Tết Nguyên đán của người Việt

Thứ ba, 05/02/2019 20:34
(ĐCSVN) - Câu nói dân gian “Làm cả năm no ba ngày Tết” cho thấy cái Tết Nguyên đán của người Việt quan trọng đến nhường nào. Ở nước ta phong tục Tết trên mỗi vùng miền có khác nhau đôi chút, nhưng đều mang những đặc trưng đó là sắm Tết, lễ Tết, ăn Tết và chơi Tết…

Sắm Tết

Để phục vụ thú chơi Tết người Việt, tại nhiều địa phương lại xuất hiện các chợ phiên mỗi năm chỉ họp một lần như: chợ hoa đào, chợ hoa mai, chợ quất, chợ chữ, chợ đồ cổ… Ngày nay khá nhiều gia đình ngày Tết dùng đồ ngoại như: rượu ngoại, cá cảnh, hoa ngoại... nhưng vẫn không thể thiếu vắng những cành hoa đào, hoa mai, quất cảnh chơi trong nhà, một nét đẹp truyền thống lâu đời trong văn hóa Tết của người Việt.


Những ngày cuối năm, Hà Nội chìm trong giá lạnh những cơn gió Đông cũng là thời điểm phố phường bừng lên sắc màu Tết Nguyên đán.


Từ xa xưa, đất Kinh kỳ luôn là nơi tập trung tinh hoa và tài năng, nên người Hà Nội có tiếng là khéo léo và tinh tế khi mua sắm hay chơi Tết.


Người dân Hà Thành thường hay chọn mua những bình hoa thủy tiên chơi Tết, loài hoa này đặc biệt hơn các loại hoa khác vì có thể chơi được 5 thứ: hoa, mùi thơm, lá, củ và rễ.

Trong thú sắm Tết không thể không nhắc đến thú chơi chữ, từ xa xưa người Việt đã có tục xin chữ đầu năm với mong muốn cho con cái, bản thân thành công trong “sự học”, hay nhìn chữ để tu tâm sửa tính, rèn nết ăn nết ở.

Ăn Tết

Ẩm thực ngày Tết luôn là một nét văn hoá in đậm dấu ấn người Việt, trên mỗi vùng miền đều có những đặc sản, những món ăn truyền thống mang phong vị riêng. Trong mâm cơm Tết người miền Bắc có các món như: bánh chưng xanh, thịt gà, dưa hành muối, nem rán, giò lụa, canh măng nấu với bóng bì hoặc chân giò lợn, miến… Còn người miền Nam thường có bánh tét, củ kiệu muối, thịt kho nước dừa, canh khổ qua nấu tôm. Tết ở miền Trung có món bò nấu thưng, thịt nạc rim và món giò heo, giò heo ướp nghệ tươi giã nát, nấu liu riu mềm, thêm đậu phộng bóc vỏ ăn với xôi trắng. Đặc biệt, mâm cỗ Huế không thể thiếu món tôm chua thịt phay, nem bò lụi, chả tôm, gỏi vả.


Tục gói bánh chưng Tết một phong tục truyền thống lâu đời của người Việt Nam.


Trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình có thói quen tự làm các món ăn ngày Tết, đi chợ chọn những bó lá dong tươi xanh, chọn những hạt gạo nếp, hạt đỗ căng tròn về để gói bánh chưng, bánh tét ăn dịp Tết… 


Trong tâm trí mỗi người dân đất Việt, hình ảnh cả nhà quây quần gói bánh, rồi sum vầy bên bếp lửa hồng nấu bánh Chưng xanh mãi là hình ảnh thân thương về cái Tết Nguyên đán, nhất là đối với những người con sinh sống xa nhà, xa quê hương và người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài.


Mâm cỗ trong Tết Nguyên đán của người dân miền Trung.

Lễ Tết

Từ xa xưa Tết Việt là dịp đoàn tụ gia đình, sum vầy con cháu, đón chào năm mới, còn là dịp thể hiện những phong tục tập quán ngày xuân. Lễ Tết là hoạt động tín ngưỡng có truyền thống lâu đời, phản ánh tinh thần đạo hiếu, coi trọng lễ nghĩa, đạo lý uống nước nhớ nguồn, thành kính với tổ tiên, thần linh của người Việt. Các lễ nghi tùy theo từng thời kỳ, địa phương có khác nhau đôi chút, nhưng các phong tục, lễ nghi chính thì không mấy thay đổi như: cúng ông Công ông Táo, cúng tất niên, cúng giao thừa, tục hái lộc đầu xuân, tục xông đất, lì xì (mừng tuổi),…


Bài trí bàn thờ gia tiên trong dịp Tết Nguyên đán.


Vào 23 tháng Chạp hàng năm, người Việt có tục cúng ông Công ông Táo - tiễn vị thần cai quản chuyện bếp núc mỗi nhà về Trời, với quan niệm Táo Quân lên trời thưa với Ngọc Hoàng về những việc xảy ra trong năm qua dưới trần gian và trong mỗi gia đình.


Nghi thức đưa ông Táo về trời dịp tết ông Công ông Táo.


Ttrong mỗi gia đình dịp Tết Nguyên đán, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên luôn được đặc biệt coi trọng. Bàn thờ ngày Tết luôn là nơi trang trọng nhất,  được bày mâm ngũ quả.


Mâm cơm “tất niên”, bữa cơm ngày cuối năm là thời điểm đầm ấm, gắn kết mọi người ôn chuyện năm cũ, bàn chuyện năm mới,  một nét đẹp trong văn hóa dân tộc giúp giáo dục chữ hiếu, nguồn cội cho con cháu. Bởi vậy trong tiềm thức mỗi người Việt dù ở nơi nào, xứ nào thì mâm cơm ngày Tết luôn có ý nghĩa thiêng liêng với mỗi gia đình.


Mâm cỗ cúng giao thừa, làm vào khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới với ý nghĩa mong muốn một năm mới hạnh phúc, ấm no.


Cùng với lễ Tết, có tục chúc Tết, mừng tuổi, ngày Tết mọi người đến nhà nhau thăm hỏi, chúc Tết. Con cháu chúc ông bà, cha mẹ mạnh khỏe, trường thọ; ông bà, cha mẹ chúc con cháu hiếu thảo, ngoan hiền; bạn bè thì chúc nhau năm mới ăn nên làm ra…

Chơi Tết

Tết Nguyên đán tuy chỉ diễn ra trong ba ngày đầu của tháng Giêng, nhưng trước và sau hàng chục ngày đã diễn ra các hoạt động liên quan đến Tết. Nổi bật trong chơi Tết là thú trảy hội, du xuân. Trong thời khắc chuyển mình của năm mới, vạn vật tốt tươi đất trời giao hòa đâm chồi nảy lộc và nắng ấm, đi lễ chùa hay du xuân là một hoạt động của nhiều gia đình. Nhiều người chọn những ngôi chùa ở xa, nổi tiếng linh thiêng để du xuân kết hợp vãn cảnh chùa, tìm đến sự thanh tao, rũ bỏ phiền muộn năm cũ, hy vọng vào những điều tốt đẹp trong năm mới.

Tháng Giêng cũng là mùa diễn ra các lễ hội trên khắp cả nước. Ở Việt Nam hàng năm có khoảng 8000 lễ hội chủ yếu vào mùa Xuân, diễn ra trong 3 tháng đầu năm. Các lễ hội truyền thống luôn hướng tới sự tôn kính, tưởng nhớ những đấng thiêng liêng như Thần, Phật, hay các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở làng. Hoạt động lễ hội là một bảo tàng sống về văn hoá dân tộc, một cách thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lưu truyền những giá trị văn hóa, lịch sử ngàn năm của người Việt.


Hội làng Yên Lạc một hoạt động gắn kết cộng đồng làng, xã, biểu đạt sâu sắc nét văn hóa, tín ngưỡng của người dân vùng đất cổ Yên Lạc,(Chương Mỹ - Hà Nội).


Hội làng Yên Lạc hàng năm diễn ra vào các ngày 5,6,7 tháng ba (âm lịch), điểm nhấn là Lễ rước truyền thống để tưởng nhớ về vị anh hùng Chu Đạt - nguời đứng lên khởi nghĩa dưới cờ của Hai Bà Trưng chống lại sự xâm lăng của nhà Hán.


Hội rước pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn - Bắc Ninh) diễn ra ngày mùng 4 Tết.


Lễ hội chùa Thầy, xã Sài Sơn (Quốc Oai - Hà Nội) bắt đầu từ tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch, chính hội vào ngày 7-3 âm lịch. Hàng năm có hàng vạn du khách từ khắp nơi về dự hội chùa Thầy. Điểm đến văn hóa tâm linh này gắn với huyền tích về Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 – 1116) - vị thiền sư nổi tiếng của Việt Nam vào thời nhà Lý, người được suy tôn là ông Tổ của nghề múa rối nước.

Đánh cờ người trò chơi giải trí sôi nổi ngày xuân.


.Đấu vật môn thể thao trong các hội đầu Xuân vùng Bắc Bộ, nhiều sới vật đã lưu truyền, tồn tại qua hàng trăm năm. Bên cạnh ý nghĩa mang lại nụ cười sảng khoái ngày Xuân, sới vật biểu đạt tinh thần thượng võ dân tộc, nơi giữ gìn bản sắc văn hóa làng, xã.


Hội kéo mỏ thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu (Đông Anh, Hà Nội).


Nhảy sạp điệu múa dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc, đây là dịp để người dân tụ hội, vui chơi, các chàng trai, cô gái tìm hiểu, giao duyên tạo nên không khí vui tươi, náo nức, phấn khởi trong các lễ hội Xuân.

Thế Dương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực