Maroc: Công khai thủ tục hành chính để chống tham nhũng

Chủ nhật, 23/05/2010 15:28

 

 Ảnh minh họa

Ngày 19/5, ông Mohamed Saad Alami, Bộ trưởng phụ trách Hiện đại hóa lĩnh vực hành chính công cho biết, Chính phủ Maroc đã thông qua quy định về thủ tục hành chính công, theo đó, tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước đều phải thực hiện việc công khai các thủ tục hành chính. Quy định này nằm trong khuổn khổ Chương trình Quốc gia về chống tham nhũng của Maroc.

Quy định này cũng bắt buộc các cơ quan hành chính Nhà nước phải thực hiện giao dịch hành chính điện tử để liên tục tiếp nhận những thông tin từ người dân liên quan đến các thủ tục hành chính. Bộ trưởng Saad Alami cho biết, đây là bước đệm để đưa vào áp dụng và phát triển chương trình Chính phủ điện tử. Điều này sẽ giúp cho mọi công dân và người dùng internet có thể truy cập dễ dàng những thông tin mà họ cần biết về các thủ tục hành chính. Việc này càng minh bạch, càng phổ cập với người dân bao nhiêu thì hiện tượng "sách nhiễu" sẽ càng giảm bớt đi bấy nhiêu.

Chính phủ Maroc khẳng định tầm quan trọng không thể thiếu được trong việc đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, dữ liệu và các văn bản cần thiết. Điều này sẽ cải thiện mối quan hệ công dân - Chính phủ, thể hiện sự minh bạch trong quá trình điều hành, quản lý của Chính phủ. Bộ trưởng Saad Alami nhấn mạnh, việc tiếp cận thông tin, như công ước quốc tế quy định, là một quyền cơ bản của con người. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi một xã hội dân chủ thực hiện nghiêm túc tính minh bạch và quyền tiếp cận thông tin một cách rõ ràng. Đây cũng được coi là nền tảng vững chắc của một Chính phủ quản lý và điều hành tốt.

Trước đó, trong phiên họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Maroc đã trình bày một bản báo cáo, trong đó nhấn mạnh tính cần thiết của dự luật mở rộng quyền tiếp cận thông tin của công dân. Trong thời gian tới, hầu hết các bộ, ngành trung ương sẽ phải ứng dụng Chính phủ điện tử trong giải quyết công việc hàng ngày. Bước đầu sẽ thực hiện thí điểm tại Bộ Tư pháp để người dân có thể dễ dàng tra cứu những văn bản dữ liệu đăng ký và thành lập công ty, cung cấp cho người dân những dịch vụ liên quan đến tư pháp, công bố chi tiết những bộ luật khác nhau cũng như những thủ tục pháp lý liên quan…

Tiếp đó, Bộ Kinh tế và Tài chính cũng sẽ triển khai ứng dụng Chính phủ điện tử để cung cấp rộng rãi những thông tin, tài liệu liên quan đến lĩnh vực tài chính như chính sách thuế, hải quan hay những quyền và nghĩa vụ khác liên quan đến lĩnh vực này. Khi việc ứng dụng Chính phủ điện tử được triển khai rộng rãi tại tất cả các bộ ngành, người dân Maroc sẽ được tiếp cận tới tất cả những văn bản, nghị định, thông tư… mới nhất của Chính phủ, của các bộ, ngành cũng như tra cứu mọi dữ liệu được đăng tải trên Công báo Maroc từ năm 1913 tới nay. Tất cả những trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, của Chính phủ sẽ được Ban Thư ký tổng hợp Chính phủ thu thập đầy đủ cũng như kết nối trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử của Chính phủ là www.service-public.ma.

Để quá trình công khai minh bạch các thủ tục hành chính, tiến tới hoàn thiện một Chính phủ điện tử, Thủ tướng Maroc đã đồng ý thành lập một nhóm giám sát gồm 40 người, với nhiệm kỳ 4 năm, đại diện cho tất cả các bộ, ngành, tổ chức nghề nghiệp, đoàn thể hoặc các hiệp hội. Những giám sát viên này sẽ phối hợp giám sát, theo dõi để các cơ quan Nhà nước thực hiện nghiêm những quy định về công khai thủ tục hành chính công mà Chính phủ vừa đưa ra.

Bên cạnh đó, theo đề nghị của Bộ trưởng Saad Alami, một đường dây nóng được thiết lập ngay lập tức để tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp của người dân. Số điện thoại của đường dây nóng này (+212 (0) 80 100 76 76) không chỉ phục vụ tiếp nhận thông tin tố giác những hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu do người dân Maroc cung cấp, mà còn là một cầu nối với thế giới trong việc tiếp nhận thông tin về những hành vi hối lộ, tham nhũng của các công ty nước ngoài hoạt động tại Maroc.

Với những quy định, kế hoạch cụ thể này, Chính phủ Maroc đang cố gắng đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, vốn đang làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của Maroc, cũng như làm giảm uy tín của nước này trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc công khai các thủ tục hành chính công được Chính phủ hy vọng là bước tiến hiệu quả đầu tiên trong cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực