Văn hóa – Một năm nhìn lại

Thứ năm, 15/02/2018 21:19
(ĐCSVN) - Năm 2017 đã đi qua đánh dấu một năm với vô vàn các sự kiện văn hóa lớn nhỏ được tổ chức, mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng nhìn chung bức tranh văn hóa năm 2017 vẫn chủ yếu là những điểm sáng mang dấu ấn đặc biệt.
Năm 2017,“Hát Xoan Phú Thọ” đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi
Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại
Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: Theo vov.vn)


Năm 2017, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng, tôn vinh các giá trị văn hóa, góp phần hình thành sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương và đất nước. Thể chế, chính sách trong lĩnh vực di sản văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý vững chắc, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa.

Đáng nói nhất là năm 2017, “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” đã chính thức được UNESCO ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời “Hát Xoan Phú Thọ” đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng tổng số di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh là 26 di sản. Tổng số di tích quốc gia hiện có 3.447 di tích (năm 2017 là 55); di tích quốc gia đặc biệt là 95 (năm 2017 là 10); bảo vật quốc gia có 142 (năm 2017 là 24); di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: 228 (năm 2017 là 37); đã có 61.669 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê 62/63 tỉnh, thành phố.

Năm 2017, hệ thống bảo tàng tiếp tục được mở rộng với 159 bảo tàng, gồm 125 bảo tàng công lập, 34 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ trên 3 triệu tài liệu, hiện vật. Nhiều bảo tàng trong và ngoài công lập đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng tới công chúng và đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được triển khai, gắn với việc tôn vinh nghệ nhân được các địa phương ngày càng chú trọng.

Cùng với lĩnh vực di sản, năm 2017 công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cũng từng bước được nâng cao chất lượng và hiệu quả. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/02/2017 về việc chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09/5/2017 về tăng cường hiệu lực hiệu quả nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo. Việc bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa được quan tâm, triển khai sâu rộng ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa; làng, thôn, bản ấp, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang… đã có sự chuyển biến về nhận thức trong nhân dân và các cấp, các ngành. Thiết chế văn hóa cơ sở ở các cấp cơ bản thực hiện tốt vai trò, chức năng hoạt động. Nhiều địa phương đã triển khai Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở trên địa bàn theo Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ .

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội nhận được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương và các ngành; ý thức thực hiện nếp sống văn minh của nhân dân trong lễ hội được nâng lên; những hiện tượng tiêu cực, phản cảm, các tập tục mang yếu tố bạo lực đã có sự chuyển biến và giảm nhiều so với mùa lễ hội trước. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, tuyên truyền cổ động, phục vụ các ngày lễ lớn và sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch năm 2017. Công tác quản lý kinh doanh dịch vụ văn hóa có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành ở địa phương; thẩm định, cấp phép theo đúng quy định pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo được thực hiện thường xuyên. Đến nay đã có 50/63 địa phương phê duyệt quy hoạch quảng cáo.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trong năm 2017 tiếp tục được đẩy mạnh gắn với thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đưa nội dung của Phong trào vào Nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng, là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua bình bầu cuối năm. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương đã làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo, tổ chức các Hội nghị giao ban, cụm nắm bắt tình hình thực hiện tại cơ sở.

Năm 2017, công tác xây dựng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt được chú trọng, vì vậy đã đạt được những kết quả quan trọng, kịp thời đáp ứng nhiệm vụ chính trị theo chỉ đạo chung của Đảng, Nhà nước. Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc được tổ chức tốt, đáp ứng đời sống tinh thần nhân dân, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể dành cho văn nghệ sĩ, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Các tỉnh vùng dân tộc thiểu số thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng mang tính cộng đồng; nhiều địa phương đã triển khai các đề án về bảo tồn phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn như: Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An, Tuyên Quang, Điện Biên...

Về lĩnh vực thư viện, năm 2017 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Thư viện, Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần phát triển hệ thống thư viện toàn quốc. Mạng lưới thư viện trong cả nước được kiện toàn, đặc biệt là thư viện cơ sở. Các thư viện triển khai nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, đạt được kết quả đáng khích lệ, tạo cơ hội cho người dân học tập suốt đời, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 03/5/2017 phê duyệt Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn”. Xây dựng  Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tổ chức thành công Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XX và trao Giải thưởng Điện ảnh ASEAN lần thứ Nhất với 129 bộ phim, 85 buổi chiếu với hơn 15.000 lượt khán giả. Tổ chức 07 đợt phim chào mừng ngày lễ lớn và hoạt động đối ngoại lớn của đất nước. Tổ chức thành công các Tuần phim, sự kiện điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Thực hiện tốt công tác thẩm định kịch bản, duyệt, cấp phép phổ biến phim, quản lý đĩa hình . Cả nước hiện có 277 đội chiếu phim lưu động, phục vụ khoảng 12 triệu lượt khán giả vùng miền núi, biển đảo. Năm 2017, số lượng phòng chiếu phim hiện có 740 phòng với hơn 111.000 ghế, ước tính doanh thu từ chiếu phim đạt 3.250 tỷ đồng, thu hút hơn 45 triệu lượt khán giả đến rạp.

Riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Công tác thẩm định hồ sơ, cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang thực hiện theo đúng quy định; thẩm định hồ sơ, ban hành 12 giấy phép tổ chức cuộc thi hoa hậu; người đẹp, người mẫu trong đó có 04 cuộc thi Hoa hậu, trong nước và quốc tế; 22 giấy phép cho phép 23 thí sinh tham dự các cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế; phối hợp với các tỉnh/thành kiểm tra, xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, năm 2017, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã chỉ đạo tổ chức thực hiện, dàn dựng và công bố các tác phẩm sân khấu, ca múa nhạc được đặt hàng sáng tác theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 01/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức thành công nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa, thể thao du lịch được đánh giá cao. Tổ chức 06 cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017. Các Nhà hát trực thuộc Bộ tổ chức các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu có chất lượng nghệ thuật cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Các đơn vị nghệ thuật Trung ương đẩy mạnh hoạt động tự chủ, tổ chức thành công 3.732 buổi biểu diễn (trong đó 330 buổi phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) phục vụ tổng số hơn 7.018.500 lượt người xem và được đón nhận, đánh giá cao; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt gần 105 tỷ đồng. Các đơn vị nghệ thuật địa phương thực hiện tốt các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tổ chức biểu diễn lưu động ở nhiều địa phương, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo .

Về lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, trong năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tăng cường công tác quản lý nhà nước, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị định về hoạt động triển lãm và các Thông tư hướng dẫn trong mỹ thuật, nhiếp ảnh. Tổ chức tổng kết công tác quản lý ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm giai đoạn (2014 - 2017) và Sơ kết 03 năm thực hiện việc không sử dụng các sản phẩm, linh vật ngoại lai ở nơi công cộng. Thẩm định, cấp phép 103 cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh theo thẩm quyền. Tổ chức nhiều cuộc thi, triển lãm, sự kiện mỹ thuật, sự kiện nhiếp ảnh quy mô quốc gia và quốc tế. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đảm bảo đúng đường lối văn hóa của Đảng và quy định của pháp luật.

Năm 2017, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã trình Chính phủ ban hành “Nghị định (sửa đổi) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ quyền tác giả, quyền liên quan”. Tổ chức triển khai có hiệu quả các Đề án, kế hoạch về quyền tác giả và các quyền liên quan. Tổ chức triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016. Tổ chức và phối hợp tổ chức 8 hội nghị, hội thảo tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Tham gia Đoàn đàm phán Chính phủ đàm phán về nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương. Xây dựng hồ sơ gia nhập hai Hiệp ước WCT, WPPT. Thực hiện tốt công tác thụ lý hồ sơ, cấp 6.619 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Tiếp nhận, giải quyết 27 vụ việc khiếu nại tố cáo vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan…

Bước sang năm 2018, mặc dù vẫn còn rất nhiều những khó khăn, thử thách nhưng với quyết tâm của toàn ngành hy vọng bức tranh văn hóa sẽ ngày càng sáng sủa và rõ nét hơn, góp phần tô thắm thêm truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, tạo động lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước.

 

Kim Thoa
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực