức thành công APEC 2017 đã nâng cao vị thế của Quốc hội nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, tạo dựng hình ảnh về một Việt Nam trách nhiệm, hội nhập và phát triển.

PV: Vậy để bảo đảm thành công cho sự kiện này, Quốc hội đã triển khai những công tác chuẩn bị như thế nào, thưa đồng chí ?

Đồng chí Nguyễn Văn Giàu: Có thể thấy rằng, với vai trò là chủ nhà, Quốc hội Việt Nam đã hoàn thành một khối lượng công việc rất đồ sộ cho sự kiện này cả về các khâu lễ tân, hậu cầu, thông tin tuyên truyền, an ninh y tế …

Sau khi tham khảo các Nghị viện thành viên và theo Quy chế hoạt động của Diễn đàn, nước chủ nhà có trách nhiệm chuẩn bị toàn bộ về nội dung, chương trình nghị sự, cách thức tổ chức, lễ tân, hậu cần; đồng thời phối hợp với các nước thành viên Ban Chấp hành quyết định chủ đề và nội dung nghị sự của Hội nghị. Chủ đề của sự kiện năm nay đã định hướng cho các nghị viện thành viên APPF về một Tầm nhìn cho APPF, một tương lai chung cho tất cả mọi thành phần với sự đóng góp và sáng tạo của các nghị viện thành viên nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia và mọi người dân. Để đạt được Tầm nhìn đó, APPF cần phải phát huy tối đa vai trò xúc tác, gắn kết các bên và thiết lập vị thế là một đối tác có tiếng nói tại các diễn đàn hợp tác đa phương.

Ghi dấu ấn 25 năm hình thành và phát triển APPF, đưa ra một giai đoạn phát triển mới của APPF, Quốc hội Việt Nam đề xuất Hội nghị ra Tuyên bố APPF Hà Nội – Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương. Bản Tuyên bố đảm bảo tính kế thừa của APEC cũng như phù hợp với các Tuyên bố dấu mốc mà APPF đã từng thông qua trước đó vào các năm 1993, 1997, 2001 và 2012; đồng thời vạch ra phương hướng cho hợp tác liên nghị viện trong khu vực tới năm 2030. Đoàn Việt Nam đã chủ động đề xuất 06 dự thảo Nghị quyết theo chủ đề Hội nghị.

PV:  APPF-26 đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Giàu: APPF-26 đã diễn ra rất nhiều các phiên họp, nhiều nội dung được trao đổi, thảo luận. Ngoài phiên họp Hội nghị Nữ Nghị sỹ APPF, Phiên họp Ban chấp hành, Phiên khai mạc, APPF26 diễn ra 4 phiên họp toàn thể (Phiên 1 về các vấn đề chính trị và an ninh, Phiên 2 về vấn đề kinh tế và thương mại, Phiên 3 về Hợp tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Phiên 4 về các vấn đề của APPF).

Diễn ra song song với các phiên toàn thể là cuộc họp của Ủy ban Soạn thảo và các Nhóm công tác để thảo luận các văn kiện của Hội nghị. Theo quy định của APPF, Ủy ban Soạn thảo văn kiện là cơ quan chịu trách nhiệm chính về mọi văn kiện của Hội nghị. Sau khi Ủy ban Chấp hành APPF đã thông qua danh mục văn kiện của Ủy ban soạn thảo và các Nhóm Công tác, các Nhóm Công tác đã tích cực, chủ động, khẩn trương thảo luận các dự thảo nghị quyết để đưa ra Ủy ban soạn thảo văn kiện thống nhất trình hội nghị thông qua tại phiên toàn thể cuối cùng.

Sau nhiều phiên họp, có những nội dung tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, Hội nghị đã thông qua 14 dự thảo Nghị quyết; sửa đổi Quy chế hoạt động của APPF; Thông cáo chung và Tuyên bố Hà Nội với sự đồng thuận cao của các đại biểu; Nhiều Nghị quyết do Việt Nam tham gia bảo trợ. Hội nghị đã nhất trí sửa đổi quy chế APPF, đưa Hội nghị Nữ nghị sỹ trở thành một cơ chế chính thức tại các Hội nghị thường niên của APPF

Thành công của Hội nghị là đã thông qua bản Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương”. Kế thừa các bản Tuyên bố dấu ấn khác của APPF, Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, xác định một tầm nhìn mới của APPF sau một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển. Tuyên bố đã điểm lại những thành tựu nổi bật của APPF, kiên trì thực hiện mục tiêu chung góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác, đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. APPF đã đóng góp vào các nỗ lực chung của các cơ chế toàn cầu và khu vực, như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)...

Tuyên bố cũng đã đưa ra một bức tranh phát triển hiện nay của khu vực và quốc tế, trong đó có những thay đổi căn bản, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, cùng những tác động hết sức sâu rộng. Trong bối cảnh đó, Hội nghị đã nhận định tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện, đề ra những nhiệm vụ mà APPF cần phải thực hiện, cũng như thúc đẩy APPF triển khai các hành động nhằm mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và tăng cường liên kết kinh tế khu vực sâu rộng.

Trong giai đoạn tới, APPF cần phải tiếp tục đổi mới nội dung nghị sự, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các thể chế đa phương như APEC và các cơ chế hợp tác khác. Trong tiến trình đó, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tích cực, cùng APPF và nghị viện các nước để hiện thực hóa tầm nhìn mà chúng ta đã đề ra nhằm đưa các khuyến nghị, nghị quyết của APPF trở thành hành động cụ thể.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thu Lan (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực