Ngành Hải quan nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh

Chủ nhật, 26/01/2020 11:55
(ĐCSVN) - Là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với ngành Hải quan, ngay từ ngày đầu năm 2020, Tổng cục Hải quan đã phát động phong trào Thi đua năm 2020 hướng tới mục tiêu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa cải cách đơn giản hóa thủ tục hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Vì mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp

Ngay sau khi trở thành Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với chủ đề mang theo tuyên ngôn của Chính phủ mới: “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”. Và sau đó, Chính phủ đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ. Các Nghị quyết số 19/NQ-CP (Nghị quyết 19) của Chính phủ từ năm 2014 đến năm 2018, Nghị quyết số 02/NQ-CP (Nghị quyết 02) của Chính phủ về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với tư cách một chương trình hành động liên tục của Chính phủ hướng tới mục tiêu Việt Nam phải trở thành 1 trong 3 - 4 nền kinh tế có MTKD và năng lực cạnh tranh hàng đầu của ASEAN đã ra đời. Các văn kiện này đã thực sự trở thành nền tảng để hoàn thiện MTKD cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân.

leftcenterrightdel
Máy soi hàng hoá hiện đại tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài  (Ảnh: M.P)

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), đặc biệt là Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 448/QĐ-TTg (Quyết định 448) phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020. Trên cơ sở thực hiện Quyết định 448, các Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 và các Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính về thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 02, Tổng cục Hải quan luôn xác định CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần được thực hiện thường xuyên, với các giải pháp đồng bộ, cụ thể theo hướng đề cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp và nhân dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Để có thể vững vàng đồng hành cùng doanh nghiệp như mục tiêu Chính phủ đã đề ra, Tổng cục Hải quan đã đề ra những nhiệm vụ cho toàn ngành trong năm 2019 và thực hiện một cách nghiêm túc, cụ thể:

Thứ nhất, về cải cách thể chế, năm 2019, Tổng cục đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật, điển hình như: Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu… Để nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 876/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch nâng cao xếp hạng Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam và hiện nay đang triển khai đồng bộ các giải pháp.

Thứ hai, về cải cách TTHC, Tổng cục Hải quan chú trọng cải cách TTHC đồng bộ ở tất cả các khâu cơ bản gồm: xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật; tiếp nhận, giải quyết TTHC; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về TTHC…; chủ động phối hợp các cơ quan liên quan trong quy định và giải quyết TTHC; nâng cao chất lượng công chức và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giải quyết TTHC. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 – 2020. Riêng năm 2019, Tổng cục Hải quan đã phối hợp các bộ, ngành xây dựng tiêu chí thành lập, giải thể địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung; các Bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 16/29 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành; ban hành 20/53 danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành kèm mã số HS; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với 18/22 nhóm hàng phải kiểm tra chuyên ngành; rà soát, phát hiện 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm 12.600 mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành; áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra, nhiều mặt hàng đã được chuyển thời điểm kiểm tra từ giai đoạn trước thông quan sang sau thông quan.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, không để xảy ra vụ việc công chức vi phạm nghiêm trọng đến mức bị xử lý hình sự.

Thứ tư, về cải cách tài chính công, nhờ tập trung các giải pháp đẩy mạnh công tác thu ngân sách, tổng số thu thuế của toàn ngành Hải quan tính đến ngày 31-12-2019 đạt 349.921 tỷ đồng, bằng 116,45% dự toán theo chỉ tiêu pháp lệnh (300.500 tỷ đồng) và đạt 104,45% chỉ tiêu phấn đấu được Bộ Tài chính giao (335.000 tỷ đồng).

Thứ năm, Tổng cục Hải quan đang xây dựng đề án tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin, khung kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Hải quan, đề án đầu tư hệ thống seal định vị điện tử phục vụ giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển bằng container; tiếp tục triển khai Hệ thống quản lý hàng hóa tự động (VASSCM) tại cảng biển.

leftcenterrightdel
Tổng cục Hải quan đã phối hợp 13 Bộ, ngành triển khai 188 TTHC trên cơ chế một cửa quốc gia (Ảnh: M.P) 

Đi đầu về thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Theo báo cáo MTKD của Ngân hàng Thế giới trong ba năm 2017 - 2019, các chỉ số thành phần về chi phí và thời gian trong chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam tiếp tục được duy trì. Tổng cục Hải quan đã triển khai đúng tiến độ 21 chỉ tiêu được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, trong đó đã thực hiện vượt mức 08/21 chỉ tiêu Chính phủ giao. Trong hai năm liền 2018 và 2019, Tổng cục Hải quan được xếp hạng 1/5 đơn vị khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính về công tác CCHC.

Ngành Hải quan đi đầu về thực hiện dịch vụ công trực tuyến với tỷ lệ thực hiện ở mức độ 3 và 4 đạt 89% tổng số TTHC. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến thực hiện mức độ 4 đạt 85% (yêu cầu của Chính phủ giai đoạn 2019 - 2020 là 30%); 100% các dịch vụ công mức độ 3, 4 được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia (yêu cầu của Chính phủ giai đoạn 2019 - 2020 là 30%); sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động đạt 100% (yêu cầu của Chính phủ giai đoạn 2019 - 2020 là 20%); hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp giao diện cho các thiết bị di động đạt 100% (yêu cầu của Chính phủ giai đoạn 2019 - 2020 là 50%). Hàng năm, Tổng cục Hải quan đều công khai kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hải quan trong đó có việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, 100% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử, thông tin của doanh nghiệp tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đều vượt xa tỷ lệ yêu cầu của Chính phủ giai đoạn 2019 - 2020.

Tính từ ngày 1-1-2019 đến ngày 30-11-2019, Hệ thống hệ thống thông quan tự động (VNACCS) đã tiếp nhận và xử lý 10,84/10,91 triệu tờ khai hải quan điện tử, chiếm tỷ lệ 99,38%, vượt xa so yêu cầu của Chính phủ giai đoạn 2019 - 2020 là 20%; số kim ngạch xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử đạt 427,85 tỷ USD/428,63 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 99,82%; số tiền thuế, phí thu bằng phương thức điện tử chiếm tỷ lệ 95% số thu ngân sách của ngành Hải quan.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã phối hợp 13 Bộ, ngành triển khai 188 TTHC trên cơ chế một cửa quốc gia với trên 2,6 triệu hồ sơ của gần 34.000 doanh nghiệp, đảm bảo 100% số doanh nghiệp truy cập và được xác thực qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Đến nay Việt Nam đã thực hiện trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D bản điện tử với 06 nước: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei và Campuchia. Tổng cục Hải quan đã ký kết với 42 ngân hàng thương mại phối hợp thu thuế điện tử trong đó có 27 ngân hàng thu 24/7, số thu đạt 95,3%.

Trong Hội nghị đối thoại chính sách và TTHC thuế, hải quan với doanh nghiệp năm 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  (VCCI) phối hợp Bộ Tài chính tổ chức cuối tháng 11-2019 tại Hà Nội và tại TP Hồ Chí Minh, đánh giá cao những nỗ lực cải cách, đồng hành với doanh nghiệp của ngành Hải quan, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nêu rõ, trong năm 2019, ngành Hải quan có những bước tiến rất dài, phù hợp tiến trình phát triển kinh tế đất nước và sự phát triển của doanh nghiệp. Ngành Hải quan đã áp dụng bộ công cụ hiện đại vào công tác quản lý, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp. Ông rất ấn tượng khi ngành Hải quan đã thông qua cơ sở là các cục, chi cục để có những chương trình hướng dẫn doanh nghiệp, trao đổi cởi mở với doanh nghiệp. Ngoài ra, một điều ấn tượng nữa là hiện 100% hoạt động thông quan đã áp dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống thông quan tự động, triển khai Chương trình quản lý giảm sát hải quan tự động cảng biển, cảng hàng không, áp dụng các nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng hàng hóa… từ đó giúp giảm thời gian thông quan và chi phí cho doanh nghiệp. Vì thế, trong quá trình tìm hiểu, đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2018 của VCCI đã chỉ ra khoảng 80% số doanh nghiệp đánh giá sự hỗ trợ của ngành Hải quan là kịp thời và hiệu quả. Năm 2019, các doanh nghiệp vẫn luôn tiếp tục đánh giá cao nỗ lực cải cách, chia sẻ, đồng hành của ngành Hải quan.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, trong bối cảnh khối lượng hàng hóa, kim ngạch xuất nhập khẩu ngày càng tăng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp, tinh vi, đòi hỏi ngành Hải quan phải tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh công tác CCHC, tiếp tục cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó và nhân dân mong đợi./. 

Huy Hoàng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực