Xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc: Dù khó vẫn phải làm

Thứ năm, 31/05/2018 19:22
(ĐCSVN) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) hết sức quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội; do đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm vừa nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, vừa khắc phục được những hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật.

Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo đó, nhiều đại biểu quan tâm đến quy định về xử lý tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc; thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong thanh tra, kiểm tra về công tác phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập...

 

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) phát biểu. (Ảnh: VA)

 

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP. Đà Nẵng) đánh giá, Luật sửa đổi lần này đã có sự đột phá khi quy định xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý. Theo đại biểu, bản chất là tài sản không rõ nguồn gốc. Đây là nỗ lực chính trị rất cao trong phòng, chống tham nhũng; là biện pháp để làm lành mạnh hoá quan hệ trong đời sống xã hội.

 

Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án để xử lý thể hiện nỗ lực trong việc thu hồi tài sản bất minh. Cá nhân đại biểu Nguyễn Bá Sơn đồng tình với phương án thứ 2, xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên mạnh dạn lựa chọn 1 phương án, tập trung đi sâu kiện toàn các điều khoản để được thực thi một cách chặt chẽ.

 

Cùng bàn về vấn đề này, đại biểu Mai Khanh (tỉnh Ninh Bình) không đồng tình phương án nào vì đều chưa thoả đáng. Quy định này có thể dẫn đến “giả dối mới” trong kê khai tài sản. Việc hình thành tài sản có nhiều nguồn gốc, mà chúng ta không thể kiểm soát được. Có tài sản người ta không muốn kê khai sẽ được “đẩy” sang khu vực không phải kê khai như dưới dạng quà biếu, tặng, cho tài sản, thừa kế tài sản; sẽ nảy sinh trong xã hội tình trạng “che giấu tài sản”. Đại biểu cho rằng, khi chưa tìm ra được phương án mới hiệu quả hơn để kiểm soát tài sản thì Ban soạn thảo cần suy nghĩ thêm.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Pha (tỉnh Nam Định) cho rằng, việc xử lý nguồn gốc tài sản không giải trình được, dù khó vẫn phải làm. “Luật này không phải là “cây gậy thần” để chống tham nhũng, để hạn chế tham nhũng. Theo tôi, phải có lộ trình nhanh hạn chế tiền mặt, tiến tới quy định rõ từ bao nhiêu tiền trở lên là không được dùng tiền mặt. Một khi mà tất cả các thanh toán đều bằng con đường qua tài khoản thì kiểm soát tham nhũng dễ dàng hơn”- đại biểu Nguyễn Văn Pha đề xuất.

 

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Pha cho ý kiến nên thành lập một cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập sẽ không làm tăng biên chế vì sẽ bao gồm nhân lực từ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ. Cơ quan này nên để Quốc hội quản lý.

 

Theo đại biểu Bùi Quốc Phòng (TP. Hải Phòng), việc xử lý tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình hợp lý thì hiện nay chưa có quy định xử lý, trong khi đây là loại tài sản tiềm ẩn tham nhũng. Do đó, cần có quy định xử lý loại tài sản này. Tuy nhiên, theo đại biểu, vấn đề này còn liên quan tới quyền sở hữu tài sản, quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định thì phải thận trọng trong xử lý loại tài sản này, để bảo đảm quyền tài sản chính đáng của người kê khai. Đại biểu Bùi Quốc Phòng đồng ý với dự thảo Luật nhưng cần quy định rõ tiêu chí để căn cứ xác định trong trường hợp nào là giải trình không hợp lý, qua đó tránh áp dụng một cách tùy tiện.

 

Đại biểu Quàng Văn Hương (tỉnh Sơn La) đồng tình phương án mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với mọi cán bộ, công chức và với viên chức giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên khi lần đầu được tuyển dụng, bổ nhiệm vào làm việc tại cơ quan, vì đây đều là đối tượng hưởng ngân sách nhà nước, nên tất cả đều có nghĩa vụ phải kê khai. Đây là một bước đi cần thiết để hình thành đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia về bản kê khai, qua đó giúp kiểm soát có hiệu quả những biến động về tài sản, thu nhập của họ khi thuộc diện phải kê khai hằng năm.

 

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (TP. Hải Phòng) cũng tán thành với dự thảo Luật là mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản lần đầu, thu nhập lần đầu đối với mọi cán bộ công chức, viên chức theo hướng thu hẹp đối tượng kê khai hằng năm và kê khai lại. Mở rộng đối tượng kê khai tài sản nhưng phải phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) của Đảng là tất cả các cán bộ công chức, đảng viên phải kê khai tài sản.

 

"Thời gian qua, việc kê khai tài sản ở phạm vi rộng như vậy, đối với phó phòng cấp huyện trở lên, lượng kê khai lớn thì không quản lý, kiểm soát được, nên trở thành hình thức. Vì vậy, nếu mở rộng đối tượng kê khai lần đầu và không xác minh được tài sản thu nhập của họ, không kiểm soát được thì xảy ra tình trạng kê khai không nghiêm, trong khi chúng ta đang tinh giản biên chế thì thành lập cơ quan kiểm soát vấn đề này sẽ khó khăn, do đó phải cân nhắc vấn đề này" - đại biểu đề xuất.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (TP. Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo Luật lần này vẫn chưa đáp ứng được trên điều kiện thực tế, một khi chưa kiểm soát được thu nhập của người dân, nhất là khi giao dịch tiền mặt vẫn còn khá phổ biến. Chúng ta phải vượt qua cơ chế xin – cho. Một khi vẫn tồn tại cơ chế xin – cho thì tình trạng tham nhũng vẫn còn xảy ra.

 

Nhiều đại biểu tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước vì cho rằng, trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng khu vực nhà nước...

 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong khi chúng ta còn chưa làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước thì trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, mà tập trung nguồn lực làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng khu vực nhà nước. Đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ ở khu vực ngoài nhà nước nếu đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực