Du lịch di sản giúp Huế khẳng định vị thế trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam

Chủ nhật, 26/01/2020 00:00
(ĐCSVN) - Phát huy danh hiệu thành phố văn hóa ASEAN, thành phố du lịch sạch ASEAN, thành phố Festival... để khẳng định vị thế trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về khai thác thế mạnh đô thị di sản trong phát triển du lịch, đặc biệt cơ chế xã hội hóa.

Đây là khẳng định của ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử ĐCSVN nhân dịp Tết nguyên đán 2020.

Phóng viên: Trong Nghị quyết 54 về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, mục tiêu xuyên suốt là đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá di sản cố đô.

Vậy, ngành du lịch đã có sự chuẩn bị như thế nào để cùng với các Sở, ban ngành khác nỗ lực đưa Nghị quyết sớm thành hiện thực?

Đồng chí Lê Hữu Minh: Định hướng phát triển đô thị di sản Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch di sản tạo thành thế mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát huy mọi lợi thế, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho hội nhập và phát triển bền vững.

Du khách thích thú với cây Nêu được dựng trong Đại Nội Huế  (Ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế)

Với vai trò của ngành du lịch là khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách hiệu quả, bền vững để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, góp phần vào xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54, ngành du lịch đã, đang và sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan ưu tiên phát triển du lịch văn hóa di sản làm nòng cốt, đặc trưng để xây dựng sản phẩm, điểm đến du lịch. Trọng tâm là tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch cả ngày và đêm ở quần thể di tích cố đô Huế, nhất là khu vực Đại Nội, từng bước tái hiện không gian văn hoá cung đình, khai thác sản phẩm văn hoá qua các kỳ Festival Huế như Lễ hội áo dài, ẩm thực Cung đình Huế và một số sản phẩm cung đình đặc sắc khác.

Tiếp tục công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các giá trị, công trình di sản, văn hóa, di tích lịch sử làm phong phú, đa dạng, hấp dẫn cho việc phát huy, phát triển phục vụ kinh tế du lịch. Bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản văn hóa vật thể trong mối quan hệ hài hòa với quy hoạch phát triển đô thị, trọng tâm là đầu tư hoàn chỉnh một số khu vực trọng điểm trong quần thể di tích Cố đô Huế.

Bên cạnh đó, hoàn thành việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử và cách mạng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tốt chủ trương bảo tồn phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ, cũng như bảo vệ và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh.

Bảo tồn nguyên vẹn đặc trưng và bản sắc văn hoá Huế, nâng cao chất lượng các kỳ Festival Huế gắn với phát triển du lịch và quảng bá văn hóa Huế. Phát huy danh hiệu thành phố văn hóa ASEAN, thành phố du lịch sạch ASEAN, thành phố Festival... để khẳng định vị thế trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về khai thác thế mạnh đô thị di sản trong phát triển du lịch, đặc biệt cơ chế xã hội hóa trong việc đầu tư khai thác giá trị di sản trong phát triển dịch vụ du lịch, nhất là quần thể di tích cố đô Huế.

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ mang tính đặc trưng, có đẳng cấp và sức cạnh tranh cao, trong đó, xây dựng bộ sản phẩm mang thương hiệu Huế; tập trung xây dựng Huế thành kinh đô ẩm thực, nâng cao chất lượng dịch vụ ca Huế; đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý di tích cố đô Huế; tiếp tục tổ chức Festival Huế theo hướng trải dài cả bốn mùa trong năm, tăng cường xã hội hóa, người dân làm chủ. Ngoài ra, chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ và điểm đến vệ tinh để thu hút du khách, giảm thiểu áp lực lên các di tích văn hóa.

 Khách quốc tế đến Huế tại cảng Chân Mây (Ảnh: Sở Du lịch TTH)

Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông thuận lợi, các thiết chế, hạng mục bên trong các điểm di tích, văn hóa; ứng dụng các dịch vụ du lịch thông minh trong hệ sinh thái đô thị thông minh. Đảm bảo tiến độ dự án nâng cấp sân bay quốc tế Phú Bài công suất trên 5 triệu khách/năm; đường cao tốc Túy Loan - Nam Đông, Cam Lộ - La Sơn, hầm đường bộ Hải Vân 2, một số hạ tầng quan trọng khác được tập trung các dự án ưu tiên đầu tư hạ tầng tiếp cận điểm đến như đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Phú Mỹ - Thuận An, một số tuyến đường kết nối các điểm du lịch đối với Dự án hạ tầng du lịch sông Mê Công mở rộng giai đoạn II; nâng cấp và xây dựng mới các bến thuyền sông Hương và đầm phá...

Chủ động liên kết, hợp tác du lịch giữa các địa phương trong vùng, nhất liên kết phát triển du lịch 03 địa phương (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam) và mở rộng thêm Quảng Bình trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua xã hội hoá. Xây dựng và triển khai đề án cải thiện môi trường du lịch.

Cùng với mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa, ngành sẽ đẩy mạnh chiến lược phát triển thương hiệu và tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá mạnh mẽ ra cộng đồng quốc tế về hình ảnh của Việt Nam, của Thừa Thiên Huế gắn liền với những đặc trưng về tiềm năng du lịch, văn hoá, lịch sử, có môi trường trong sạch, điểm đến an toàn, con người thân thiện...

Phóng viên: Một trong các nội dung đáng chú ý là đến năm 2045, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố du lịch đặc sắc của châu Á. Theo đồng chí, tỉnh nhà xác định cơ bản như thế nào là đặc sắc, và đang có những kế hoạch, chương trình cụ thể nào?

Đồng chí Lê Hữu Minh: Mục tiêu, định hướng phát triển du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian tới là trở thành một trong những trung tâm, thành phố du lịch đặc sắc dựa trên nền tảng văn hóa di sản, môi trường, cảnh quan và thông minh, trong đó lấy văn hóa làm nòng cốt.

Lãnh đạo tỉnh xác định nâng cao, “làm mới” chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu và hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng bằng cách huy động nhiều nguồn lực đầu tư khai thác các dịch vụ về đêm tại Đại Nội và khu vực phụ cận; tăng cường các loại hình dịch vụ trong khu vực Đại nội như tổ chức yến tiệc khi có nhu cầu, trải nghiệm dịch vụ khám chữa bệnh Đông y theo y thuật cung đình, các hoạt động vui chơi giải trí, trình diễn áo dài, võ thuật...

Cùng với nhân rộng mô hình đến một vài địa điểm khác như cung An Định, khu vực đường Đoàn Thị Điểm..., Thừa Thiên Huế tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng và khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch truyền thống như Nhã nhạc cung đình Huế, ca Huế, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, ẩm thực, áo dài, xích lô và các trò chơi dân gian, nhất là các đặc trưng văn hóa dân tộc ít người mang đậm bản sắc riêng. Xúc tiến đầu tư và xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh tại các điểm như đền Huyền Trân, Thiền viện Trúc lâm Bạch Mã, Tượng Quán Thế Âm, lăng Gia Long, các cổ tự..., nhằm đáp ứng xu hướng của du khách hướng tới trải nghiệm sự thanh tịnh.

 Du thuyền trên sông Hương (Ảnh: Sở Du lịch TTH)

Phát triển mạnh các dịch vụ du lịch 02 bên bờ và sông Hương, chú trọng taxi đường sông kết nối các điểm du lịch; xây dựng tuyến du lịch đường thủy dọc sông Ngự Hà, sông An Cựu, sông Đông Ba; kết nối khai thác chuỗi bảo tàng, nhà trưng bày trên trục đường Lê Lợi để hình thành không gian văn hóa nghệ thuật. Thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng thành phố Huế trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện và từng bước hiện đại, là điểm đến trên tuyến hành trình du lịch Bắc - Nam và là trung tâm điều chuyển khách đến các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là hệ thống đường ven biển, đường cao tốc, đường tiếp nối các điểm du lịch. Phát triển cơ sở lưu trú đạt trên 40.000 - 50.000 phòng. Ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đẳng cấp quốc tế, đặc biệt, hình thành khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Bạch Mã - Cảnh Dương; khu du lịch quốc gia trên đầm phá, nước khoáng nóng Thanh Tân, cụm du lịch A Lưới - đường mòn Hồ Chí Minh gắn với du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây...

Đồng thời, đầu tư nhà ga đón tàu du lịch biển tại cảng Chân Mây, nâng cấp cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, tăng tần suất bay các tuyến Huế - Hà Nội, Huế - Thành phố Hồ Chí Minh, mở mới đường bay từ Huế đi các địa phương trong và ngoài nước.

Phóng viên: Du lịch Thừa Thiên Huế được ưu ái cả về tâm linh, sinh thái, biển…., ngành đã đạt những kết quả cụ thể nào trong thời gian vừa qua?

Đồng chí Lê Hữu Minh: Trong giai đoạn 2017- 2019, du lịch Thừa Thiên Huế có những bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch khá ổn định (khoảng 12%), khách lưu trú tăng bình quân khoảng 8%; doanh thu du lịch tăng khoảng 15%/năm. Tỷ trọng khách du lịch quốc tế đến Huế cao, thị trường khách quốc tế ổn định.

Tỉnh đã phê duyệt hệ sinh thái du lịch thông minh, đầu tư xây dựng để sớm hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Một số hạ tầng, ứng dụng du lịch thông minh đã và đang triển khai thực hiện như ứng dụng Huế S, thuyết minh tự động, hệ thông wifi miễn phí...

Tình hình kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đã có nhiều chuyển biến tích cực như đường vào lăng Gia Long, hệ thống bãi đổ xe, nhà vệ sinh công cộng,... Một số dự án của các nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu đã cơ bản hoàn thành việc nghiên cứu và đang từng bước đi vào triển khai như Vingroup, dự án mở rộng của Laguna, Địa Trung Hải, Minh Viễn dự án nghỉ dưỡng của PSH, dự án nghỉ dưỡng kết hợp với sân golf của BRG, FLC, Ecopark...

Đặc biệt, ghi nhận sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp huyện, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong việc đa dạng hoá các sản phẩm du lịch. Bên cạnh việc củng cố, làm mới các sản phẩm du lịch vốn là thế mạnh của Huế thì một số sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng như homestay, nhà vườn cũng đã được hình thành như Bạch Mã village, không gian lưu niệm Lê Bá Đảng ở Thủy Bằng, Hương Thủy, Bến Xuân,... Đặc biệt, việc khai trương phố đi bộ Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu, cầu đi bộ sông Hương,... đã bước đầu giải được bài toán giải trí về đêm tại trung tâm thành phố Huế.

Một góc Chùa Thiên Mụ (Ảnh: Sở Du lịch TTH)

Tình hình thực hiện môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh những năm qua khá thành công, đảm bảo an toàn, thân thiện cho khách du lịch, giảm mạnh nạn chèo kéo, ăn xin. Việc phối hợp tốt giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Công an, chính quyền địa phương, góp phần làm hạn chế các sự việc liên quan đến an ninh trật tư, an toàn cho du khách bằng việc ký kết các quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm rõ ràng trong triển khai thực hiện.

Hoạt động xúc tiến quảng bá đã được nâng tầm cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, tần suất đón các đoàn Famtrip, Presstrip đã tăng lên nhiều lần, việc tham gia các hội chợ trong và ngoài nước đã kêu gọi được sự hưởng ứng, chung tay của các doanh nghiệp nên chất lượng được nâng lên.

Việc ứng dụng, quảng bá qua ứng dụng du lịch thông minh qua các trang có uy tín như Tripadvisor, Angoda, Booking.com, Traveloka,... được đẩy mạnh. Đã ký kết thoả thuận với Vietnam Airlines, Traveloka, đường sắt, bưu điện để đa dạng hơn công tác xúc tiến quảng bá.

Công tác phát triển nguồn nhân lực được làm thường xuyên hơn cho tất cả các nghiệp vụ du lịch, đặc biệt tăng cường mạnh cho đội ngũ cộng đồng và các đối tượng vận chuyển giúp nâng cao hiệu quả vận hành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động trong đào tào và đào tạo lại đối với lao động của mình. Tỉnh cũng cơ bản hoàn thành điều tra khảo sát xây dựng Đề án phát triển phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 để có cơ sở xác định nhu cầu đào tạo phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Phóng viên: Năm 2019, toàn tỉnh phục vụ 4,81 triệu lượt du khách (tăng 11,1%), doanh thu từ các cơ sở lưu trú đạt 4.945 tỷ đồng, tăng 10,54%. Phát huy kết quả này, mục tiêu tăng trưởng của du lịch Thừa Thiên Huế trong năm 2020 là gì thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Hữu Minh: Năm 2020, mục tiêu chung là tiếp tục phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn xứng tầm là trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực gắn với phát huy giá trị đô thị di sản trên nền tảng văn hóa, theo hướng xanh và thông minh; từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Huế là kinh đô ẩm thực, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Phấn đấu đạt 5-5,2 triệu lượt khách, tăng khoảng 7,5% so với năm 2019, trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40% - 45%; khách lưu trú ước đạt 2,4 triệu lượt, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ. Doanh thu từ các cơ sở lưu trú dự kiến đạt khoảng 5.300 - 5.400 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 12.000 tỷ đồng./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Anh Tuấn (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực