Chống tham nhũng vẫn còn nhiều khó khăn

Thứ tư, 02/06/2010 17:50

 

 Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trả lời phỏng vấn báo chí

Đã có nhiều khó khăn được các nhà tài trợ (NTT) chỉ ra tại Hội nghị Đối thoại Phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 7 giữa Việt Nam và các NTT diễn ra tại Hà Nội vào cuối tuần qua.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Trần Quang Quý cho biết, hiện tại Bộ GD&ĐT đang quản lý gần 40.000 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học với hơn 1 triệu cán bộ, giáo viên và 23 triệu học sinh, sinh viên. Thế nhưng, hầu hết các lĩnh vực đều xảy ra tình trạng tham nhũng. Đó là hiện tượng giáo viên tự ý cắt giảm chương trình chính khóa theo quy định để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh phải học thêm để vụ lợi; gian lận hồ sơ, tiêu cực trong việc tuyển sinh trái tuyến, tự ý đặt ra các khoản thu đầu năm, đầu cấp ngoài quy định, mượn danh nghĩa hội cha mẹ học sinh và gây quỹ các đoàn thể để ép buộc các bậc cha mẹ học sinh đóng góp, mua bán bằng, mua điểm, mua bán chứng chỉ...

Để khắc phục thực trạng này, Bộ GD&ĐT đã đề xuất một loạt giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó, từ nay đến năm 2011, toàn ngành sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình ở tất cả các khâu trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân.

Chia sẻ những khó khăn của Việt Nam trong cuộc chiến CTN, đại diện các NTT đã chỉ ra nhiều nguyên nhân đồng thời hiến nhiều kế sách thiết thực. Theo đại diện NTT Đan Mạch, giải quyết vấn đề lương cho cán bộ, giáo viên chính là một nút gỡ quan trọng trong toàn bộ bài toán khó về tham nhũng của ngành Giáo dục.

Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhấn mạnh, tham nhũng là một trong những rào cản đối với phát triển và giáo dục - được cho là ngành dễ bị tổn thương trước những hành vi tham nhũng. Ở Việt Nam, ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục chiếm tỷ lệ cao, thế nhưng, phần lớn ngân sách giáo dục được chi tiêu theo các khoản nhỏ và ở nhiều đơn vị. Và, do hệ thống kế toán và giám sát của các đơn vị này còn yếu nên cơ hội dẫn đến tham nhũng thường lớn hơn.

Nhiều đại biểu đề xuất giải pháp nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động giáo dục như: Xóa bỏ các cách tiếp cận mang tính hình thức; giảm bớt những tác nhân và cơ hội dẫn đến tham nhũng; cơ chế khiếu nại phải gắn với cơ chế truy tố, xét xử nghiêm minh đối với các đối tượng vi phạm; sự tham gia của xã hội dân sự, giới truyền thông trong việc giám sát và nâng cao nhận thức…

Tại hội nghị, Việt Nam đã thông tin tới các NTT về những tiến triển trong công tác PCTN nói chung từ sau cuộc Đối thoại PCTN lần thứ 6 (12/2009). Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN Vũ Tiến Chiến khẳng định, từ cuộc Đối thoại lần thứ 6 đến nay, công tác PCTN tại Việt Nam đã đạt được những bước đi quan trọng. 100% các bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia PCTN và từng bước tổ chức triển khai thực hiện. Thanh tra Chính phủ đã ban hành 5 kết luận thanh tra. Qua thanh tra, phát hiện 1.266,6 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 929,36 tỷ đồng, loại khỏi giá trị quyết toán 1.189,5 triệu đồng, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền 294,8 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2010 các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã phát hiện và xử lý 236 vụ án về tham nhũng. Trong đó, tiến hành khởi tố 65 vụ, truy tố 95 vụ và đưa ra xét xử 76 vụ việc. Đáng chú ý, cơ quan điều tra đã phát hiện và khởi tố nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng như: Vụ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Cty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific; vụ nhận hối lộ của Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam.

Mặc dù con số từ báo cáo là tích cực, nhưng các NTT vẫn bày tỏ sự quan ngại về nỗ lực PCTN tại Việt Nam thời gian qua. “Tôi tin đã đến lúc Việt Nam phải hiện thực hóa những cam kết chính trị của mình trong thực tiễn. Hàng năm, tham nhũng đã làm Việt Nam mất đi khoảng 1 - 2% tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, những cam kết mới chỉ được thực hiện trên giấy tờ”, Đại sứ Thụy Điển Rolf Berman nhấn mạnh. Đại diện Đan Mạch thì bày tỏ sự nghi ngại khi đặt câu hỏi: “Tham nhũng ở Việt Nam đã thực sự giảm được hay chưa?”. NTT này nêu rõ: “Nếu lấy thước đo là chỉ số minh bạch năm 2004 và so sánh với kết quả khảo sát năm ngoái về tình hình tham nhũng tại Việt Nam thì tôi nhận thấy không có sự tiến triển nhiều. Tham nhũng vẫn còn tồn tại ở rất nhiều các cơ quan chính quyền. Nếu hỏi người dân thì sẽ thấy rằng tham nhũng chưa giảm mà thậm chí còn tăng”.

Trả lời các NTT cũng như báo chí liên quan đến vấn đề này, Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền nêu rõ: “Ai cũng nói được tiêu cực còn nhiều nhưng chỉ ra được hành vi nào, ai, người nào vi phạm lại ít”. Tổng Thanh tra cũng cho rằng, CTN mà đụng chạm đến lợi ích bản thân thì rất ít người đủ dũng cảm để đứng lên đấu tranh. Do đó, về mặt chính sách, Thanh tra Chính phủ đang giúp Chính phủ xây dựng cơ chế khuyến khích những người dám đứng ra tố cáo tham nhũng. Đồng thời, hợp tác với các cơ quan chức năng và quan trọng hơn là dám đương đầu với những hành vi này để bảo vệ lẽ phải. Tuy nhiên, Tổng Thanh tra lưu ý, công việc này không thể đòi hỏi làm một sớm một chiều mà cần cả quá trình. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế bảo vệ người tố cáo nói chung. Tổng Thanh tra cũng bày tỏ sự trân trọng đối với những ý kiến bình luận, sáng kiến của các cơ quan, tổ chức, nhất là một số giải pháp đã và đang được thực hiện tại Việt Nam.

Kết thúc cuộc Đối thoại, cộng đồng các NTT và các đối tác phát triển đều khẳng định lại cam kết sẽ tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam trong công tác PCTN. Đối thoại lần này sẽ góp phần đáng kể vào thành công của Hội nghị Nhóm tư vấn các NTT cho Việt Nam diễn ra vào 9 - 10/6 tới đây. Đồng thời, góp phần củng cố, nâng cao tình hữu nghị và sự hợp tác của Việt Nam với cộng đồng các NTT và các đối tác phát triển.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực