Không xa đâu Trường Sa ơi!

Thứ bảy, 25/01/2020 15:46
(ĐCSVN) - Không gian dường như hẹp lại, khoảng cách dường như ngắn đi, hải đảo gần đất liền hơn bởi cầu nối nghĩa tình quân dân!

Với phần lớn chúng ta,  biết đến Trường Sa, Hoàng Sa chủ yếu thông qua tư liệu cổ, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua sách, báo... Nhưng hai tiếng Trường Sa, Hoàng Sa luôn chiếm những tình cảm đặc biệt trong trái tim của mỗi thế hệ, mỗi người dân Việt Nam! Tình yêu biển đảo, tiếng gọi của Tổ quốc đã kết nối hàng triệu trái tim, những người con mang trong mình dòng máu Việt – dòng máu Lạc Hồng, con rồng cháu Tiên, tạo thành nguồn sức mạnh vô song, một niềm tin son sắt bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

 Một tiết mục nghệ thuật tại Chương trình Xuân Trường Sa năm 2020

Biển trời quê ta, biển trời bao la, đẹp như gấm hoa… Biển đảo luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, là đề tài không bao giờ vơi cạn của văn học… Dòng máu Lạc Hồng lại dâng trào, lại thôi thúc những tình cảm thiêng liêng nhất dành cho Tổ quốc - “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào ghềnh đá”. Đó là những ca từ bình dị mà thiêng liêng, làm cho hàng triệu người như một, hòa cùng cảm xúc lắng nghe tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa, tiếng của Tổ quốc!

Không xa đâu Trường Sa ơi, biển đảo quê hương, đôi mắt biên cương, vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão dập, đảo quê hương. Anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi, thương nhớ sao nguôi người chiến sĩ Trường Sa ơi. Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi. Đúng như ca từ thân thương, những giai điệu da diết mà bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long ngày càng in sâu vào tâm trí và tình cảm của người Việt Nam. Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em.

Chiến sĩ Hải quân nhận Quất cảnh được gửi ra từ đất liền 

Và “Khi tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau” là câu thơ không còn xa lạ với nhiều thế hệ người Việt Nam, ngay cả giữa thời bình của ngày hôm nay, những xa cách ấy vẫn là câu chuyện chung của bao người lính biển. Ở nơi “Sóng cồn bão giật”, người chiến sĩ ngày đêm canh giữ cho biển đảo quê hương, cũng chính là canh giữ cho sự bình yên nơi đất liền thương mến, nơi đó không chỉ có mẹ cha, có quê hương đất nước, mà còn có một người con gái đang mong ngóng đợi chờ. Dẫu cách xa vời vợi trùng khơi và sâu thẳm lòng nước, dẫu trải qua năm tháng biền biệt, thì sợi dây tình cảm nối đất liền với đảo xa, nối hậu phương với tiền tuyến vẫn chưa bao giờ vơi cạn, bởi ở đó có niềm tin son sắt, có hi vọng gửi trao, và trên hết là tình yêu mãnh liệt của lứa đôi đã hòa vào tình yêu bao la của đất nước.

Không xa đâu Trường Sa ơi! Không có khoảng cách nào xa hơn tình người và cũng không có khoảng cách nào gần hơn tình người! Sự đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa quân và dân, giữa người ở tiền tuyến và người ở hậu phương chính là cây cầu ngắn nhất từ đất liền tới hải đảo, cây cầu nghĩa tình ấy ngày càng được vun đắp bền vững, có thể vượt mọi trùng khơi đứng hiên ngang giữa sóng cồn bão dạt - cây cầu nghĩa tình quân dân. Đây chính là nguồn cỗ vũ to lớn ý chí nghị lực đối với quân dân hải đảo nói chung và Trường Sa nói riêng.

Không gian dường như hẹp lại, khoảng cách dường như ngắn đi, hải đảo gần đất liền hơn bởi cầu nối nghĩa tình quân dân, không thể miêu tả hết tình cảm mà các đoàn thể chính trị, xã hội từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài mỗi dịp thăm biển đảo của Tổ quốc. Nhưng mỗi hải trình kết thúc luôn để lại những tiếc nuối, lưu luyến của người ở lại cũng như trở về đất liền, đó là cảm xúc rất đặc biệt của những ai đã từng đặt chân đến Trường Sa.

 Chiến sĩ Hải quân nhận Đào, Mai và quà Tết được gửi ra từ đất liền .

Tình cảm ấy, nhịp cầu ấy được truyền tải tới đồng bào và chiến sĩ cả nước ngày càng gần gũi hơn bởi Chương trình “Xuân Trường Sa” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thường niên hằng năm nhằm tri ân, gửi gắm tình cảm sâu sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đối với những hi sinh, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, Chương trình cũng là thông điệp, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vai trò, chủ quyền biển đảo; từ đó kêu gọi mỗi người dân trong và ngoài nước tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, cùng chung tay góp sức xây dựng bảo vệ Trường Sa ngày càng vững mạnh.

Tiết Xuân ấm áp đang trải khắp mọi miền của đất nước, hòa cùng không khí của đất trời, đồng bào cả nước lại hướng về nơi đầu sóng, ngọn gió, hướng về Trường Sa, Hoàng Sa. Những con tàu nặng chở mùa Xuân lại vội vã nhổ neo, cây Quất, cành Đào, nhành Mai cũng chung niềm hăm hở ra khơi, chở xuân về nơi yêu thương biển đảo với tấm lòng của đất Mẹ gửi Trường Sa. Không xa đâu Trường Sa ơi!

Trường Sơn
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực