Bình Thuận: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Thứ sáu, 20/01/2017 17:50
(ĐCSVN) - Trong năm 2016, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bình Thuận đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo được chuyển biến trên nhiều mặt.
Buổi họp giao ban của Tỉnh ủy Bình Thuận về triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập các đoàn tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại 08 địa phương, đơn vị; chỉ đạo và tổ chức Hội nghị tiếp tục quán triệt Chỉ thị 15-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng; tổ chức tốt việc bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên trách các cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh.

Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, tồn đọng kéo dài, những vụ án dư luận quan tâm được tập trung chỉ đạo giải quyết và xử lý nghiêm. Toàn tỉnh đã xử lý xong 12/17 vụ, đạt 70,9%, đang tiếp tục xử lý 05 vụ; thu hồi tài sản đạt 54,7%. Tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh từng bước được kiềm chế. Số vụ mới phát hiện giảm đáng kể so với năm trước (giảm 10 vụ); thu hồi tài sản tăng 26 ,63% so với cùng kỳ.

Hoạt động của các cơ quan khối nội chính trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục phát huy hiệu quả và đi vào chiều sâu. Việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan khối nội chính và Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng tốt hơn. Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục phát huy tốt chức trách, nhiệm vụ được giao trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng nhìn chung vẫn còn hạn chế: Một số cấp ủy, người đứng đầu sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập chưa tập trung cho công tác chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tham nhũng, còn để xảy ra một số sai phạm trong thu - chi tài chính, quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra; việc triển khai một số chủ trương và xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực còn chậm so với yêu cầu chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng ở cấp huyện trong xử lý án có vụ chưa chặt chẽ, kịp thời. Một bộ phận đảng viên, công chức thiếu tu dưỡng rèn luyện, có hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu, tiêu cực làm giảm sút niềm tin của nhân dân và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.


Năm 2017, công tác phòng, chống tham nhũng tại Bình Thuận được xác định với những nhiệm vụ trọng tâm, đó là:
 Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện quan điểm, chủ trương, giải pháp của Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhất là Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị, nhằm ngăn chặn, kiềm chế và từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong từng lĩnh vực, trên từng địa bàn, tập trung các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Tiến hành đồng thời các biện pháp “phòng” và “chống” tham nhũng, lãng phí; trọng tâm là chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa; lấy việc nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực làm khâu đột phá; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử và xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, thường xuyên tự kiểm tra nội bộ để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực có thể xảy ra trong từng cơ quan, đơn vị.

Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng gắn với thực hiện nghiêm túc thực chất quy chế dân chủ cơ sở; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; thực hiện cải cách hành chính, trước hết là cải cách thủ tục hành chính đạt chất lượng hiệu quả cao; làm tốt công tác kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập, thực hiện tốt việc công khai tài sản, thu nhập trong các cấp ủy và chi bộ; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, tập trung vào những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao; kiên quyết và kịp thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức để xảy ra tham nhũng.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo kế hoạch và đột xuất. Thực hiện tốt chương trình thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2017; tập trung các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Quản lý tài chính, ngân sách, quản lý các quỹ, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý các dự án, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản, công tác cán bộ. Thường xuyên tự kiểm tra nội bộ để ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng, lãng phí. 

Các cấp, các ngành rà soát, chấn chỉnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra kinh tế - xã hội; thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chấn chỉnh công tác thanh tra nói chung và thanh tra tài chính nói riêng; bảo đảm các vụ việc có dấu hiệu phạm pháp hình sự phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, không để kéo dài, quá thời hiệu.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp, các cơ quan thông tin truyền thông, báo, đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn những hành vi tham nhũng, lãng phí; tham gia giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; động viên, cổ vũ những nơi làm tốt, những tấm gương tốt, tích cực góp phần thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm đạt hiệu quả./.

Tô Thành Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực