Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Thứ sáu, 08/02/2019 16:55
(ĐCSVN) – Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, năm 2018, ngành Tài nguyên và Môi trường đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. (Ảnh: Bích Liên)

Nhân dịp đón năm mới Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã có cuộc trao đổi với báo chí.

Phóng viên (PV): Với cương vị là tư lệnh của ngành quản lý nhiều lĩnh vực “nóng” được dư luận quan tâm như đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước…, Bộ trưởng có thể cho biết điểm nhấn của ngành trong năm 2018 và những gì còn trăn trở cần giải quyết trong năm 2019?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Năm 2018 là một năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành TN&MT. Toàn ngành đã tiếp tục quan tâm tới chủ trương chính sách lớn, các thể chế để giải quyết một cách đồng bộ, bài bản những vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Điểm nhấn về mặt chủ trương trong năm 2018 là Bộ đã sơ kết và tổng kết đồng thời 3 lĩnh vực lớn như: quản lý đất đai, triển khai Nghị quyết 24 về ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH); bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên môi trường.

Bên cạnh đó, Bộ đã tập trung nguồn lực để giải quyết thách thức về vấn đề bảo vệ môi trường, vướng mắc trong thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục một cách mạnh mẽ. Đồng thời, Bộ đã cùng với các địa phương đưa các dự án lớn có nguy cơ ô nhiễm cao trở thành các dự án phát huy các giá trị lớn, đóng góp cho phát triển kinh tế của đất nước.

Năm 2018, bên cạnh việc chuyển từ ứng phó bị động sang trạng thái chủ động hơn, Bộ đã cùng Đảng bộ các các tỉnh thành phố, Ban cán sự Đảng đoàn sơ kết tổng kết các chủ trương chính sách lớn liên quan đến lĩnh vực TN&MT như: chủ trương về kinh tế biển, chủ động ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường,… Bộ cũng đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị và Trung ương ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển cho đến giai đoạn 2035 và tầm nhìn đến 2045, xác định một giai đoạn mới đưa Việt Nam thành một quốc gia biển.

Điểm nhấn nữa của năm 2018 là các đóng góp của nhiều địa phương trên cả nước về lĩnh vực TN&MT, đặc biệt về lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản… Những đóng góp này đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Năm 2018, Bộ cũng xác định đây là năm kiện toàn về bộ máy quản lý, cơ chế hoạt động, đặc biệt Bộ đã hành động theo phương châm của Chính phủ là tiếp tục phát huy tinh thần kỷ luật kỷ cương, hoạt động sáng tạo, tạo ra những đột phá đặc biệt trong lĩnh vực Chính phủ điện tử, kết nối hoạt động của Bộ với Sở TN&MT các địa phương, cũng như hình thành cơ chế để kết nối lắng nghe tiếng nói của người dân và doanh nghiệp thông qua đường dây nóng.

Đây là những kết quả để khẳng định năm 2018, Bộ đã hoàn thành hiệu quả nhiều hoạt động từ cơ chế chính sách đến tổ chức triển khai vào cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TN&MT vẫn còn những tồn tại và khó khăn. Bởi vậy, năm 2019 nhiệm vụ trước mắt Bộ sẽ đưa những chủ trương lớn của Trung ương, Bộ Chính trị vào cuộc sống, phải thể chế hóa các cơ chế, chủ trương đồng thời, tiếp tục đổi mới từ tư duy đến tổ chức thực hiện đối với các lĩnh vực như môi trường, đất đai, khoáng sản…Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, giải quyết những vấn đề mà người dân lo lắng bức xúc. Trong lĩnh vực đất đai sẽ tập trung vào việc kiểm tra quản lý sử dụng đất đai nông lâm trường, huy động nguồn lực giải quyết tốt vấn đề BĐKH…

PV: Năm 2019, Bộ có giải pháp gì để giải quyết vấn đề quan trắc tự động, phòng ngừa ô nhiễm môi trường?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Vấn đề môi trường là vấn đề quan trọng, cần phải được quan tâm và giải quyết. Trong đó, các khu công nghiệp, nơi có nhiều dự án trong cả nước là thách thức lớn nhất.

Hiện nay, chưa thể thống kê một cách đầy đủ để đưa các dự án này vào danh sách có biện pháp kiểm tra. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là tất cả các dự án, doanh nghiệp đều phải chấp hành đúng pháp luật bảo vệ môi trường. Bộ sẽ kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhằm chủ động kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa, không để xảy ra các sự cố môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PV: Vấn đề rác thải nông thôn đang là vấn đề nổi cộm? Bộ trưởng có giải pháp gì để xử lý tình trạng này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đúng là vấn đề chất thải đô thị ở nông thôn Việt Nam đến nay vẫn là vấn đề hết sức nóng. Thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo để xác định rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý rác thải đô thị và nông thôn. Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo Bộ TN&MT xây dựng đề án tăng cường năng lực quản lý và xử lý rác thải đô thị và nông thôn trong cả nước.

Hiện nay, với công nghệ hiện đại cùng với sự đồng bộ của địa phương, người dân và toàn bộ hệ thống chính trị, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được các giải pháp Thủ tướng đã giao.

PV: Năm 2019, Bộ sẽ làm gì để cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trong tất cả các lĩnh vực thì các dịch vụ công liên quan đến người dân là hết sức quan trọng. Một trong những mục tiêu của Chính phủ là phục vụ người dân nên nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) năm 2018 đã được triển khai hết sức quyết liệt, đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Với việc cắt giảm trên 50% các điều kiện kinh doanh liên quan đến các thủ tục đã góp phần vào tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, giảm các chi phí, thời gian.

Năm 2019 Chính phủ tiếp tục xác định CCTTHC thông qua việc sẽ xây dựng Chính phủ điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Toàn ngành chúng tôi đã sẵn sàng việc xây dựng, thực hiện các thủ tục hành chính cấp độ 3 đến cấp độ 4 thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin để giảm các thủ tục không cần thiết cho người dân và doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Bích Liên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực