Để nông sản Việt mở rộng thị trường

Thứ hai, 27/01/2020 13:36
(ĐCSVN) – Năm 2019 là năm chứng kiến nhiều nông sản Việt gia nhập vào các thị trường khó tính cùng các tiêu chuẩn khắt khe, đồng thời cũng là năm người tiêu dùng Việt ngày càng tìm đến tiêu dùng nông sản Việt hơn, nhất là với các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn…
leftcenterrightdel
 Giám đốc Trung tâm Đào Văn Hồ nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 2019 (Ảnh: HNV)

Thành công đó là kết quả sự chung sức, chung lòng của nhiều cấp, ngành liên quan, trong đó có vai trò của công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp.

Nhân dịp xuân mới Canh Tý 2020, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) xung quanh hoạt động xúc tiến thương mại 2019 và kế hoạch nhiệm vụ 2020, trong đó nhấn mạnh tới nội dung làm thế nào để nông sản Việt giữ vững thị trường nội và thâm nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường ngoại.

Phóng viên (PV): Có thể thấy, chúng ta đang chứng kiến những “sắc màu tươi mới” trong bức tranh đưa nông sản Việt không chỉ củng cố thị trường nội địa mà còn từng bước thâm nhập sâu vào các thị trường ngoại, nhất là các thị trường khó tính. Ông đánh giá thế nào về tình hình này?

Ông Đào Văn Hồ: Tháng 4/2019, lô xoài đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đây là kết quả của hơn 10 năm đàm phán giữa hai cơ quan nông nghiệp của Việt Nam và Mỹ, đánh dấu một bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng cho trái cây Việt Nam.

Rồi thêm câu chuyện cá tra của Việt Nam được đàng hoàng “bơi” vào thị trường Mỹ, chúng ta cũng mất đến ba năm để đáp ứng yêu cầu. Đó là khoảng thời gian nỗ lực thực hiện ba nhóm tiêu chí: có hệ thống pháp luật trong kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm; năng lực thực thi pháp luật của cơ quan thẩm quyền; điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình chuỗi sản xuất từ con giống, nuôi trồng, vận chuyển, sơ chế, chế biến, đến xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Một “chương trình hành động” ứng phó các yêu cầu này đã được phía Việt Nam triển khai quyết liệt, kết quả là đến đầu tháng 11/2019, Cục Kiểm tra An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo về việc công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes (cá da trơn; trong đó có cá tra) xuất khẩu của Việt Nam đủ điều kiện tương đương với Mỹ.

leftcenterrightdel
 Mặt hàng nông sản ngày càng phong phú, trong hình là những cây bưởi được tạo thế dùng cho chơi Tết (Ảnh: HNV)

Sau xoài, sau cá tra, đến cuối tháng 11/2019, nông sản Việt lại đón nhận tin vui với niềm tự hào lớn khi gạo ST25 do nhóm nhà khoa học Sóc Trăng gồm: Kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sĩ Trần Tấn Phương và Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương lai tạo, phát triển đã được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới 2019” tại Hội nghị Thương mại gạo quốc tế lần thứ 11 tổ chức tại Philippines.

Và, cũng còn rất nhiều những tin vui khác đến từ các mặt hàng nông sản Việt trong năm qua.

PV: Theo ông, chúng ta phải làm gì để có thể tiếp tục duy trì những “sắc màu tươi sáng đó”?

Ông Đào Văn Hồ: Không còn cách nào khác ngoài cách chúng ta phải tăng tốc trong cuộc đua tiêu chuẩn. Những điểm sáng tôi vừa trao đổi ở trên chỉ là điểm chấm làm “tươi mới” bức tranh xuất khẩu nông sản năm 2019. Nhưng xét ở bình diện chung, chúng ta vẫn chưa có nhiều nông sản xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Một phần là do nhiều mặt hàng chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Phần khác, những nông sản đủ điều kiện xuất khẩu thì lại bị hạn chế về quy mô sản xuất và sản lượng. Cụ thể, như trái xoài, dù đã có lô hàng đầu tiên xuất Mỹ, nhưng đến thời điểm hiện tại cũng đang gặp khó khăn trong việc mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn cũng như duy trì tiêu chuẩn trên diện tích đã có, dẫn đến tình trạng thị trường gia tăng nhu cầu nhưng doanh nghiệp lại thiếu hàng đáp ứng.

Trong khi cả việc thâm nhập thị trường và giữ thị phần tại các thị trường khó tính gặp nhiều khó khăn thì năm 2019, nông sản Việt còn gặp “rào cản” lớn tại thị trường Trung Quốc - một thị trường truyền thống vốn lâu nay được coi là dễ tính. Theo đó, bắt đầu từ tháng 4/2019, Trung Quốc yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu. Từ tháng 10/2019, mọi thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc đều phải tuân thủ quy định quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn siết chặt quản lý danh mục hàng hóa thực phẩm được phép xuất khẩu vào nước này; quản lý danh sách cơ sở, doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc (có chứng thư xuất khẩu)... Trước những yêu cầu gắt gao đó, đến thời điểm này, nước ta mới có 09 loại trái cây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt. Cũng tháng 10/2019, có thêm lô sữa đầu tiên của TH True Milk được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

leftcenterrightdel
 Sản phẩm làm từ nghệ hữu cơ tại Bắc Kạn (Ảnh: HNV)

Hồi đầu tháng 12/2019, hầu hết các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu nông sản của Trung Quốc cũng đều nhấn mạnh: Các yêu cầu về an toàn, vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc đối với nông sản nhập khẩu chắc chắn sẽ còn gắt gao hơn, nên doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam cần phải sớm điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tốt các quy định đó.

Vì những lẽ đó, đổi mới trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản là yêu cầu quan trọng đặt ra đối với ngành nông nghiệp nước ta nói chung và tìm cách đổi mới trong hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp nói riêng. Ngoài việc tất cả các khâu đều phải chú trọng đến vấn đề tuân thủ các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu thì chúng ta càng cần phải chủ động hơn trong tiếp cận và mở rộng thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Hơn nữa, nông sản Việt Nam ngoài việc phải tuân thủ yêu cầu bắt buộc của thị trường nhập khẩu còn cần đặc biệt chú ý đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững tự nguyện (VSS), đó là: bảo vệ môi trường, điều kiện tự nhiên, các yếu tố liên quan đến lao động, con người, xã hội..., vì không xa nữa, các tiêu chuẩn tự nguyện này sẽ trở thành bắt buộc tại nhiều quốc gia. Và đây cũng là xu hướng chung của mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trên toàn cầu.

Đồng thời, các địa phương cũng phải chủ động tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, ưu tiên sản phẩm chủ lực theo hướng tập trung. Bên cạnh đó, sản xuất hàng hóa đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, dần hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất sạch, hữu cơ, sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái và thân thiện với môi trường để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Trong khi đó, các doanh nghiệp, đơn vị xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam cần tiếp tục duy trì các địa bàn truyền thống và thâm nhập địa bàn tiềm năng; các lực lượng chức năng cửa khẩu tiếp tục cải thiện cách thức thông quan hàng hóa nông sản Việt một cách thuận lợi nhất để tận dụng kết cấu hạ tầng thương mại biên giới, giảm giá thành, chi phí trong hoạt động kinh doanh thương mại hàng hóa qua biên giới.

Về phía xúc tiến thương mại nói chung và xúc tiến thương mại nông nghiệp nói riêng, chúng tôi sẽ cố gắng phát huy vai trò “cầu nối” giữa đơn vị quản lý nhà nước với nông dân, người sản xuất và doanh nghiệp, thị trường…, tuyên truyền sâu rộng các tiêu chuẩn, quy chuẩn từng nhóm mặt hàng nông sản cũng như các quy định về nâng cao khâu sơ chế, bảo quản; tổ chức phân phối bài bản của Bộ NN&PTNT tới đông đảo cộng đồng sản xuất – kinh doanh nông sản Việt.

PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về hoạt động của Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp 2019 và phương hướng nhiệm vụ trong 2020?

Ông Đào Văn Hồ: Năm 2019, Trung tâm vẫn duy trì đều các chương trình hoạt động thường niên và có thêm một số đổi mới để tăng cường xúc tiến, mở rộng thị trường nông sản Việt, đặc biệt góp phần quảng bá rộng rãi hơn các nông sản Việt  hữu cơ, an toàn tới đông đảo người tiêu dùng. Cụ thể, chúng tôi vẫn thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia như: ký 3 hợp đồng thực hiện đề án trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với Cục xúc tiến thương mại Bộ Công Thương, qua đó, đưa doanh nghiệp nông nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế lớn, giới thiệu nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt ra các thị trường nước ngoài, từng bước khẳng định uy tín thương hiệu và niềm tin cho khách hàng ở các thị trường này.

leftcenterrightdel
Cán bộ Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp nhận Cờ thi đua của Bộ NN&PTNT Việt Nam cho đơn vị xuất sắc 2019 (Ảnh: HNV) 

Song song, chúng tôi chủ động thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của Bộ NN&PTNT với khoảng 11 hội chợ tầm cỡ quốc gia và quốc tế cùng nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại các địa phương trong cả nước, thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng trong nước với các sản phẩm nông sản Việt, nhất là với nông sản hữu cơ.

Bước sang năm 2020 này, trên cơ sở định hướng xúc tiến thương mại, phát triển thị trường của Bộ NN&PTNT, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp sẽ tiếp tục tổ chức, tham gia các hội chợ trong nước, nước ngoài, đồng thời tăng cường một số hoạt động xúc tiến thương mại do Trung tâm chủ động triển khai, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ cũng như đảm bảo các hoạt động dịch vụ trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp cho các đơn vị trong và ngoài ngành cũng như tăng cường kết nối với các hộ nông dân, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đưa họ đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, tạo thói quen tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp “sạch”, an toàn, có thương hiệu và có mã truy xuất nguồn gốc hàng hóa…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Năm 2019, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp đã vinh dự nhận được Cờ thi đua của Bộ cho đơn vị thi đua xuất sắc. Riêng đồng chí Giám đốc Trung tâm vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và một số đại diện lãnh đạo nhận Bằng khen của Bộ trưởng vì những thành tích xuất sắc trong công tác triển khai hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp của mình trong năm vừa qua.

 

 

 

Lê Anh (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực