Hiến pháp 1992: Đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của lịch sử lập hiến Việt Nam

Chủ nhật, 09/09/2012 15:54

(ĐCSVN) - Hai mươi năm định hiến nền tảng chính trị - pháp lý quốc gia, Hiến pháp 1992 đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của lịch sử lập hiến Việt Nam, với những giá trị chính trị - pháp lý và thực tiễn sâu sắc, Hiến pháp đã góp phần to lớn vào thành công của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tiếp sau sự ra đời của Cương lĩnh năm 1991 của Đảng, ngày 15/4/1992, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 được ban hành. Ngày 25/12/2001, Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 của Quốc hội.

Hiến pháp năm 1992 ra đời phản ánh những đòi hỏi cấp thiết của lịch sử. Để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, dần đi vào thế ổn định, phát triển, Đại hội VI của Đảng năm 1986 đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là về kinh tế; với chủ trương nhìn thẳng vào sự thật, khắc phục những sai lầm trong đường lối, chủ trương, chính sách; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sự sáng tạo của nhân dân lao động; nhận thức đúng hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Hai mươi năm định hiến nền tảng chính trị - pháp lý quốc gia, Hiến pháp 1992 đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của lịch sử lập hiến Việt Nam, với những giá trị chính trị - pháp lý và thực tiễn sâu sắc, Hiến pháp đã góp phần to lớn vào thành công của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

1. Giá trị chính trị - pháp lý

Với tính chất nền tảng chính trị - pháp lý của quốc gia, Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện rõ là đạo luật gốc của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp do cơ quan đại diện có thẩm quyền cao nhất của nhân dân là Quốc hội thông qua theo một trình tự, thủ tục đặc biệt và do nhân dân trực tiếp thông qua bằng trưng cầu ý dân, quy định những vấn đề cơ bản, quan trọng nhất của chế độ chính trị, chế độ kinh tế, chính sách văn hóa - xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Nhà nước, thể hiện một cách tập trung nhất, mạnh mẽ nhất ý chí và lợi ích của liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa cầm quyền ở nước ta.

Kế thừa những giá trị ưu việt của các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, Hiến pháp năm 1992 thể hiện được những dấu hiệu đặc trưng tiêu biểu: Do chủ thể đặc biệt thông qua là nhân dân (trưng cầu ý dân) và cơ quan đại diện có thẩm quyền cao nhất của nhân dân - Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nội dung thể hiện rõ tính chất khởi thủy (quyền lập quyền) của một bản hiến pháp - văn bản luật pháp duy nhất quy định tổ chức và thực hiện toàn bộ quyền lực nhà nước (quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp) cho cơ quan nhà nước; Hiến pháp có phạm vi điều chỉnh rộng nhất, mức độ điều chỉnh đang đạt đến tầm khái quát nhất, cô đọng nhất so với các văn bản pháp lý khác; Có hiệu lực pháp lý cao nhất, quy định mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp, không được trái với tinh thần và nội dung của Hiến pháp.

Hiến pháp kế thừa và tuân thủ những nguyên tắc tiến bộ về lập hiến của các nước trên thế giới đã được Hiến pháp năm 1946 lựa chọn. Cụ thể là các nguyên tắc: Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Lời nói đầu thể hiện: “Hiến pháp này quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thể chế hóa mối quan hệ giữa Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam nguyện phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Bản chất giai cấp công nhân, tính chất xã hội và xã hội chủ nghĩa được thể hiện trong Hiến pháp năm 1992. Ra đời trong thời kỳ đấu tranh giai cấp và là sản phẩm trực tiếp của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc lâu dài, bản chất của Hiến pháp đã thể hiện đậm nét ý chí của giai cấp công nhân, với nội dung quy định những điều kiện sinh hoạt vật chất và điều chỉnh những quan hệ xã hội tuân theo một trật tự nhất định phù hợp với lợi ích của giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa. Điều 2, Hiến pháp quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”.

Hiến pháp đã thể hiện tính chất xã hội rộng lớn, phản ánh nhu cầu và lợi ích chung của tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân và của cả quốc gia, dân tộc. Hiến pháp là nền tảng cho sự phát triển chung của toàn xã hội, điều chỉnh các quan hệ xã hội, thể hiện sâu sắc truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Điều 3, Hiến pháp thể hiện: “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân”.

Đối lập với tính chất tư bản chủ nghĩa thường có trong hiến pháp của các nước tư bản, trong mọi nội dung Hiến pháp năm 1992 của nước ta đều thể hiện rõ tính chất xã hội chủ nghĩa. Lợi ích trước tiên mà Hiến pháp bảo vệ là lợi ích của giai cấp vô sản - giai cấp công nhân Việt Nam; tiếp đến là lợi ích giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa và toàn thể nhân dân lao động. Hiến pháp đã khẳng định nền tảng giai cấp của Nhà nước ta là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đặc biệt, Hiến pháp khẳng định và ghi nhận quyền lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội của một chính đảng cộng sản duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam. Ðiều 4 Hiến pháp quy định: “Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đối lập với các hình thức tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc tam quyền phân lập của các nhà nước tư sản, Hiến pháp của nước ta xác định tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc tập quyền. Điều 2 Hiến pháp quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

2. Giá trị thực tiễn

Hiến pháp năm 1992 chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thời kỳ đổi mới toàn diện, sâu sắc về kinh tế, từng bước và vững chắc về chính trị. Điểm nổi bật là chỉ đạo chuyển đổi cơ bản nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung hai thành phần sang kinh tế hàng hóa thị trường nhiều thành phần, xác định sự bình đẳng trước pháp luật của các thành phần kinh tế, khuyến khích đầu tư nước ngoài. Bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được sửa đổi, bổ sung nhiều hơn. Bổ sung nhiều quyền hạn quyết định xây dựng chương trình luật, pháp lệnh, trưng cầu dân ý của Quốc hội, quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước. Sửa đổi thiết chế Nhà nước, Quốc hội; chế định Chính phủ theo quan điểm tập quyền “mềm” - quyền lực Nhà nước tập trung thống nhất có sự phân biệt chức năng giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện lập pháp, hành pháp và tư pháp; tăng nhiều quyền hạn và đề cao vai trò của Thủ tướng trong thành lập Chính phủ. Nhấn mạnh tính đại diện của Hội đồng nhân dân; tăng quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Thiết lập thêm các tòa án kinh tế, lao động, hành chính. Thực hiện chế độ Thẩm phán bổ nhiệm; kết hợp giữa chế độ cử và chế độ bầu Hội thẩm nhân dân. Thành lập thêm các Ủy ban kiểm sát thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (thành phố thuộc Trung ương)…

Hiến pháp năm 1992 vừa đánh dấu sự phục hưng, vừa thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Vào thời điểm Hiến pháp năm 1992 ban hành, đất nước ta chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nhờ có Hiến pháp định hình khuôn khổ hệ thống luật pháp theo tinh thần đổi mới mà chỉ 10 năm sau - năm 2001, Đại hội IX của Đảng đã nhận định: “Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, vượt qua được cơn chấn động chính trị và sự hẫng hụt về thị trường...; phá được thế bị bao vây cấm vận, mở rộng được quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; không để bị cuốn sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế ở một số nước châu Á...; tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định; quốc phòng và an ninh được tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của nước ta đã lớn hơn nhiều”. 20 năm sau - năm 2011, Đại hội XI chỉ rõ: “Chúng ta đã thực hiện thành công chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân có nhiều thay đổi tích cực, sức mạnh quốc gia về mọi mặt được tăng cường, độc lập, tự chủ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong giai đoạn mới”... Những giá trị to lớn đó càng chứng minh, Hiến năm 1992 còn là tấm gương phản chiếu tinh thần đổi mới trong tư tưởng lập hiến và lập pháp của con người Việt Nam.

Hiến pháp 1992 thể hiện sự độc lập và tự chủ trong tiến trình phát triển của nền triết học pháp quyền Việt Nam, một nền triết học pháp quyền thể hiện bản sắc dân tộc. Cũng như hiến pháp các năm 1946, 1959 và 1980, những tư tưởng triết lý về lập hiến trong Hiến pháp năm 1992 do chính những người dân Việt Nam lập nên. Từ tinh thần, nội dung đến các nguyên tắc lập hiến đều của người Việt Nam, do người Việt Nam định đoạt, không chịu sự áp đặt bởi những triết lý lập hiến nào từ bên ngoài. Đặc biệt là kế thừa những nguyên tắc, tư tưởng dân chủ lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” - toàn bộ quyền lực của nhà nước tự nhiên thuộc về nhân dân. Đồng thời, Hiến pháp cũng thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn với tính quốc tế và hiện đại trên cơ sở phát triển và tiếp thu những tinh hoa của văn hóa pháp lý Việt Nam và tinh hoa văn hóa pháp lý thế giới. Những quan điểm, tư tưởng cơ bản, nền tảng về xây dựng hệ thống chính trị, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác - Lênin được thể hiện; những giá trị tiến bộ về xây dựng nhà nước pháp quyền, khẳng định toàn bộ chủ quyền thuộc về nhân dân, giao quyền tổ chức và thực hiện quyền lực nhân dân cho nhà nước, phân công, phối hợp thực hiện quyền lực giữa các cơ quan nhà nước… trong hiến pháp của các nước trên thế giới được chọn lọc, vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với những giá trị chính trị - pháp lý trên đây của Hiến pháp năm 1992 đã phủ định hoàn toàn những quan điểm, tư tưởng sai lầm, phản động, phiến diện đang lợi dụng chủ trương bổ sung, sửa đổi Hiến pháp lần này để tuyên truyền, bịa đặt cho rằng Hiến pháp năm 1992 “không phải là một đạo luật gốc”, “không tuân thủ những nguyên tắc lập hiến”, “chưa phản ánh đầy đủ các quyền công dân” hay “chỉ là hiến pháp bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”… nhằm mục tiêu hiến định một chế độ, một hệ thống chính trị phi xã hội chủ nghĩa, gạt bỏ sự lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ thành quả cách mạng của nhân dân lao động, hướng lái quốc gia, dân tộc theo con đường tư bản chủ nghĩa. Mặt khác, những giá trị thực tiễn toàn diện và to lớn mà Hiến pháp đã đem lại cho đất nước, nhân dân ta trong thời kỳ đổi mới vừa qua là “nền tảng vật chất” vững chắc đập tan những luận điệu phủ nhận tính thực tiễn của một bản hiến pháp luôn nên cao lý tưởng dân quyền, tinh thần độc lập và tự chủ, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh.

Những giá trị cơ bản không thể phủ nhận của Hiến pháp năm 1992 còn tiếp tục hiện diện, tỏa sáng trong đời sống chính trị, tinh thần và pháp lý của người dân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới. Để những giá trị đó được kế thừa và phát huy, bên cạnh việc giữ vững những nguyên tắc, giá trị và truyền thống văn hóa lập hiến trước đây, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 lần này cần có sự thống nhất, tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và của các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp. Mạnh dạn sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, phù hợp với tình hình mới, nhưng phải căn cứ định hướng, nội dung của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đảng, đặc biệt phải bám sát các nội dung đã được văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực