Đà Nẵng sẽ sớm triển khai hiệu quả mô hình Thành phố Thông minh

Thứ ba, 28/06/2016 19:13
(ĐCSVN) – Năm 2015, TP.Đà Nẵng triển khai xây dựng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế...

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, 
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (ảnh: Đình Tăng)

Đó là báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng với Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng đoàn đến làm việc với lãnh đạo TP.Đà Nẵng về tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh 6 tháng đầu năm 2016 và tình hình triển khai Đề án xây dựng Thành phố Thông minh tại Đà Nẵng vào chiều 28/6/2016.

Báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: Nhờ ứng dụng tốt công nghệ thông tin (CNTT) từ Hệ thống chính quyền điện tử nên thời gian qua, Đà Nẵng đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh ổn định. Đặc biệt, Hệ thống chính quyền điện tử đã đặt nền móng để đưa các ứng dụng CNTT phục vụ rộng rãi công dân, tổ chức và doanh nghiệp, ở vị thế sẵn sàng tiếp tục hoàn thiện để định hướng xây dựng mô hình Thành phố thông minh.

Đến nay, Đà Nẵng đã bước đầu hình thành cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin- truyền thông (CNTT-TT) hiện đại, đặc biệt là hạ tầng truyền dẫn sẵn sàng, thuận lợi cho việc triển khai kết nối các chương trình, dự án xây dựng Thành phố Thông minh. Cùng với đó, Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử bước đầu đem lại hiệu quả, được các tổ chức, cộng đồng hoạt động về CNTT thừa nhận. Trong đó, với mô hình triển khai tập trung, tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam của Bộ TT&TT ban hành, Đà Nẵng đã tạo nhiều thuận lợi trong việc triển khai bổ sung các lớp ứng dụng cho Thành phố Thông minh tích hợp trên Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử.

Đà Nẵng cũng đã xây dựng và đưa vào hoạt động Hệ thống thông tin chính quyền điện tử TP theo mô hình liên thông, tích hợp tại 95 cơ quan, đơn vị, địa phương. Hệ thống này tích hợp các ứng dụng dùng chung, nền tảng như Hệ thống Quản lý văn bản điều hành, Hệ thống Một cửa điện tử, Hệ thống Quản lý cán bộ công chức viên chức, Hệ thống Thư điện tử, Hệ thống Góp ý của công dân...và dễ dàng được mở rộng, bổ sung, tích hợp khi có nhu cầu. Hệ thống hiện đang được vận hành tập trung tại Trung tâm dữ liệu Đà Nẵng tại tên miền egov.danang.gov.vn.

Ngoài ra, hiện Đà Nẵng cũng đã triển khai nhiều dự án thí điểm liên quan đến Thành phố Thông minh, trong đó đáng kể là các dự án bao gồm các chức năng “xây dựng các hệ thống giám sát- phân tích dữ liệu” tiếp tục triển khai chức năng điều khiển và tự động hóa dựa trên dữ liệu phân tích như: Hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình; hệ thống giám sát giao thông trên địa Đà Nẵng: Điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn thành phố (64 nút tín hiệu giao thông, sử dụng phần mềm ADIMOT), vận hành hệ thống Camera quan sát giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (32 nút giao thông, Pronet), điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại 5 nút giao trên tuyến Lê Duẩn (Phần mềm NTSC, dự án JICA), hệ thống giám sát xe ô tô lưu thông qua qua cầu Thuận Phước (Giải pháp của FPT), hệ thống giám sát giao thông tại phía Tây cầu Sông Hàn (CadPro)....

Tuy nhiên, để xây dựng thành công mô hình Thành phố Thông minh, TP Đà Nẵng đã kiến Nghị đến Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương một số vấn đề như: Hỗ trợ TP sớm được tiếp cận vốn vay ODA để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án phát triển CNTT-TT; lựa chọn Đà Nẵng là 1/3 TP được thí điểm xây dựng Thành phố Thông minh hơn theo tinh thần Hội thảo “Đô thị thông minh: thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, triển vọng tại Việt Nam 2016-2030 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 28/8/2015; thiết lập chính sách hỗ trợ để các tập đoàn trong nước lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến xây dựng Thành phố Thông minh hơn để chủ động về công nghệ, tránh phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài; ban hành chính sách cụ thể để thiết lập các tiêu chí kỹ thuật liên quan đến Thành phố Thông minh; huy động, bố trí nguồn lực tài chính và chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực để triển khai xây dựng Thành phố Thông minh; các Bộ ngành có liên quan như Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật về chuyên ngành đảm bảo cho hệ thống được kết nối và chia sẻ dữ liệu, chuẩn bị cho bước phân tích dữ liệu hỗ trợ ra quyết định là một trong những chức năng của Thành phố Thông minh…

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh báo cáo với Đoàn công tác tại buổi làm việc. (ảnh: Đình Tăng)

Trước đó, báo cáo về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh tại Đà Nẵng năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 với Đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã cho biết: Năm 2015, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn TP.Đà Nẵng tăng 9,8% so với năm 2014; 6 tháng đầu năm 2016 ước thực hiện 24.501 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người được nâng lên rõ rệt, đến năm 2015 ước đạt 62,65 triệu đồng, tương đương 2.908 USD, gần bằng 2 lần năm 2010; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng dịch vụ trong  GRDP đạt 62,6%, công nghiệp- xây dựng 35,3% và nông nghiệp 2,1%...

Riêng về định hướng xây dựng mô hình Thành phố Thông minh trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Xuân Anh khẳng định quyết tâm để hoàn thành trong thời gian tới, trước mắt là ưu tiên phát triển mạnh các lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, nguồn nhân lực, hạ tầng CNTT…; đồng thời mong muốn Trung ương tiếp tục có những hỗ trợ, giúp đỡ để địa phương thực hiện.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả về kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh mà Đà Nẵng đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí cho rằng, mặc dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và đất nước nhưng Đà Nẵng giữ được mức tăng trưởng khá so với bình quân của cả nước. Nhiều kết quả đạt được trên các lĩnh vực của TP trong thời gian qua, nhất là các chính sách thu hút đầu tư, an sinh xã hội, thu hút du lịch… tại Đà Nẵng đang là điểm sáng so với cả nước.

Đặc biệt, riêng về tình hình xây dựng Thành phố Thông minh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đây là mô hình đang có xu hướng phát triển mạnh và phổ biến tại các nước phát triển trên thế giới. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chức năng là cơ quan giám sát và phản biện xã hội nên rất quan tâm đến mô hình Thành phố Thông minh. Và Đà Nẵng thực tế thời gian qua đã triển khai và bước đầu tạo nên những thành công bước đầu về mô hình này.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, trước buổi làm việc này, Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ghé thăm Trung tâm hành chính Đà Nẵng, một trong những đơn vị ứng dụng CNTT-TT nổi bật của cả nước. Những thực tiễn mà Đoàn thu được qua chuyến tham quan này chỉ là phần nhỏ để hiểu sâu hơn về mô hình Thành phố Thông minh mà Đà Nẵng đang triển khai.

Đặc biệt, qua báo cáo của Thành ủy và UBND, Sở TT&TT TP.Đà Nẵng về các bước, lộ trình và mô hình triển khai Thành phố Thông minh, Đoàn công tác của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có điều kiện nắm sâu hơn về thành công bước đầu của địa phương, đồng thời có sự nhìn nhận cụ thể hơn về giải pháp, lộ trình để thực hiện mô hình Thành phố Thông minh, làm cơ sở kinh nghiệm thực tiễn cho công tác của ngành sau này.

Dịp này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý với Đà Nẵng về lộ trình và các công việc cần thiết để tiếp tục hoàn thiện mô hình Thành phố Thông minh. Trong đó đồng chí nhấn mạnh đến yêu cầu phải thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Thành phố Thông minh giai đoạn 2020-2025; chú ý làm tốt công tác quy hoạch Thành phố Thông minh và dự báo theo từng mốc thời gian như 6 tháng, 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm…; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các yếu tố tương tác của Thành phố Thông minh như: Dân số, cung cấp nước sạch, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng- nhà ở, thương mại, du lịch, giao thông, môi trường, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và sáng tạo, y tế, đầu tư, trật tự trị an- tội phạm, tăng trưởng kinh tế, bảo hiểm xã hội- bảo hiểm y tế.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Đà Nẵng cần xây dựng cơ sở giữ liệu dùng chung của Thành phố (cho doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý, nhà đàu tư….); Quản lý giao thông, Quản lý môi trường thông minh (chú ý quy hoạch và cập nhật các chỉ số có liên quan 5 năm, 10 năm, 20 năm, 50 năm ….), Chính quyền thông minh và doanh nghiệp thông minh; chính quyền thông minh- công dân thông minh; công dân thông minh- dịch vụ thông minh; nông nghiệp thông minh…. Với những kết quả đã đạt được cùng những kế hoạch triển khai tiếp theo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng Đà Nẵng sẽ sớm triển khai thành công mô hình Thành phố Thông minh, làm cơ sở để các địa phương khác trong cả nước học tập, triển khai sau này./.

Đình Tăng
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực