Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ di sản văn hóa thế giới

Thứ năm, 15/02/2018 16:25
(ĐCSVN) – Tại kỳ họp lần thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO, hai di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam là hát nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam và Hát Xoan Phú Thọ đã được vinh danh. Đây là sự kiện mang ý nghĩa lớn, khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Nghệ thuật Bài Chòi – sự gắn kết cộng đồng

Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Nghệ thuật Bài Chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã. Người trình diễn và gia đình họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hình thức thực hành bằng cách giảng dạy các bài bản, kỹ năng ca hát, kỹ thuật trình diễn và phương pháp làm thẻ bài cho các thế hệ trẻ.

Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam phổ biến ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng. Đây là loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học.

Biểu diễn nghệ thuật Bài Chòi. Ảnh: Báo SGGP

Nghiên cứu nguồn gốc Bài Chòi, GS. Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, người đã có hàng chục năm tìm hiểu và nghiên cứu nghệ thuật Bài Chòi cho biết, đến nay, vẫn chưa tìm thấy văn bản nào ghi lại nguồn gốc ra đời của nghệ thuật Bài Chòi. Tuy nhiên, qua truyền thuyết dân gian, qua lời kể của những nghệ nhân thì vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, nhiều thú dữ trên rừng thường về phá hoại mùa màng, quấy nhiễu cuộc sống của dân lành. Để chống lại thú dữ, người dân trong làng đã dựng những chiếc chòi rất cao ở ven rừng. Trên mỗi chiếc chòi cắt cử một thanh niên trai tráng canh gác, nếu thấy thú dữ về phá hoa màu thì đánh trống, hô to để đuổi chúng… Trong quá trình ấy, để đỡ buồn chán, người ta đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò.

Để phù hợp với hoàn cảnh khi đó, người trên các chòi đã ngồi trên chòi để hát - hô đối đáp nhau giữa chòi này với chòi khác. Rồi không chỉ có vậy, người dân còn sáng tạo ra cách ngồi bài tứ sắc (tương tự như chơi tam cúc ở ngoài Bắc). Hình thức vừa chơi bài, vừa hô (hát) giữa các chòi với nhau để giải trí này đã được dân gian gọi là hô bài chòi, khởi nguồn của nghệ thuật Bài Chòi sau này. Qua thời gian, để nhiều người có thể biết cách chơi hát - hô này, những cuộc giải trí dần dần được nâng lên thành hội bài chòi.

Cũng theo GS Hoàng Chương, Bài Chòi là một loại hình nghệ thuật mang tính địa phương rất rõ, nó “lợi dụng” dân ca miền Nam Trung bộ, đưa làn điệu dân ca vùng miền vào với Bài Chòi rất hay. Trải qua rất nhiều thăng trầm, bài chòi vẫn giữ được bản sắc vốn có, đó là cơ sở để nhìn nhận đây là di sản mang tính vùng miền của nhân dân lao động miền Nam Trung bộ.

Để phát huy và bảo tồn giá trị nguyên bản của Bài Chòi, GS Hoàng Chương cho rằng, cần phải gạn lọc, loại trừ những lai căng của kịch nói, cải lương; loại bỏ những yếu tố ngoại lai để giữ lại được bản sắc, hồn cốt của Bài Chòi.

“Bài Chòi thực sự xứng đáng là một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bởi nó là một loại hình nghệ thuật mang đậm chất dân gian được trao truyền suốt nhiều thế kỷ, đến bây giờ, cho dù văn hóa thương mại có tác động đến đâu thì người miền Trung vẫn thích xem Bài Chòi. Một khi nghệ thuật nào được nhân dân yêu thích thì nghệ thuật đó sẽ tồn tại mãi mãi.” - GS Hoàng Chương khẳng định.

Phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng

Cùng với vinh dự Bài Chòi được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngay sau đó, di sản Hát Xoan Phú Thọ cũng đã được đưa ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và được đặc cách chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sau sáu năm thực hiện nghiêm công tác gìn giữ, bảo tồn và khôi phục loại hình nghệ thuật này trong cộng đồng, theo các cam kết với UNESCO.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết, Hát Xoan là Di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên ở Việt Nam, cũng là đầu tiên trên thế giới được đệ trình UNESCO đề nghị đưa khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp; đồng thời là trường hợp duy nhất trong lịch sử không phải xếp hàng theo lộ trình để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hát Xoan Phú Thọ. Ảnh: Thế Dương

Để có kết quả như ngày hôm nay, hơn 6 năm qua, Phú Thọ đã và đang làm để khẳng định sức sống mạnh mẽ của Hát Xoan kể cả trong không gian văn hóa đặc trưng và trong đời sống đương đại.

Xuất phát điểm từ chỗ chỉ có hơn 100 đào, kép hoạt động không đều, đến nay Hát Xoan đã được thực hành thường xuyên tại 4 phường Xoan gốc là Phù Đức, Kim Đái, Thét thuộc xã Kim Đức, An Thái thuộc xã Phượng Lâu. Sáu năm qua, hơn 30 câu lạc bộ Hát Xoan được thành lập với hơn 1.000 thành viên cùng không gian thực hành loại hình dân ca được khôi phục, tăng hơn 23 lần so với thời điểm trước khi Hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo tồn khẩn cấp vào năm 2011. Đáng chú ý, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã phục hồi các ngôi đình, miếu - không gian thực hành Hát Xoan cổ.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình biểu diễn quảng bá Hát Xoan với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các nghệ nhân, thành viên các phường Xoan gốc và diễn viên các đơn vị nghệ thuật, đã gây ấn tượng tốt đẹp với nhân dân cả nước và du khách nước ngoài.

Cùng với đó, 100% trường học ở các cấp từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã đưa nội dung Hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn âm nhạc và trương trình học ngoại khóa với các bài Hát Xoan phù hợp. Công tác giáo dục, quảng bá Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được chú trọng, đầu tư liên tục với sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị cùng các cơ quan truyền thông, văn hóa, giáo dục của địa phương và Trung ương với nhiều hoạt động tích cực để đưa di sản đến gần với đời sống cộng đồng.

Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ thực hiện chiến lược phát triển du lịch địa phương, trong đó Hát Xoan là sản phẩm văn hóa đặc thù. Tỉnh tập trung nghiên cứu, sản xuất các chương trình từ tư liệu trình diễn của các nghệ nhân lão thành, giúp cộng đồng nhận diện giá trị và truyền dạy một cách bài bản, bảo vệ sắc thái riêng của mỗi phường Xoan.

Có thể nói rằng, có được thành công ngày hôm nay, Hát Xoan đã nhận được rất nhiều sự đầu tư, chăm sóc, quan tâm của các lãnh đạo tỉnh Phú Thọ. Đây là một cách ứng xử với di sản mà không phải tỉnh nào cũng có được.

Như vậy, cùng với tin vui của nghệ thuật Bài Chòi và Hát Xoan của Phú Thọ, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể thể được UNESCO vinh danh. Điều này có ý nghĩa quan trọng, góp phần quảng bá và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ di sản văn hóa thế giới cùng những cam kết của Việt Nam đối với công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của nhân loại, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, gắn kết cộng đồng, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu cao đẹp của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO./.

Phương Thảo
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực