Mâm ngũ quả - nét đẹp văn hóa ngày Tết

Thứ tư, 22/01/2020 23:08
(ĐCSVN) - Theo phong tục truyền thống của người Việt, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, hầu như nhà nào cũng chuẩn bị một mâm ngũ quả để cúng trên bàn thờ tổ tiên hoặc để trưng trong phòng khách. Ðêm 30 Tết, sau khi đã hoàn thành việc dọn dẹp, vệ sinh, trang hoàng nhà cửa, cũng là lúc mọi người sửa soạn mâm ngũ quả để kịp cúng giao thừa...

Có lẽ vậy, mà gia đình nào cũng cố thể hiện sao cho mâm ngũ quả ngày Tết vừa đẹp mắt, vừa làm cho Tết Nguyên đán thêm sinh động, thiêng liêng, đặc biệt hơn là mang hàm ý những điều ước nguyện của gia đình mình trong năm mới.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam bộ, ông Nhâm Hùng (Hội văn học nghệ thuật TP. Cần Thơ), tùy theo quan niệm của từng vùng, miền, mỗi địa phương, với sản vật sẵn có, người ta chọn ra các loại quả khác nhau để trưng bày mâm ngũ quả ngày Tết thật vừa ý, thể hiện sinh động, làm không gian thờ cúng thêm ấm áp, rực rỡ, hài hòa với mùa xuân. Điều đó có ý nghĩa triết lý nhân văn, vừa mang tính tâm linh, tín ngưỡng, vừa mang tính thẩm mỹ, chứa đựng những ước vọng về những điều tốt lành khi bước sang năm mới.

Mâm ngũ quả ngày Tết đã đi vào đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân vùng sông nước miệt vườn Nam bộ. 

“Ngày nay, người ta cũng không còn quan niệm cứng nhắc là phải chưng mâm ngũ quả đúng 5 loại quả nữa, mà có thể là bát quả, cửu quả, thập quả, ít hơn (04 loại quả) được trưng trên đĩa hay mâm, thì vẫn gọi theo xưa là mâm ngũ quả. Bởi lẽ, từ xa xưa mâm ngũ quả ngày Tết đã được xác lập như là một sản phẩm văn hóa vật thể, hàm chứa một ý nghĩa sâu xa nhất định và là nét đẹp tinh hoa văn hóa truyền thống vốn có của dân tộc ta. Mâm ngũ quả đã đi vào đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt, nên ta thường thấy mâm ngũ quả được trưng bày vào ở các dịp lễ, hội…; ở lễ cưới, lễ giỗ trong gia đình Việt; liên hoan, hội thi trong tổ chức các sự kiện ở mỗi địa phương. Nhưng mâm ngũ quả ngày Tết cổ truyền của dân tộc vẫn là có ý nghĩa nhất và đã trở thành di sản văn hóa của tổ tiên để lại” – ông Nhâm Hùng chia sẻ.

Mỗi khi xuân về tết đến, trên bàn thờ của gia đình Việt đều trưng bày “mâm ngũ quả”, và hiển nhiên mâm ngũ quả ngày Tết là màu sắc, hình khối, hương thơm, là sản vật quanh năm người nông dân làm ra, dâng lên tổ tiên với ý nghĩa biết ơn về công sinh thành tạo dựng. Người miền Nam nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng lại cầu kỳ hơn trong việc lựa chọn mâm ngũ quả. Những loại trái cây được chọn đều có tên gọi hoặc ý nghĩa tốt đẹp, ngày trước có năm loại thường được chọn: dưa hấu (tròn đầy, ruột đỏ, biểu tượng cho sự may mắn tốt đẹp), mãng cầu, dừa (đọc gần âm với “vừa”), đu đủ, xoài (đọc gần âm với “xài”, tiêu xài), ngụ ý “cầu – vừa – đủ – xài” là mong muốn giản dị nhưng chân thành của người miền Tây Nam bộ. Sau này có người thêm trái sung (cầu – vừa – đủ – xài – sung), hoặc trái khóm (trái thơm, ngụ ý thơm tho), có khi là trái dưa (dư dả), trái cau (gần âm với “cao”, cao quý)… Đặc biệt không cúng các loại trái cây như: chuối (do gần âm với “chúi”, sợ làm ăn đi xuống), ớt (sợ cay), cam (có câu “quýt làm cam chịu”), lê (sợ làm ăn “lê lết”), táo (còn gọi là “bom”, không tốt), sầu riêng (sợ buồn)…

Những năm gần đây, do điều kiện sống tốt hơn và cũng có nhiều loại trái cây để lựa chọn, nên mâm ngũ quả ngày Tết không chỉ có năm loại trái cây như trước kia, nhiều gia đình đã bổ sung thêm về số lượng các loại trái cây nhưng thường là số lẻ: bảy loại, chín loại…có người còn cúng trái cây nhập từ nước ngoài… Việc trang trí hay “sắp” mâm ngũ quả trong đêm giao thừa, đặt lên bàn thờ để tưởng nhớ tổ tiên vào thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới tạo nên không khí thiêng liêng nhưng ấm áp trong gia đình. Mâm ngũ quả ngày Tết, dù ở bất kỳ địa phương nào cũng thể hiện nét đẹp văn hoá và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta./.

Phương Nghi
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực