Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng sự hài lòng của người dân

Thứ bảy, 25/01/2020 09:43
(ĐCSVN) - Bước sang năm 2020, Ngành Y tế đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam và tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, triển khai rộng bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe cá nhân.... Đặc biệt, Ngành sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế các tuyến, đáp ứng sự hài lòng của người dân…

Nhân dịp đầu Xuân Canh Tý 2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã chia sẻ với phóng viên về một số kết quả và những trọng tâm của ngành y tế trong thời gian tới.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: TL


Phóng viên (PV): Việc tự chủ, xã hội hóa đã mang lại nhiều kết quả tích cực, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, tự chủ, xã hội hóa cũng đặt ra nhiều vấn đề như nhiều bệnh viện tuyến dưới còn thiếu nhân lực, trang thiết bị... nên khó khăn trong thu hút xã hội hóa, thực hiện tự chủ các hoạt động chuyên môn. Vậy cần làm gì để tránh rơi vào bẫy “lãng quên” y tế cơ sở thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công; chủ trương này  tiếp tục được khẳng định tại 
Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới của Hội nghị Trung ương 6.

Việc giao quyền tự chủ không có nghĩa là đơn vị phải tự bảo đảm tài chính cho các hoạt động của đơn vị mà phải căn cứ vào khả năng thu của các đơn vị; Chính phủ đã ban hành một số Nghị định hướng dẫn trong đó đã quy định rõ việc giao quyền tự chủ về tài chính và phân loại đơn vị sự nghiệp y tế công lập thành 4 nhóm: Nhóm tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và đầu tư; nhóm tự bảo đảm chi thường xuyên; nhóm tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và nhóm do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Đối với các bệnh viện tuyến dưới, vùng khó khăn nếu thu không đủ chi thì ngân sách vẫn phải cấp phần còn thiếu cho đơn vị và giao tự chủ vào nhóm đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc nhóm đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, một số địa phương thực hiện chưa đúng quy định, giao tự chủ, tự bảo đảm về tài chính cho cả các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, các cơ sở dự phòng mà nguồn thu thấp, không đủ chi. Dẫn đến nhiều đơn vị rất khó khăn về kinh phí hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ. Do vậy cần phải hiểu đầy đủ về vấn đề giao tự chủ, có các mức độ tự chủ khác nhau theo quy định của Nghị định. 

Vấn đề xã hội hóa cũng vậy, Chính phủ khuyến khích thực hiện, không bắt buộc các đơn vị phải huy động vốn xã hội hóa để đầu tư mà tùy khả năng của đơn vị. Nghị quyết số 20 cũng đã nêu: “Tăng cường đầu tư và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong lĩnh vực y tế để có nguồn lực triển khai toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, nhất là đối với các đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, hải đảo; Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế”. 

Để đảm bảo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở, Bộ Y tế cũng đang xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát triển. Do vậy nếu thực hiện đúng quy định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì không thể có tình trạng bị rơi vào bẫy “lãng quên” được.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết, Bộ Y tế sẽ có những quyết sách ra sao để giải quyết những vấn đề liên quan đến chi trả theo đúng định mức của bảo hiểm y tế để bảo đảm quyền lợi của người bệnh và góp phần giảm áp lực cho cơ sở y tế?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Để có cơ sở ban hành giá của các dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, theo quy định của Luật giá, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 của Chính phủ và Thông tư số 25/TT-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa dịch vụ. Bộ Y tế đã ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở xây dựng và ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đây là định mức trung bình tiên tiến để tính giá của các dịch vụ kỹ thuật, không phải định mức bắt buộc mọi dịch vụ kỹ thuật phải thực hiện và cũng không phải là định mức tối đa không được vượt quá.

Thời gian qua (năm 2017-2018) giữa Cơ quan Bảo hiểm y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vướng mắc do Cơ quan BHYT sử dụng định mức xây dựng giá để giám định thanh toán nên đã gây khó khăn cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong vấn đề thanh quyết toán BHYT. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ và đã được thống nhất nguyên tắc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế theo mức giá dịch vụ do Liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành trước đây, nay là do Bộ Y tế sau khi thống nhất với Bộ Tài chính ban hành (điểm 11 của Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 11/5/2019 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 4). 

Về nguyên tắc, do là định mức nên trong quá trình thực hiện sẽ phải có những điều chỉnh cho phù hợp. Vừa qua, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát và điều chỉnh lại định mức kinh tế kỹ thuật của một số dịch vụ cho phù hợp với thực tế thực hiện. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai công tác khảo sát định mức kinh tế kỹ thuật để rà soát, điều chỉnh định mức và giá một số dịch vụ kỹ thuật cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như thống nhất một số nguyên tắc trong công tác giám định thanh toán làm cơ sở để triển khai thực hiện. 

PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những bước tiến mới của ngành y tế trong việc ứng dựng kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh thời gian qua?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Trong những năm qua, ngành Y tế đã tăng cường ứng dụng kỹ thuật cao trong khám và chữa bệnh, nhằm bắt kịp trình độ y khoa với các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời nhằm phục vụ sức khỏe cho người dân một cách tốt nhất. 
Đồng thời đẩy mạnh chất lượng, ứng dụng các kỹ thuật cao trong khám và điều trị bệnh; tiến tới chuyên sâu hóa các lĩnh vực nhằm nâng cao giá trị của từng bệnh nhân. Trong đó, y tế đã phát triển công nghệ trong lĩnh vực y tế dự phòng và khám chữa bệnh ở Việt Nam: sản xuất vắcxin trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, áp dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị y khoa như CTscan, MRI, PET-CT, Gama Knife, xạ trị, công nghệ gen, sử dụng robot trong phẫu thuật...

 Ngành Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng sự hài lòng của người dân.

(Ảnh: Đỗ Thoa)

Các bệnh viện đã đầu tư, ứng dụng các trang, thiết bị, kỹ thuật công nghệ cao như: phẫu thuật nội soi, ứng dụng công nghệ laser vào y học, ứng dụng robot trong phẫu thuật đến các kỹ thuật vi phẫu tạo hình, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tim mạch can thiệp như: chụp buồng tim, điều trị loạn nhịp tim… Đặc biệt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy đã bước đầu hoàn tất quy trình kỹ thuật trong ghép tạng từ người cho chết não và tim ngừng đập, việc làm này đã “chia sẻ quyền được sống”, kéo theo rất nhiều hy vọng cho bệnh nhân suy tạng cần ghép quay trở lại cuộc sống; đồng thời cùng với đó, chuyên môn của các chuyên khoa từ hồi sức cấp cứu đến phẫu thuật ghép tạng, nội khoa theo dõi sau ghép… đều được nâng cao.

Việc phát triển tiến bộ khoa học - kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh giúp người dân trong nước ngày càng tiếp cận với các dịch vụ y tế công nghệ cao, ngang tầm các nước phát triển trong khu vực. Tại nhiều bệnh viện, kỹ thuật ghép gan, ghép thận, phẫu thuật tim hở, can thiệp mạch kín, thụ tinh ống nghiệm, ghép tế bào gốc đã trở thành kỹ thuật thường quy. Nhiều chuyên ngành, lĩnh vực y khoa, các thầy thuốc Việt Nam đã đóng vai trò người thầy, chuyển giao kỹ thuật cho các nước trên thế giới.

Không chỉ có các bệnh viện tuyến trên, thông qua đề án bệnh viện vệ tinh, 4 năm qua, nhiều bệnh viện tuyến dưới đã được chuyển giao kỹ thuật cao, nâng cao uy tín và trình độ chuyên môn, thu hút người bệnh tại địa phương và góp phần giảm tải. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản nhi, nhiều bệnh viện tuyến dưới đã khám và điều trị cho 98% số người bệnh thuộc chuyên khoa phụ sản và nhi khoa thay vì phải chuyển tuyến trên. 

Nhiều kỹ thuật lâm sàng mới cũng được triển khai như phẫu thuật nội soi một lỗ, phẫu thuật nội soi lồng ngực trẻ dưới 12 tháng, lọc máu liên tục trẻ sơ sinh, thở máy HFO... hay các kỹ thuật cận lâm sàng như xét nghiệm Real-time PCR chẩn đoán các chủng vi rút, vi khuẩn, xét nghiệm sàng lọc sơ sinh, sàng lọc ung thư sớm, sàng lọc trước sinh, xét nghiệm tiền sản giật... 
 
Có thể nói, việc áp dụng kỹ thuật cao trong điều trị giúp ngành y tế cứu sống được nhiều bệnh nhân hơn, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

PV: Năm 2020, ngành Y tế sẽ thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Bộ Y tế đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Ngành sẽ tập trung vào việc tăng cường công tác y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia và đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam. Cùng với đó, Ngành cũng sẽ đổi mới cơ chế tài chính, hoạt động của y tế xã, phường, thị trấn theo nguyên lý y học gia đình để thực hiện đúng vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm của người dân trên địa bàn; Thực hiện việc kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy suất nguồn gốc; Chú trọng phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng miền núi, khó khăn; Nâng cao chất lượng dân số, giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo để sớm hoàn thành các bệnh viện trung ương, tuyến cuối, từng bước thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế các tuyến, đáp ứng sự hài lòng của người dân; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, triển khai rộng bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Năm 2020, Ngành cũng tập trung để hoàn thành quy hoạch mạng lưới các cơ sở y tế quốc gia và tiếp tục sắp xếp các cơ sở y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường quản lý chất lượng thuốc, đẩy mạnh đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc cấp quốc gia, bảo đảm đủ thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh của nhân dân; Tiếp tục nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, xây dựng lộ trình điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc Thứ trưởng một năm mới An khang thịnh vượng!

Mỹ Phương (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực