Sách Tết diện mạo mới

Chủ nhật, 26/01/2020 20:17
(ĐCSVN) – Sau nhiều năm bị mai một, dòng sách Tết đã thực sự trở lại với một diện mạo mới, sinh động hơn, hấp dẫn hơn. Ngoài việc mua sắm, vui chơi ngày Tết, nhiều người đã chọn cho mình những quyển sách hay để tận hưởng những khoảnh khắc dành cho chính mình trong dịp Tết.

Nếu báo Tết là ấn phẩm quen thuộc mỗi dịp Tết đến xuân về thì sách Tết lại là “món ăn” tinh thần mới mẻ với độc giả. Những năm gần đây, khi văn hóa đọc được khuyến khích và phát triển, các đơn vị phát hành sách đã chú trọng tạo điểm nhấn bằng những cuốn sách đặc biệt, độc đáo dành cho Tết Nguyên đán.

Sách Tết đã có từ cách đây 90 năm. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hoài Nam, sách Tết lần đầu được xuất bản là cuốn “Sách Tết năm Mậu Thìn 1928”của Tân Dân Thư Quán. Đây là cuốn sách mở đường cho thể loại sách Tết ở Việt Nam và thể loại này sau đó được nhiều đơn vị xuất bản khai thác với nhiều cuốn như “Sách Chơi Xuân 1929”, “Sách Tết Nam Ký”, “Sách Tết Nắng Xuân”, “Sách Tết đời nay”…

Từ năm 1928 cho tới năm 1945, sách Tết rất phong phú, đa dạng, với sự tham gia của nhiều tác giả và nhóm bút thuộc các trào lưu phong cách khác biệt, như Tân Dân, Nam Ký, Tự Lực Văn Đoàn… Tuy nhiên, những năm sau đó, sách Tết đã vắng bóng hơn rất nhiều.

 
“Nhâm nhi Tết” của Nhà xuất bản Kim Đồng. (Ảnh: PT) 

Năm 1959, Nhà xuất bản Kim Đồng lần đầu làm sách Tết với ấn phẩm “Mừng Tết mới - Xuân Kỷ Hợi 1959”. Ấn phẩm giới thiệu tác phẩm của rất nhiều tác giả và họa sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ như Tạ Lựu, Nguyễn Bích, Thy Thy Tống Ngọc, Thế Vỵ... Những tiểu phẩm rất đặc trưng của một giai đoạn lịch sử, về thời kỳ xây dựng hợp tác xã, về phong trào ngày Tết đi thu gom sắt vụn, đúc lưỡi cày làm quà Tết tặng các bác nông dân, về niềm vui sáng mồng một các bạn nhỏ miền Bắc mở cửa reo mừng đón các bạn miền Nam xông nhà, bởi đó là thời kỳ miền Nam và miền Bắc đang tạm bị chia cắt do chiến tranh... Kể từ lúc đó, do điều kiện khó khăn nên cách 1-2 năm mới có một cuốn sách được ra mắt. Đến năm 1983, cuốn sách “Đất nước vào xuân” khép lại dòng sách Tết của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Sách Tết với nội dung chủ yếu là văn hài đàm và thơ vui, được chắp bút bởi nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng văn đã được độc giả từ Bắc chí Nam ưa chuộng khi mang lại những tiếng cười sảng khoái, ý vị vào đầu năm. Thế nhưng sau năm 1960, không còn ấn bản nào mang tên sách Tết, để lại trong lòng người đọc một nỗi niềm bâng khuâng, tiếc nhớ.

 
 Sau thành công của “Sách Tết Kỷ Hợi 2019”, Đông A Book tiếp tục cho ra mắt cuốn “Sách Tết Canh Tý 2020”. (Ảnh: PT)

Với mong muốn đưa nét đẹp truyền thống trong làng văn ngày Tết trở lại, những năm gần đây, một số đơn vị xuất bản, phát hành sách đã mang tới những ấn phẩm Tết ý nghĩa. Không chỉ được chăm chút về nội dung mà còn được đầu tư công phu về phần mỹ thuật, vậy nên dòng sách Tết đã được độc giả đón nhận trong niềm thích thú.

Sau thành công của “Sách Tết Kỷ Hợi 2019”, Đông A Book tiếp tục cho ra mắt cuốn “Sách Tết Canh Tý 2020”. Sách là tập hợp các tác phẩm văn - thơ - nhạc - họa chủ đề mùa Xuân và ngày Tết, do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn, Nhà xuất bản Văn Học ấn hành. Ngoài sự góp mặt của các tác giả, họa sĩ tên tuổi như Cao Huy Thuần, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh, Thành Chương, Lê Trí Dũng, Đỗ Hoàng Tường… Sách Tết 2020 có sự tham gia của một số cây bút mới từ nhiều vùng miền đất nước. Với kinh nghiệm của những người làm sách cũng như sự góp ý của độc giả cho ấn bản đầu tiên, Sách Tết 2020 đã trở nên phong phú, đa dạng và cũng chất lượng hơn.

Tròn một vòng hoa giáp kể từ khi ấn phẩm sách Tết đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bạn đọc, năm nay, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng quan tâm tới thị trường sách Tết khi giới thiệu 3 ấn phẩm thú vị: “Kể chuyện Tết Nguyên Đán”, “Đúng là Tết”, “Nhâm nhi Tết”. Sách phù hợp với thiếu nhi qua những câu chuyện về thuần phong mỹ tục ngày Tết, những sự tích Việt Nam liên quan tới Tết như Táo Quân, cây nêu, mâm ngũ quả... Các quyển sách đều được trang trí rất đẹp, bắt mắt trên giấy tốt và bán khá chạy; bởi với nhiều người, những câu chuyện Xuân trong sách thú vị và giàu kiến thức.

 
Tết đoàn viên” của Công ty Cổ phần Văn hóa Truyền thông Sống và Nhà xuất bản Thế giới. (Ảnh: PT) 

Là một đơn vị làm sách khá mới mẻ, thế nhưng Công ty Cổ phần Văn hóa Truyền thông Sống đã nhanh chóng bắt nhịp với thị trường khá nhanh, mang đến một ấn phẩm sách Tết mang đậm dấu ấn cá nhân. “Tết đoàn viên” của Công ty Cổ phần Văn hóa Truyền thông Sống và Nhà xuất bản Thế giới đã tái hiện không khí Tết xưa và nay ở khắp các vùng miền đất nước cùng những chia sẻ, hoài niệm về Tết của các nhà văn, nhà báo, các nghệ sĩ nổi tiếng.

Là người tuyển chọn cho ấn phẩm “Tết đoàn viên”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho biết: Không có lễ hội nào trong một năm như Tết lại có khả năng kỳ diệu cho sự đoàn tụ gia đình, cho sự gắn kết những quan hệ xa lạ, cho sự hòa giải những bất hòa, cho sự tha thứ những lầm lạc… Với ông, “Tết đoàn viên” như cỗ máy thời gian đưa người đọc trở về với những vẻ đẹp và sự thiêng liêng của thời khắc kỹ vĩ nhất một năm – thời khắc chuyển từ năm cũ sang một năm mới. Trong những giờ phút thiêng liêng ấy, con người muốn rũ bỏ quá khứ phiền muộn, khổ đau và thất vọng để hướng về một tương lai tốt đẹp trong năm mới.

Theo các đơn vị xuất bản sách, Tết là dịp để mọi người trao nhau những điều tốt đẹp và sách Tết chính là một món quà được nhiều người lựa chọn để mừng năm mới cho gia đình, bạn bè… Chính vì thế, những cuốn sách Tết được chăm chút rất tỉ mỉ từ khâu minh họa, trình bày, thiết kế, chọn giấy in… tạo thành một tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ. Sách Tết không chỉ gói gọn ở những áng thơ, văn, sách tết những năm trở lại đây phong phú, hấp dẫn hơn với phần bình nhạc, họa và thơ về chủ đề mùa xuân và cuộc sống để bạn đọc có thêm những giây phút thú vị.

Sách Tết cũng ẩn chứa niềm hy vọng độc giả quay trở lại với sách, cầm cuốn sách trên tay và giữ thói quen đọc sách hằng ngày, dù cuộc sống xung quanh có bộn bề. Và cứ như thế, trong giỏ quà tết, ngoài những bánh, những rượu thì xuất hiện thêm một món quà tinh thần là quyển sách Tết nho nhỏ. Bên cạnh “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, người ta còn có thêm cái thú vui đọc sách vào dịp Tết. Người già đọc để hoài nhớ tết xưa; người trẻ đọc để trân quý tết nay và lan tỏa những giá trị tinh thần là nét đẹp của sách Tết.

Phương Thảo
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực