Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu: Thách thức trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Chủ nhật, 18/02/2018 23:28
(ĐCSVN) - Là một loại hình tín ngưỡng dân gian phản ánh rõ nét tâm hồn người Việt, tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống mãnh liệt, phù hợp với mọi hoàn cảnh lịch sử đất nước. Tuy nhiên, hiện tượng thương mại hóa, biến tướng trong các nghi lễ của tục thờ Mẫu khiến cho nghi lễ mất đi tính linh thiêng, trở thành thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Nhiều hiện tượng biến tướng

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự gắn bó, dung hòa với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, nương tựa, bổ sung cho nhau để cùng nhau tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, trong suốt tiến trình phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu còn tích tụ, hàm chứa nhiều giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hóa truyền thống, góp phần giữ gìn, lưu truyền và phát huy những tinh hoa văn hóa thuộc về bản sắc dân tộc độc đáo của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều nơi, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã nảy sinh tình trạng hỗn loạn, nhiều biến tướng, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo thanh đồng Nguyễn Thị Thìn (Ba Đình, Hà Nội), việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hiên nay khá tùy tiện, không chỉ diễn ra ở đền, phủ thờ Mẫu mà cả ở đình thờ Thành hoàng, thờ danh nhân, nơi chùa chiền thờ Phật… Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có biểu hiện lệch chuẩn từ trang phục, đạo cụ, văn hầu cho đến vũ đạo. Thanh đồng Nguyễn Thị Thìn nêu ví dụ: có những thanh đồng đưa cả hò hét, phán truyền, bói toán, phù chú, bắt ma, trò phù thủy vào các canh hầu; có cô đồng hầu giá Trần triều đeo trang sức mỹ ký lủng lẳng, phấn son lòe loẹt. Đáng buồn hơn, các canh hầu đồng hiện nay là hiện tượng thương mại hóa, buôn thần bán thánh, không đúng với truyền thống. Có ông đồng, bà đồng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, yêu cầu con nhang đệ tử bỏ ra một khoản tiền lớn khiến họ khuynh gia bại sản… Điều đó làm mất đi sự nghiêm túc và tính linh thiêng của tín ngưỡng bị giảm sút.

Nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Ảnh: Trung tâm xúc tiến quảng bá DSVHPVT Việt Nam

Là người trực tiếp thực hành tín ngưỡng, thanh đồng Lưu Ngọc Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa thờ Mẫu và Hát văn Hà Nội chỉ ra một thực tế hiện nay là, một số đền, miếu, am thờ, thờ những nhân thần có công với dân với nước nhưng đã biến thành thờ tứ phủ. Điều đó làm biến dạng văn hóa thờ tự nguyên bản ở các di tích. Bên cạnh đó, trang phục hầu Thánh ngày nay đã bị biến dạng, làm mai một lối trang phục truyền thống cũng như trang phục đặc thù của từng giá đồng, thậm chí còn trở thành phản cảm, không mang tính thuần phong mỹ tục.

Trước những nguy cơ đang tiềm ẩn, GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam nhấn mạnh, việc làm cần thiết lúc này để hạn chế những mặt trái, sự biến tướng của tín ngưỡng thờ Mẫu là “gạn đục khơi trong”, hỗ trợ và phát huy mặt tích cực, dần hạn chế những mặt tiêu cực, lỗi thời.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Đã có không ít những giải pháp được đặt ra nhằm bảo tồn, tôn vinh và chấn hưng tín ngưỡng thờ Mẫu như: tổ chức các tọa đàm khoa học, các liên hoan diễn xướng hầu đồng... Tuy nhiên, dường như đó vẫn chỉ là những giải pháp tạm thời và ít hiệu quả. Theo nhà nghiên cứu Phạm Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, cần tăng cường các giải pháp nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật của đội ngũ thực hành tín ngưỡng, làm cơ sở để định hướng cho các hoạt động tuân thủ đúng quy định của pháp luật, ngăn chặn các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, các hiện tượng mê tín dị đoan trong quá trình thực hành tín ngưỡng.

Nhà nghiên cứu Phạm Tứ cho rằng, cần nhất quán về sự vận động, biến đổi của những giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu trong thực tế hiện nay. Một mặt, khẳng định những nét đẹp, các giá trị văn hóa của tín ngưỡng này cần được bảo tồn và phát huy, mặt khác, chỉ rõ những yếu tố đang bị làm cho biến tướng hoặc bị lợi dụng vì mục đích trục lợi và những đặc điểm đã lỗi thời, lạc hâu, cần phải được thay đổi… Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đánh giá thường xuyên để nắm được những thay đổi của thực hành này cả tích cực và không tích cực để có biện pháp kịp thời phát huy hoặc điều chỉnh; kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi, kiếm tiền, lợi dụng niềm tin vào các vị thánh, làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng tín đồ cũng như toàn xã hội.

Để bảo vệ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đề xuất, phải bắt đầu bằng việc nhìn thẳng vào những vấn đề bất cập với tiêu chí của di sản. Đó là nhận thức sai lệch, cách tiếp cận chủ quan khi cho rằng thực hành này là mê tín dị đoan. “Điều này đã làm tổn thương những cộng đồng với nhiều thế hệ đã xây dựng nên giá trị đạo đức và văn hóa của di sản này” – TS Lê Thị Minh Lý cho biết.

TS Lê Thị Minh Lý cũng cho rằng, ở tín ngưỡng thờ Mẫu, truyền dạy đang là một vấn đề khó định lượng và định tính. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không phải là một nghề mà ai cũng có khả năng học. Từ thân phận, căn cốt nào đó mới được tham gia vào cộng đồng này và không phải ai tham gia cũng trở thành học trò theo nghĩa di sản văn hóa phi vật thể. “Vấn đề quan trọng nhất ở truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là trao truyền nhận thức về giá trị di sản, về hướng dẫn thực hành và hành động bảo vệ di sản đó. Tất cả đều phải khởi nguồn và bám sát những giá trị cốt lõi, đích thực đang làm nên bức tranh đa dạng của di sản văn hóa này” - TS Lê Thị Minh Lý khẳng định.

Việc bảo tồn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là công việc lâu dài và khó khăn. Tín ngưỡng thờ Mẫu vốn chưa có quy định, khuôn mẫu cố định. Và những tranh luận về tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có nhiều ý kiến khác nhau, do vậy rất cần sự đóng góp của các nhà khoa học cùng các thanh đồng để đảm bảo việc thực hành nghi lễ đúng theo bản sắc tín ngưỡng chứ không phải là hành vi lợi dụng để trục lợi, mê tín, dị đoan./.

Lê Huy
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực