Lối đi nào cho nhạc Việt?

Thứ năm, 23/01/2020 19:53
(ĐCSVN) - Trước sự phát triển không ngừng của các chương trình âm nhạc, sự mọc lên như "nấm sau mưa" của các nhạc sĩ, ca sĩ tự xưng, khiến cho đời sống âm nhạc phần nào trở nên xô bồ. Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phỏng vấn PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội về vấn đề này.
leftcenterrightdel
PGS. TS Nguyễn Lân Cường - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội (Ảnh: K.T)  

PV: Nếu như có thể dùng ngôn ngữ đế phác họa về bức tranh âm nhạc 2019, xin nhạc sĩ cho biết ý kiến của mình?

PGS. TS Nguyễn Lân Cường: Có thể nói chưa bao giờ những hoạt động âm nhạc và liên quan đến âm nhạc lại phong phú và đa dạng như hiện nay. Những cuộc thi hát, những dạ hội những chương trình liveshow… lan tỏa khắp nơi khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của âm nhạc. Tuy nhiên theo tôi thì âm nhạc của chúng ta hiện nay vẫn phát triển theo kiểu tự phát, chưa có định hướng, thậm chí có vẻ hỗn độn. Mạch nguồn chính, chủ đạo chưa lan tỏa và chiếm lĩnh được thị trường, định hướng thẩm mỹ cho công chúng.

Nhìn vào âm nhạc của một đất nước, người ta phải nhìn vào âm nhạc bác học. Tuy nhiên ở chúng ta âm nhạc bác học lại không được được đề cao. Công chúng không mấy mặn mà, vì thế phần lớn các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ chạy theo thị hiếu. Có lẽ vì thế mà nhạc thị trường được tung hê, có môi trường để nở rộ và áp đảo nhạc chính thống đặc biệt là nhạc thính phòng. Cùng với nhạc thính phòng, dòng nhạc thiếu nhi hiện nay cũng đang bị lép vế. Trước đây truyền hình có hẳn một kênh chuyên về nhạc thiếu nhi, nhưng bây giờ không còn nữa. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc mất đi một kênh định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho thiếu nhi ngay từ bé. Có lẽ cũng vì vậy mà dẫn tới tình trạng trẻ em hiện nay chạy theo nhạc chế trên mạng rất nhiều.

Bên cạnh đó, thời kỳ công nghệ 4.0 đã giúp cho các nghệ sĩ sáng tác được tốt hơn nhưng ngược lại, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ không được học hành nhiều dựa vào âm nhạc điện tử và công nghệ lăng xê để nổi tiếng, làm đời sống âm nhạc phần nào bị méo mó, các giá trị đích thực bị mai một.

Trước thực trạng âm nhạc rất đáng báo động này, tôi nghĩ chúng ta phải có những giải pháp mạnh để chấn chỉnh lại. Và, theo tôi trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội nhạc sĩ các địa phương. Chúng ta cần phải định hướng âm nhạc cho giới trẻ, nhất là qua các chương trình truyền hình, các cuộc thi, thậm chí đào tạo như một môn chính trong nhà trường để âm nhạc chính thống ngấm sâu, thẫm đẫm vào các em ngay từ bé, chứ không chỉ là môn phụ như hiện nay.

PV: Có ý kiến cho rằng năm 2019 là năm muôn màu của nhạc Việt, trong đó có sự trỗi dậy của thế hệ Z, ý kiến của PGS. TS về vấn đề này như thế nào?

PGS. TS Nguyễn Lân Cường: Đúng là hiện nay âm nhạc có điều kiện để phát triển rất phong phú, tạo nên sự muôn màu của nhạc Việt. Tuy nhiên theo tôi chúng ta cần phải định hướng cho đúng dòng mạch của âm nhạc dân tộc góp phần nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của con người.

Theo tôi hiểu thế hệ Z là thế hệ trẻ, thế hệ học sinh, sinh viên vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Thực tế đã chứng minh thế hệ trẻ hiện nay rất giỏi ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là âm nhạc. Các em đã ghi dấu ấn và giành được nhiều thành tích trong các cuộc thi với các giải thưởng cao cả trong nước và quốc tế. Đây chính là những nhân tài cần được phát triển và tiếp tục rèn luyện. Tôi được biết nhiều em học sinh khi còn ngồi trên nghế nhà trường đã có thể tự sáng tác, tự hát… những ca khúc rất hay, được công chúng đón nhận. Tuy nhiên hiện nay cũng có những em có tài năng về âm nhạc nhưng do không có định hướng, hay định hướng sai nên phát triển lệch nhịp chạy theo thị hiếu tầm thường, mải kiếm tiền làm mai một tài năng… Thậm chí hiện nay có những em sáng tác được mấy bài, được khán giả ghi nhận trở nên nổi tiếng, bắt đầu mắc bệnh “ngôi sao” chảnh chọe, đua đòi, bỏ bê việc học hành, chạy theo thị trường kiếm tiền, không được đào tạo bài bản… đến một lúc nào đó sẽ thui chột tài năng, rồi sẽ sớm bị đào thải khỏi guồng quay của sự phát triển, rất lãng phí.

Để thế hệ Z thực sự phát triển gắn bó với dân tộc, chúng ta  phải có hướng đào tạo các em rất bài bản, không chỉ ở năng lực chuyên môn mà còn cả ở đạo đức nghề nghiệp, hướng các em đi theo đúng mạch nguồn âm nhạc dân tộc. Để làm được điều này chắc chắn không chỉ có sự chung tay, góp sức của các bộ, ban, ngành mà là cả xã hội.

PV: Với xu thế phát triển như hiện nay, theo nhạc sĩ chúng ta có cần phải tìm lối đi riêng cho nhạc Việt?

PGS. TS Nguyễn Lân Cường: Trong đời sống xô bồ như hiện nay rất cần có sự định hướng cho nhạc Việt, cho giới trẻ. Để làm sao âm nhạc Việt Nam phải có một vị trí, một thương hiệu riêng. Trên thế giới hiện nay, dù đến bất cứ đâu nhưng nếu họ bật một bản nhạc Trung Quốc, hay Ấn Độ là chúng ta nhận ra ngay đó là nhạc của các quốc gia đó.

Nhưng tôi cho rằng chúng ta chưa làm được điều này. Nhiều bạn trẻ hiện nay còn lấy nhạc nước ngoài, đặc biệt là nhạc Hàn Quốc sáng tác lời rồi đề tên mình vào đó là một việc làm hết sức tối kỵ của một nhạc sĩ. Nếu như chúng ta cổ súy, và chạy theo trào lưu này chúng ta sẽ mất đi bản sắc, mất đi văn hóa dân tộc, chứng tỏ chúng ta đã hoàn toàn gục ngã trước cuộc xâm lăng về văn hóa.

Chính vì vậy để tìm lối đi riêng cho nhạc Việt, chấn hưng lại âm nhạc dân tộc chúng ta cần phải tôn vinh những nhạc sĩ, ca sĩ có những đóng góp cho âm nhạc nước nhà. Cần cương quyết loại bỏ những chương trình đi ngược với định hướng âm nhạc dân tộc. Bên cạnh đó chúng ta cần phải có những chương trình để tôn vinh và lan tỏa những tác phẩm cũng như những nhạc sĩ đồng hành cùng dân tộc, những bài hát sống mãi với thời gian.

Ngoài ra chúng ta cần phải tuyên truyền, phải định hướng âm nhạc cho giới trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Phải đưa âm nhạc vào nhà trường như một môn chính thống chứ không phải đưa vào lấy lệ như hiện nay. Đặc biệt chúng ta không nên bỏ môn âm nhạc ở cấp 3, mà cần phải đưa vào và nâng tầm lên, để âm nhạc dân tộc có thể thẩm thấu sâu đậm trong các em, biến các em trở thành những  nhạc sĩ, ca sĩ của dân tộc hay ít ra là những khán giả có thẩm mỹ âm nhạc tốt thực sự.

PV: Xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

Kim Thoa (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực