Logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn

Thứ sáu, 16/02/2018 10:26
(ĐCSVN) - Ngành Logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017, phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Ảnh minh họa (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Để ngành dịch vụ quan trọng này có thể vươn lên và cạnh tranh ngang bằng với các doanh nghiệp nước ngoài, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn từ chính các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, các cơ quan quản lý.

Một trong những động thái đầu tiên và hỗ trợ thiết thực nhất của Bộ Công Thương đối với các doanh nghiệp logistics chính là việc cơ quan này cho ra đời Báo cáo Logistics Việt Nam 2017, nhằm giúp các doanh nghiệp có được cái nhìn tổng quát nhất về chính thực trạng và định hướng của ngành. Từ đó, có thể có những kế hoạch cụ thể hơn trong những năm tới.

Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao, thông qua Báo cáo này, Bộ Công Thương cũng mong muốn cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về sự phát triển của logistics ở Việt Nam, không chỉ các vấn đề liên quan đến khuôn khổ chính sách mà còn là liên quan đến hạ tầng, sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành, và đặc biệt là việc ứng dụng dịch vụ logistics trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành này.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, ngay trong tháng 4/2017, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị để triển khai Quyết định này. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch riêng của Bộ để triển khai Quyết định của Thủ tướng. Đến tháng 10/2017, Bộ Công Thương cùng với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan đã tổ chức được 2 hội thảo quan trọng về nguồn nhân lực, hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics.

Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện nay đã đạt trên 400 tỷ USD và còn tăng nhanh, nền kinh tế cũng đang tăng trưởng khá nhanh thì không gian phát triển ngành dịch vụ logistics là rất lớn. Nếu chúng ta nhìn rộng ra hơn nữa, xét trên cả bình diện ASEAN thì tiềm năng phát triển logistics là rất lớn. Do đó, Nhà nước hết sức khuyến khích các doanh nghiệp logistics Việt Nam vươn lên để nắm bắt các cơ hội này. Về phía Chính phủ cũng sẽ có những hộ trợ phù hợp với thông lệ quốc tế; trong đó, biện pháp đầu tiên là tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp Việt Nam, tránh sự chèn ép thống lĩnh của các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, còn có hỗ trợ về nguồn nhân lực thông qua việc đưa ra một chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp logistics .

Tuy nhiên, hiện hạ tầng logistics của Việt Nam chưa phát triển, đặc biệt là các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế. Chúng ta mới có một số trung tâm logistics lớn ở các đầu tàu kinh tế quan trọng như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… Vì vậy, tới đây sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển thêm các trung tâm logistics để tạo thuận lợi hơn nữa cho ngành dịch vụ này; đồng thời, cần thúc đẩy sự liên kết các doanh nghiệp logistics trong nước với nhau cũng như việc đề cao vai trò và đổi mới hoạt động của các hiệp hội, hướng đến một môi trường cạnh tranh công bằng, phát triển nhanh và mạnh hơn nữa...

Kim Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực