Hội nghị giao ban Thường trực HĐND 6 tỉnh Bắc Trung Bộ

Thứ sáu, 04/08/2017 22:37
(ĐCSVN) - Ngày 4/8, tại Thừa Thiên Huế đã diễn ra Hội nghị giao ban Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) 6 tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 2, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Hội nghị do Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội  và Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức. Tại Hội nghị, Thường trực HĐND 6 tỉnh Bắc Trung bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) sẽ tập trung thảo luận chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giải trình tại các kỳ họp của HĐND và các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh”. Đây là một chủ đề rất được dư luận và cử tri quan tâm nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển cũng như để HĐND các tỉnh trong khu vực trao đổi kinh nghiệm, đưa ra những sáng kiến và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình và giám sát; đồng thời kiến nghị với cấp trên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HDND địa phương trong thời gian tới.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban công tác Đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, qua theo dõi hoạt động của HĐND trong thời gian qua cho thấy, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đã tổ chức, triển khai hoạt động chất vấn, giải trình tại các kỳ họp HĐND và các phiên họp của Thường trực HĐND theo đúng các quy định của pháp luật. Nội dung chất vấn, giải trình tập trung vào các vấn đề liên quan đến cuộc sống an sinh xã hội của người dân, việc thực hiện chính sách pháp luật của các cơ quan nhà nước. Qua chất vấn, giải trình, giúp cho HĐND đưa ra những quyết định quan trọng ở địa phương phù hợp, sát thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân.

Tuy nhiên, cách thức tổ chức hoạt động chất vấn, giải trình có sự khác biệt giữa các địa phương do thực hiện theo quy định mới tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hơn nữa, qua thực tiễn tổ chức kỳ họp HĐND của các địa phương cũng cho thấy số lượng đại biểu tham gia chất vấn chưa nhiều, chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện; nhiều vấn đề chưa được truy đến cùng để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục; nhiều đại biểu còn tâm lý e ngại, nể nang, né tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng chất vấn.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và trao đổi nhiều vấn đề trong hoạt động chất vấn, giải trình tại kỳ họp HĐND và các phiên họp của Thường trực HĐND như: Việc lựa chọn các vấn đề chất vấn tại các phiên, kỳ họp; vai trò của cơ quan tham mưu giúp việc trong việc tập hợp các vấn đề để xuất nội dung chất vấn trực tiếp tại Hội trường; kiến thức và bản lĩnh của các đại biểu HĐND trong việc đặt các câu hỏi chất vấn; phương pháp điều hành của Chủ tọa kỳ họp tác động đến không khí và hiệu quả phiên họp chất vấn; việc mời người tham gia trả lời chất vấn phù hợp với các nội dung, phạm vi chất vấn liên quan đến nhiều cơ quan, chủ thể…

Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động chất vấn nhằm thu hút được sự tham gia của tất cả các đại biểu, nhất là các đại biểu kiêm nhiệm; nâng cao sự nghiêm túc, dám chịu trách nhiệm của người bị chất vấn và sự quan tâm của đông đảo cử tri cũng như việc giám sát, theo dõi việc giải quyết các vấn đề sau chất vấn, giải trình (hậu giám sát); các biện pháp, chế tài đối với các vấn đề đã chất vấn, yêu cầu giải trình nhưng chưa được giải quyết; việc đào tạo, bồi dường nâng cao kỹ năng tham gia chất vấn, giải trình của đại biểu HĐND...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giải trình tại các kỳ họp của HĐND và các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh” và các ý kiến thảo luận với nhiều ý kiến cụ thể, tâm huyết cũng như những sáng kiến và đề xuất cụ thể, thiết thực của các đại biểu tại hội nghị.

Quang cảnh tại Hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh, hoạt động chất vấn và giải trình là công cụ giám sát trực tiếp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. "Vì vậy, đề nghị HĐND và Thường trực HĐND các địa phương cần lựa chọn đúng vấn đề để đại biểu HĐND chất vấn tại kỳ họp HĐND. Các nội dung chất vấn, các vấn đề giải trình phải là vấn đề bức xúc, có tính thời sự, liên quan trực tiếp đến đời sống an sinh xã hội, sự phát triển kinh tế và việc thực hiện các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước được cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm".

"Khi xem xét lựa chọn một vấn đề chất vấn, giải trình cần phải xem xét đến các điều kiện khách quan, chủ quan tác động đến hiệu quả việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của đối tượng được yêu cầu trả lời chất vấn và giải trình, để từ đó các đại biểu HĐND đặt câu hỏi đúng trọng tâm, người trả lời chất vấn và giải trình đúng vấn đề. Mỗi câu hỏi là một vấn đề được gợi mở, được tháo gỡ, đi đến cùng sự việc, chứ không “truy đến cùng” để mỗi câu hỏi trả lời là một phương án, một kế hoạch cụ thể nhằm giải quyết một cách trọn vẹn, không vòng vo, né tránh. Chỉ khi có sự hợp tác và thông suốt về mục đích của hoạt động chất vấn, giải trình thì HĐND và các cơ quan chịu sự giám sát của HĐND sẽ trở thành một khối thống nhất, cùng chung mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội ở địa phương" - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ.

Kết thúc Hội nghị, Thường trực HĐND các tỉnh đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ và chuyển giao đơn vị đăng cai Hội nghị giao ban thường trực HĐND 6 tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 3 năm 2018 tại tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó, vào chiều ngày 3/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đến dâng hương, dâng hoa tại Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền và thăm, tặng quà một số gia đình chính sách trên địa bàn xã Quảng Thọ.

Tin, ảnh: Phạm Hướng
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực