Năm Canh Tý sẽ là năm năng động, quyết đoán và thành công

Thứ ba, 28/01/2020 14:50
(ĐCSVN) – Đó là nhận định của bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam khi đề cập đến những hoạt động ưu tiên của tổ chức trong năm 2020 trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp bước sang năm mới Canh Tý 2020.

PV: Sứ mệnh của tổ chức UNICEF tại Việt Nam là đảm bảo mọi trẻ em Việt Nam đều được khỏe mạnh, được giáo dục và bảo vệ an toàn khỏi xâm hại, từ đó, có sự khởi đầu tốt nhất và một cơ hội công bằng để phát triển hết tiềm năng của mình cũng như hưởng lợi từ sự thịnh vượng của đất nước. Bà có thể chia sẻ sứ mệnh này của UNICEF đã được thực hiện như thế nào trong năm 2019?

Bà Rana Flowers: Trong năm 2019, UNICEF, Chính phủ Việt Nam và các đối tác đã đạt được những kết quả quan trọng vì trẻ em, đặc biệt trong việc cứu sống và phát triển của trẻ em. Ví dụ như công tác chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu sớm đã được triển khai ở hầu hết các cơ sở y tế (96%) trên cả nước, hơn 800.000 trẻ sơ sinh được hưởng lợi từ việc này. Gần 1 triệu trẻ em được tiêm chủng đầy đủ và rất nhiều chính sách và hướng dẫn đã được ban hành và thực hiện nhằm đảm bảo rằng trẻ sơ sinh được nhận các dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng. Quan trọng hơn, chúng tôi đã tiếp cận được các cha mẹ, đặc biệt là những cha mẹ ở vùng sâu, vùng xa, để tập huấn những kiến thức và kỹ năng cần thiết để chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ con em mình. Năm 2019, chương trình Làm Cha mẹ do UNICEF hỗ trợ đã đến được với gần 40.000 cha mẹ ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Điện Biên và hai nhà máy tại thành phố Hồ Chí Minh.

 Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam. (Ảnh: UNICEF)

Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc cải thiện khung pháp lý và chính sách nhằm bảo vệ tốt hơn trẻ em khỏi xâm hại và bạo lực. Bộ luật Lao động sửa đổi đã hài hòa hơn với Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em và những tiêu chuẩn quốc tế khác. Bộ luật Lao động có những quy định rõ ràng hơn về ngăn chặn lao động trẻ em, nghiêm cấm tất cả các hình thức lao động trẻ em nguy hiểm và bóc lột, bảo vệ người lao động chưa thành niên, đặc biệt là những người làm việc trong các khu vực kinh tế phi chính thức. Tư pháp cho trẻ em cũng có những bước cải thiện quan trọng với việc triển khai thực hiện Tòa án Gia đình và Người chưa thành niên tại 36 tỉnh, thành và thực hiện Nghị Quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về xâm hại tình dục trẻ em. Nghị Quyết này đã giúp cải thiện thủ tục xét xử thân thiện với trẻ em và nhạy cảm về giới đối với những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.

Các quyền giáo dục của trẻ em khuyết  tật  cũng được phản ánh rõ hơn trong Luật Giáo dục sửa đổi. Gần 5 triệu trẻ em mầm non được hưởng lợi từ việc các giáo viên có khả năng triển khai các hoạt động học tập thông qua vui chơi, đây là kết quả của chương trình tập huấn tình cảm xã hội thích ứng về giới do UNICEF hỗ trợ. Từ đầu năm học 2019, tất cả học sinh Việt Nam đều được học chương trình giảng dạy mới, nâng cao nhận thức giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng cường khả năng chống chịu.

Chú trọng đầu tư sẽ mang lại lợi ích khi ngân sách công coi trọng vào trẻ em, do đó cần tập trung vào việc xây dựng Chiến lược tài chính công giai đoạn 2021- 2030. UNICEF hi vọng chiến lược này sẽ giúp phân bổ ngân sách cho trẻ em cao hơn cũng như cải thiện chất lượng và hiệu quả của Ngân sách Nhà nước dành cho trẻ em.

PV: Là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới ký (1990) và phê chuẩn (2001) Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ và đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, được UNICEF và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bà có chia sẻ gì về nhận định này?

 Bà Rana Flowers: Vào tháng 11/2019, cùng với Chính phủ, UNICEF đã tổ chức một buổi lễ tuyệt vời kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em tại Việt Nam. Đây không chỉ là một dịp để tôn vinh những tiến bộ quan trọng trong việc thúc đẩy quyền trẻ em từ trước đến nay mà còn là nguồn cảm hứng khi chứng kiến lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thành tái khẳng định cam kết thực hiện quyền của mọi trẻ em Việt Nam bất kể các em là ai và đến từ đâu.

Hơn ba thập kỷ qua, cam kết chính trị và sự chỉ đạo mạnh mẽ việc thực hiện quyền trẻ em của Việt Nam đã đem lại những cải thiện quan trọng cho cuộc sống của hàng triệu trẻ em trên cả nước. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh giảm mạnh; độ bao phủ tiêm chủng cao; số trẻ em được đến trường nhiều hơn bao giờ hết và các em có khả năng hoàn thành bậc giáo dục tiểu học. Chúng tôi cũng chứng kiến những tiến bộ quan trọng trong các lĩnh vực khác như tiếp cận với nước sạch và vệ sinh.

Việt Nam cũng đã xây dựng môi trường hỗ trợ hơn nhằm thúc đẩy nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đối với trẻ nhỏ, ví dụ như kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 4 lên 6 tháng và hạn chế việc các doanh nghiệp quảng cáo và tiếp thị các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho với trẻ nhỏ.

Đảm bảo an toàn cho trẻ em luôn là nội dung được đề cao trong chương trình nghị sự của Chính phủ với việc thành lập hệ thống bảo vệ trẻ em, trong đó ban bảo vệ trẻ em đã được thành lập ở một nửa số xã trên cả nước. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã có một chương về nhân quyền với quy định cụ thể về quyền trẻ em và vai trò của Nhà nước. Luật Trẻ em năm 2016 tiếp tục cụ thể hóa và thể hiện những quy định của Hiến pháp bằng việc đưa ra một khung pháp lý nhằm thực hiện đầy đủ quyền của tất cả trẻ em Việt Nam và hài hòa hơn với Công ước của Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em.

Nhưng, dĩ nhiên, chúng ta chưa được phép nghỉ ngơi vì vẫn còn nhiều việc phải làm. Ở Việt Nam, một số không nhỏ trẻ em và người chưa thành niên vẫn đang bị bỏ lại phía sau, bị thiệt thòi.... Việc lựa chọn giới tính với tư tưởng thích con trai đang là nguy cơ dẫn đến những vấn đề xã hội trong tương lai. Nạn tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên cần được quan tâm nhiều hơn. Bạo lực đối với trẻ em vẫn còn rất phổ biến ở Việt Nam nhưng cộng đồng còn thiếu khả năng bảo vệ và giải quyết vấn đề này. Trẻ em đang đối mặt mới nhiều rủi ro hơn khi lên mạng.

Hơn nữa, Luật trẻ em năm 2016 quy định tuổi của trẻ em dưới 16, là chưa hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em. Đây là một bất cập, vì nhóm trẻ em 16-17 tuổi đang không được hỗ trợ và bảo vệ như được quy định trong Công ước. UNICEF mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ để giải quyết những bất cập này trong năm 2020.

PV: Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, đạt được các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ về giáo dục và cam kết thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững về Giáo dục đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Bà đánh giá như thế nào về những kết quả này?

 Bà Rana Flowers: UNICEF hoan nghênh sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đảm bảo tiếp cận giáo dục có chất lượng cho trẻ em từ 5 tuổi ở bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Với những bài học kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi mong rằng Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng 2,2 triệu trẻ em mầm non và tiểu học là người dân tộc thiểu số đều được hưởng nền giáo dục có chất lượng như nhau thông qua việc duy trì các điểm trường ở vùng sâu vùng xa và tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ tại tất cả các trường có học sinh dân tộc thiểu số.

Trong bước đi quan trọng tiếp theo, Chính phủ đang đặc biệt chú trọng vào việc lồng ghép kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi vào chương trình giảng dạy ở bậc mầm non, tiểu học, trung học, giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề nhằm xây dựng nguồn vốn nhân lực và nâng cao năng suất lao động. Chúng tôi rất mừng khi Việt Nam cam kết nâng cao hơn nữa khả năng chống chịu của trẻ em đối với biến đổi khí hậu thông qua việc lồng ghép nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu vào hệ thống giáo dục. Việt Nam cần khẩn trương tăng cường hơn nữa phương thức tiếp cận này, đặc biệt trong vấn đề trẻ em phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm kể cả trong thời gian học ở trường, và nhiều vấn đề khác.

PV: Xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em là những vấn đề  mà Việt Nam luôn quan tâm chú trọng giải quyết. Theo bà, cần phải làm gì để đấu tranh với tình hình bạo lực xâm hại trẻ em ?

Bà Rana Flowers: Các trường hợp bạo lực trẻ em được tố giác nhiều hơn, các chiến dịch truyền thông cũng được thực hiện tốt hơn, vì vậy, công chúng đã có nhận thức tốt hơn về vấn đề bạo lực xâm hại đối với trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục. Do đó, công chúng không khoan dung đối với vấn đề này. Chính phủ đặc biệt chú trọng đến vấn đề xâm hại trẻ em trong chương trình nghị sự và ưu tiên hành động để ngăn chặn và giải quyết các vụ vi phạm. Các ủy ban bảo vệ trẻ em được thành lập ở cấp tỉnh, thành; quận, huyện và phường, xã để hướng dẫn cho các cán bộ địa phương ngăn chặn và xử lý các vụ việc xâm hại, bóc lột và bạo lực đối với trẻ em.

Mặc dù đã có những nỗ lực tốt nhất, Việt Nam vẫn còn phải đổi mặt với nhiều thách thức trong bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực và xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục. Việt Nam cần tăng cường hơn nữa khung pháp lý để hài hòa hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó, như đã đề cập ở trên, cần phải sửa đổi Luật Trẻ em để quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi, để các em bảo vệ bởi hệ thống bảo vệ trẻ em.

Giải quyết vấn đề bạo lực xâm hại đối với trẻ em đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực phúc lợi xã hội mạnh mẽ hơn thông qua việc tái cơ cấu và xây dựng mạng lưới cán bộ xã hội được đào tạo bài bản, đặc biệt là ở cấp tỉnh, thành và quận, huyện. Những cán bộ chuyên nghiệp được đào tạo ở cấp xã sẽ cung cấp những dịch vụ hỗ trợ, từ phòng ngừa đến can thiệp sớm ở cấp cộng đồng nhằm đánh giá nguy cơ, quản lý trường hợp và chuyển tuyến đến những dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt đối với những nạn nhân bị xâm hại và bóc lột.

Ngăn chặn và giải quyết hiệu quả xâm hại và bóc lột trẻ em đòi hỏi công tác điều phối liên ngành và tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ trẻ em có chất lượng phải được cải thiện. Cần thay đổi những quy chuẩn xã hội và tăng cường “các biện pháp phòng ngừa” – vì phòng ngừa đỡ tốn kém về chi phí hơn nhiều so với những cái giá phải trả khi trẻ em bị xâm hại. Năng lực của cha mẹ/người chăm sóc trẻ cần phải được cải thiện thông qua việc xây dựng và triển khai các chương trình nâng cao thực hành kỹ năng làm cha mẹ và khuyến khích các hình thức kỷ luật tích cực tại gia đình và nhà trường.

PV: Trên cương vị Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà có thể cho biết những ưu tiên UNICEF sẽ chú trọng trong năm 2020?

 Bà Rana Flowers: Bước vào thâp kỷ mới, năm mới Canh Tý 2020, - năm đầu tiên trong 12 con giáp – tôi tin rằng năm Tý sẽ là một năm năng động, quyết đoán và thành công.

Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Từ năm 2010, Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình, nền kinh tế của Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực. Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và chủ tịch ASEAN năm 2020.

Nhưng phát triển nhanh chóng cũng đi kèm với các thách thức. Việt Nam phải đối mặt với “thách thức ở chặng cuối cùng” của việc không để trẻ em hay người chưa thành niên nào bị bỏ lại phía sau. Giải quyết được thách thức này đòi hỏi quyết tâm chính trị và đầu tư nhiều hơn nhằm giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em; phòng ngừa và đảm bảo điều trị suy dinh dưỡng; cải thiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho tất cả trẻ em; nâng cao chất lượng và tính hòa nhập trong giáo dục; tăng cường môi trường an toàn, bảo vệ cho trẻ em và đầu tư vào công tác bảo trợ xã hội. Đồng thời, cần phải nắm bắt tốt hơn và ưu tiên hành động nhằm giải quyết những vấn để mới nổi lên như biến đổi khí hậu, ô nhiễm, đô thị hóa, di cư và những đe dọa trên môi trường mạng. UNICEF sẽ nỗ lực hơn nữa để giải quyết các thách thức mới này.

Đó là một số ưu tiên của Chương trình hợp tác giữa UNICEF và Chính phủ Việt Nam trong hai năm tới. Chúng tôi sẽ tập trung vào việc xây dựng và phát triển nền tảng kiến thức, cung cấp thông tin cho quá trình cải cách chính sách, thử nghiệm các phương thức tiếp cận mới và xây dựng các mối quan hệ đối tác mới. UNICEF sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ và các đối tác khác như khối tư nhân, các tổ chức xã hội, trẻ em và thanh thiếu niên, để tối đa hóa nguồn nhân lực thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam.

Trong tất cả những nội dung này, đầu tư Ngân sách Nhà nước vào việc cung cấp những dịch vụ thiết yếu, nguồn nhân lực và nâng cao năng lực đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế và góp phần hỗ trợ dân số đang già đi. UNICEF rất mong tiếp tục hợp tác với Chính phủ để thực hiện hiệu quả chương trình nghị sự đầy tham vọng cho mọi trẻ em Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn bà về về cuộc trò chuyện!

Khắc Kiên - Hoài Hà
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực