Quảng Nam: Chìa khóa thành công trong xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Thứ tư, 08/02/2017 11:15
(ĐCSVN) - Một trong những tiêu chí quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là xây dựng hạ tầng thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Đây là hạng mục khó thực hiện đối với không ít địa phương. Tuy nhiên, với cách làm của mình là công khai tài chính, công khai hạng mục đầu tư và tăng cường giám sát cộng đồng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã tìm ra được chìa khóa tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Nhờ sự đồng thuận đó người dân đã tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng, nhường đất đai để xây dựng hoàn thiện thiết chế văn hóa ở cơ sở. Mô hình minh bạch tài chính và giám sát cộng đồng ở thôn 4 Châu Bí, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là một điển hình.

Nhà sinh hoạt cộng đồng trước đây của thôn 4 Châu Bí, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là ngôi nhà cấp 4. Do sử dụng đã lâu nên công trình xuống cấp và không đáp ứng được tiêu chí nông thôn mới. Công trình cần thay thế phải là nhà văn hóa kết hợp khu thể thao. Khi đưa ra bàn bạc, bà con thôn 4 Châu Bí còn cho rằng nơi đây là vùng trũng thấp nhất của xã nên đề nghị khi xây dựng công trình không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa thể thao mà còn phải đảm bảo làm nơi tránh trú cho người dân mỗi khi có bão lũ. Yêu cầu đó khiến cho tổng vốn đầu tư tăng thêm trên 250 triệu đồng, nâng tổng đầu tư của công trình lên gần 800 triệu đồng.

Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Châu Bí, xã Điện Tiến – một trong những công trình  công cộng ở thị xã Điện Bàn
 được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Để đáp ứng nguồn kinh phí tăng thêm, sau khi bàn bạc, người dân trong thôn đồng tình đóng góp mỗi hộ 1 triệu đồng, lãnh đạo thôn cũng viết thư kêu gọi những người con quê hương sinh sống và làm ăn nơi xa đóng góp thêm. Đặc biệt, ban phát triển thôn 4 Châu Bí mời những người thợ tại địa phương có tay nghề trực tiếp tham gia thi công công trình để đảm bảo chất lượng, vừa là người giám sát việc chi phí đầu tư. Công trình sẽ được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Ông Nguyễn Văn Chung, người dân thôn 4 Châu Bí, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn phấn khởi nói: Đây là công trình mang tính chất cộng đồng, bộ mặt của nông thôn mới. Để có đủ nguồn kinh phí xây dựng, mỗi hộ gia đình trong thôn tự nguyện đóng góp thêm 1 triệu đồng. Điều quan trọng nhất là toàn bộ kinh phí Nhà nước đầu tư cũng như của nhân dân đóng góp được đầu tư mua vật tư loại gì, mua bao nhiêu và mua để đầu tư xây dựng hạng mục nào của công trình đều được công khai cụ thể trong toàn thôn. Nhờ nguồn tài chính công khai minh bạch nên bà con ai cũng đồng tình hưởng ứng.

Là người dân trong thôn cũng đồng thời là thợ tham gia xây dựng Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng thôn 4 Châu Bí, xã Điện Tiến, anh Phan Văn Tám chia sẻ: Được sự đồng thuận đóng góp kinh phí của bà con, nhà văn hóa được xây dựng khá khang trang để làm nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi vui chơi cho trẻ em và làm nơi trú ẩn khi gió bão nên bà con ai cũng đồng tình. Anh em thợ xây chúng tôi thường xuyên nhắc nhở nhau cố gắng xây dựng công trình vừa đảm bảo mỹ thuật, đảm bảo kỹ thuật, xây đúng, xây đủ khối lượng để công trình có tuổi thọ dài lâu, đáp ứng được sự tin tưởng của bà con.

Nhờ minh bạch hóa trong chi tiêu nên Ban phát triển thôn 4 Châu Bí không những huy động có hiệu quả nguồn kinh phí đóng góp của người dân trong thôn mà còn huy động được cả sự tham gia của nhiều người con quê hương đang làm ăn ở nơi xa. Ông Hồ Văn Tiên tuy đã ngoài 80 tuổi vẫn tự nguyện ủng hộ một triệu đồng và thuyết phục 2 người con trai làm ăn nơi xa gửi về đóng góp tổng cộng 15 triệu đồng để xây dựng Nhà sinh hoạt cộng đồng. Gia đình có đất giáp với khu văn hóa - thể thao cũng sẵn lòng nhượng lại 280m2 đất để đạt yêu cầu về diện tích.

Nhìn công trình Nhà sinh hoạt cộng đồng bề thế, vững chãi, ông Hồ Công Kim - Bí thư Chi bộ thôn 4 Châu Bí, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn bộc bạch: Xây dựng nhà văn hóa nhưng vì địa bàn thôn 4 Châu Bí là vùng thấp, thường xuyên bị ngập lụt nên bà con trong thôn chúng tôi quyết định xây nhà 2 tầng để vừa làm nơi sinh hoạt, vui chơi thể thao, vừa làm nơi tránh trú mưa bão cho bà con trong thôn. Tổng số tiền đầu tư cho công trình này lên đến gần 800 triệu đồng, trong đó bà con trong thôn đóng góp 250 triệu đồng. Nếu không có sự đồng thuận đồng lòng thì không dễ chi huy động được số tiền lớn như vậy. 

Thị xã Điện Bàn có 13 xã xây dựng nông thôn mới với tổng cộng 142 thôn. Để xây dựng các thiết chế văn hóa ở nông thôn, thị xã Điện Bàn đã cùng với các địa phương triển khai chặt chẽ công tác quy hoạch, việc xây dựng công trình nhà văn hóa phải đảm bảo kiên cố, kết hợp làm nơi tránh trú bão lụt và làm nơi hoạt động thể dục thể thao cho người dân. Đến nay tất cả 142 thôn của Điện Bàn đều đã cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng thiết chế văn hóa này. Bình quân mỗi công trình có vốn đầu tư trên 500 triệu đồng từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, chưa kể ở mỗi thôn bà con còn đóng góp hàng trăm triệu đồng.

Ông Đinh Hài, Gíam đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Nam nhận xét: Với nhiều cách làm vừa đa dạng, vừa phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đặc biệt là thực hiện cơ chế minh bạch tài chính, tăng cường năng lực giám sát cộng đồng, phát huy quyền làm chủ của người dân trong đầu tư xây dựng hạ tầng nói chung và thiết chế văn hóa nói riêng, thị xã Điện Bàn đã trở thành điểm sáng trong quá trình xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở, góp phần đáng kể vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Để phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Quảng Nam và thị xã Điện Bàn chỉ đạo các địa phương sau khi xây dựng xong công trình đều phải có kế hoạch duy trì hoạt động thường xuyên, xây dựng quy chế bảo vệ công trình. Thực tế cho thấy, nhờ có khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phong trào rèn luyện than thể, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, tạo nên một đời sống văn hóa tinh thần thiết thực và lành mạnh của người dân nông thôn, ông Đinh Hài nhấn mạnh./.

Bài, ảnh: Đoàn Quốc Quân
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực