“Phí có biên lai là 1, nhưng chi phí ngoài là 8,9,10"

Thứ hai, 20/03/2017 20:00
(ĐCSVN) – Chiều ngày 20/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật quản lý ngoại thương.

Bổ sung điều kiện áp dụng chống bán phá giá

Báo cáo giải trình tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết:  Về các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương (Chương VI), có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển ngoại thương trong dự án Luật. Cần phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương để thúc đẩy xúc tiến thương mại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung một khoản mới quy định các hoạt động phát triển ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại (khoản 2 Điều 108), trong đó quy định các hoạt động xúc tiến thương mại của chính quyền địa phương (điểm b khoản 2 Điều 108).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý 

Dự án Luật quản lý ngoại thương. (Ảnh: TTXVN).

Liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại (Chương IV), có ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện áp dụng chống bán phá giá, chống trợ cấp là ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung tại Điều 81 và Điều 89 của dự thảo Luật.

Theo đó, dự thảo Luật quy định biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi có đủ các điều kiện: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này; Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại hoặc bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hoá bị xác định bán phá giá quy định tại điểm a khoản này và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định tại điểm b khoản này.


Biên lai ghi 1, nhưng chi phí ngoài là 10

Về quản lý theo giấy phép, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 29 đến Điều 32), một số ý kiến cho rằng trong khi mục tiêu của luật là cải cách thủ tục hành chính thì dự thảo Luật quy định khoảng 10  loại giấy phép là không hợp lý, đề nghị cần rà soát giảm bớt giấy phép, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, hạn chế “xin - cho”.

Giải trình về vấn đề này, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết: Dự thảo Luật đang quy định giao Chính phủ quy định cụ thể các thủ tục hành chính. Tại Điều 29 của dự thảo Luật đã nêu rõ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có thể được quản lý theo giấy phép hoặc theo điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu, nhập khẩu mà không kèm theo yêu cầu về cấp giấy phép. Hàng hóa phải thực hiện quản lý xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép là các loại hàng hóa phải đáp ứng một số các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng và các loại giấy tờ, hồ sơ khác, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận, cho phép bằng văn bản việc đáp ứng đủ điều kiện nhập khẩu, xuất khẩu.

Về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, Điều 30 của dự thảo Luật đã nêu rõ nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan quản lý nhà nước, của thương nhân và phải tuân thủ hình thức, trình tự, thủ tục và thời hạn cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu theo Quy chế của Thủ tướng Chính phủ ban hành (khoản 2 Điều 32). Hoạt động quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo điều kiện khi việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đó có liên quan đến lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Như vậy, trên cơ sở các nguyên tắc nói trên, khoản 1 Điều 32 của dự thảo Luật quy định giao Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó có quy định giấy phép, điều kiện nào gắn với hàng hóa nào, phương thức điều hành (cấp giấy phép, không cần giấy phép…) và các văn bản pháp luật có liên quan quy định các giấy phép, điều kiện đó; các điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu  được giao các bộ, cơ quan ngang bộ công bố công khai (khoản 3 Điều 32).

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho hay: Trên thực tế tiếp xúc với doanh nghiệp (DN) người ta phàn nàn và kêu ca 2 việc. Việc thứ nhất đó là thủ tục giấy tờ, “giấy cha, giấy mẹ, giấy con”. Trong dự thảo lần này đã cải cách theo hướng đơn giản nhất nhưng  DN vẫn còn kêu ca. Cùng với đó, DN cũng kêu về kiểm soát hàng hóa và họ kiến nghị phí và lệ phí của các DN đôi khi còn quá tải. Hết phí đường bộ rồi phí bến bãi, điển hình nhất là tại Hải Phòng. Tuy nhiên, ngoài những khoản hợp pháp này, các khoản khác không trong luật gây áp lực cho DN và những khoản phí không có biên lai biến tướng gây mất hiệu lực của luật. “Phí có biên lai là 1, nhưng chi phí ngoài là 8,9,10 khiến cho người dân mất niềm tin vào luật pháp của chúng ta”, ông Việt trăn trở…

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đảm bảo tính tương thích của dự thảo Luật với các luật khác./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực