Sự hy sinh và những người giữ ngọn đèn trên đảo Long Châu

Thứ sáu, 16/02/2018 10:36
(ĐCSVN) - Mùa Xuân về, lòng người náo nức, cũng là lúc những người lính nao lòng khi nhớ về gia đình trong những ngày cận kề Tết Mậu Tuất. Những hy sinh thầm lặng của người lính, người công nhân canh ngọn đèn hải đăng, giữ bình yên cho Tổ quốc và giúp cho tàu bè qua lại thật đáng trân trọng!

Sự hy sinh thầm lặng của người lính

Ai cũng mong có một cái Tết bình yên, đầm ấm, rộn rã tiếng cười quanh người thân và những điều may mắn sẽ đến trong năm mới. Nhưng có những người lính, vì nhiệm vụ thiêng liêng, vì sự bình yên của nhân dân, đã sẵn sàng ăn Tết xa nhà...

Sự hy sinh thầm lặng của những người lính (Ảnh: H.T)

“Cách đây ít hôm, theo chỉ thị của Tư lệnh Quân khu và của Lữ đoàn trưởng, anh em chúng tôi đã vào kho kiểm tra vũ khí, làm vệ sinh, thử đi thử lại tất cả súng và quân tư trang; kiểm tra máy móc, nhiên liệu tàu bè để nếu có xảy ra vấn đề gì về an toàn, an ninh trong dịp tết Nguyên Đán là chúng tôi phải xử lý ngay. Mọi tình huống và giả thiết đã được đặt ra, lên phương án cụ thể. Việc tiểu đoàn chúng tôi nằm gần khu dân cư nên tình huống đặt ra, có thể giải quyết cả những việc phát sinh của địa phương trong những ngày Tết. Ví dụ như, Tết 2 năm trước, anh em chiến sĩ chúng tôi đã cấp cứu kịp thời một thanh niên bị hành hung vỡ đầu, cướp xe máy gần doanh trại. Chúng tôi đã tóm gọn 4 tên côn đồ giao về cho công an xã xử lý sau đó” – Thiếu tá Nguyễn Văn Tân, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 273, Quân khu 3 chia sẻ.

Ngoài việc huấn luyện trong đơn vị theo kế hoạch 6 tháng, 1 năm thì các chiến sĩ, sĩ quan ở đây còn đi huấn luyện nghiệp vụ trên sông và trên biển, kết hợp cùng những chuyến công tác.

Rau xanh, mùa nào cây ấy và chăn nuôi lợn, gà cũng được đơn vị Tiểu đoàn 2 xây dựng kế hoạch và động viên cán bộ chiến sỹ tham gia tích cực. Việc trồng được rau sạch và chăn nuôi lợn, gà sạch giúp cho chất lượng bữa ăn tự cung cấp của các cán bộ, chiến sĩ được nâng lên.

“Ở đây, cuộc sống của người lính ấm áp và chan hòa như ở nhà mình. Đời sống vật chất cũng không thiếu thốn. Thậm chí, có những lần người nhà đến thăm chiến sĩ thì cán bộ ở đây còn gửi gà và rau sạch về biếu gia đình. Người dân ở quanh đơn vị vào chơi vào dịp cuối tuần, có rau anh em cho rau, có chuối chín cây thì cho chuối… Cán bộ và chiến sĩ ở đây còn giúp bà con những ngày công làm nhà, làm sân. Khi có đám cưới, đám giỗ, người dân mời anh em đến dự như những người thân trong gia đình” – chiến sĩ Hoàng Mạnh Tùng, quê Vĩnh Bảo – Hải Phòng vui vẻ cho biết.

Lịch trực Tết được cắt cử rõ ràng làm 2 đợt. Lịch trực là sự luân phiên theo từng năm cho từng cán bộ, chiến sĩ. Chiến sĩ Trần Văn Tỉnh (quê Nam Định) chia sẻ: “Tết thì ai cũng mong về bên gia đình sum họp. Vì nhiệm vụ, năm nay mình ở lại... Nhớ tết quê nhà!”.

Những người giữ ngọn đèn trên đảo Long Châu

Họ là những người công nhân thắp sáng ngọn đèn hải đăng cho tàu bè quốc tế qua lại, bất kể ngày Tết hay ngày lễ. Quanh năm, đảo Long Châu (Cát Hải – Hải Phòng) chỉ có sóng và gió. Rau xanh và nước sạch ở đây được ví “quý hơn vàng”.

Tết trên đảo đèn, những người công nhân vẫn âm thầm chở từng thùng dầu bằng xe thồ để phục vụ chạy đèn theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Họ chưa cảm nhận thấy không khí của những bông đào, bông mai đang nở trên đất liền...

Những công nhân vẫn thay nhau canh giữ ngọn đèn trên đảo Long Châu trong những ngày Tết (Ảnh: H.T)

“Tết ở đây đơn giản lắm, chỉ mấy cân giò và mấy cân thịt gà là anh em có Tết. Gà là phải được làm sẵn từ đất liền, chứ ngoài này không có nước, đến nước tắm cũng chia nhau từng chậu...  Rau, củ quả ở đây đặc biệt hiếm, rau quý hơn cả vàng. Anh em có tăng gia trồng rau nhưng thời tiết ở đây khắc nghiệt lắm, nước ngọt lại không có để tưới nên rau trồng chỉ chờ ông trời cho giọt nước mưa nào thì mới có nước để sống... Nỗi nhớ nhà khắc khoải trong trái tim mỗi người công nhân. Sau giao thừa, chúng tôi gọi điện về nhà cho bố mẹ, vợ con mà nước mắt cứ rơi trong lời chúc Tết đầu năm mới. Bạn của chúng tôi trong những ngày Tết là những chú chó và những chú dê chạy khắp núi đá này sang núi đá khác…” – Trạm trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trải lòng.

Trên đảo trong ngày cận kề Tết, những người công nhân chia nhau về quê thăm gia đình trước Tết để quay trở lại đảo thay ca nhau trực đèn. Có 8 anh em được bố trí trực đèn hải đăng cho tàu thuyền quốc tế ra vào cảng an toàn.

Công nhân trạm đèn Long Châu làm việc thầm lặng như những người lính. Hàng ngày, họ phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhiên liệu, các thiết bị báo hiệu hàng hải một cách chu đáo. Thậm chí, họ sẵn sàng trở thành một thợ sửa chữa đèn hải đăng khi có sự cố xảy ra, vì ngọn hải đăng không thể tắt vào ban đêm.

Anh Bùi Quốc Dương, công nhân đảo đèn cho biết: “Ngày Tết, chúng tôi chia làm 2 đợt trực, từ ngày 29  đến mùng 4 Tết âm lịch. Mỗi ca 8 giờ đồng hồ. Trực liên tục ngày đêm, đảm bảo đúng thông số kỹ thuật theo thông báo hàng hải. Những con tàu ra vào cảng được an toàn là niềm vui lớn nhất của chúng tôi. Nghĩ về những ngày Tết, tôi chỉ tưởng tượng ra không khí nơi quê nhà... Tôi vì nhiệm vụ không thể tham gia đón Tết cùng gia đình...”.

Cần mẫn và âm thầm hy sinh niềm vui Tết cho những ngọn đèn được sáng phục vụ tàu bè quốc tế và canh giữ bình yên, ấm áp của người dân là tất cả tâm nguyện của các anh - những người lính, những người công nhân thời bình./.

Hương Trang – Kim Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực