Một số ghi nhận từ cơ sở sau một năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020

Thứ ba, 03/01/2017 14:46
(ĐCSVN) - Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020 đã thực hiện được gần 1 năm với nhiều kết quả rất đáng phấn khởi. Tuy nhiên, sang gai đoạn này, nội dung và phương thức thực hiện của Chương trình có nhiều điểm mới nên đã xuất hiện một số khó khăn trong quá trình thực hiện.


Bằng nguồn vốn của Chương trình 135 đã làm cho bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đặc biệt khó khăn có nhiều khởi sắc
(Ảnh: Trần Quỳnh)

Sau nhiều năm, có dịp trở lại một số địa phương vùng sâu, vùng xa thuộc Chương trình 135 mới thấy được sự “thay da, đổi thịt” trên những vùng đất vốn rất nghèo khó này. Đó là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đến cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, trong đó có Chương trình 135. Hiện nay, cơ sở hạ tầng của hầu hết các địa phương này đều đã khang trang, 100% các xã đã có đường giao thông đến tận trung tâm xã và đến các thôn bản; đa số các thôn bản đã có nước sạch sinh hoạt, có điện lưới; có đất sản xuất và có nhà ở chắc chắn.

Cảm nhận về Chương trình 135, đa số người dân ở cơ sở đều khẳng định Chương trình đã làm thay đổi cuộc sống của bà con rất nhiều, Chương trình 135 đã thực sự phát huy vài trò là “bà đỡ” trong công tác xóa đói giảm nghèo đối với người dân nghèo; tạo thêm niềm tin và giúp bà con có thêm ý chí vươn lên xóa đói giảm nghèo căn cơ và bền vững…

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều địa phương, vẫn còn nhiều vướng mắc khiến cho việc thực hiện Chương trình chưa đạt hiệu quả mong muốn, việc thực hiện của địa phương gặp nhiều khó khăn.

Vướng mắc đầu tiên phải kể đến là khó khăn về chính sách. Các văn bản hướng dẫn chậm được ban hành, hướng dẫn tiêu chí phân bổ vốn chậm ảnh hưởng đến việc triển khai Chương trình. Một ví dụ nhỏ: sau khi các địa phương lập xong dự toán năm (dựa theo số lượng hộ nghèo cũ), đến cuối tháng 11 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định 59 (chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều), số lượng hộ nghèo tăng gấp đôi, gấp 3 lần. Lúc này các địa phương lại phải rà soát hộ nghèo để trình xin thêm kinh phí, dẫn đến việc triển khai Chương trình rất chậm.

Một chuyên gia Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho rằng, các chính sách dân tộc tại thời điểm ban hành cơ bản là đúng, phù hợp. Nhưng nguồn lực chưa đủ để đáp ứng nên không theo kịp với thực tiễn làm cho khó khăn trong triển khai thực hiện. Cơ chế thực hiện chính sách còn nhiều bất cập: từng chương trình, chính sách đều có cơ chế quản lý, thanh quyết toán riêng biệt nên khó lồng ghép thực hiện tại địa phương.

Bên cạnh đó, việc đầu tư còn dàn trải, suất đầu tư quá thấp. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Chương trình 135 hỗ trợ rất ít, năm 2017 định mức đầu tư cho mỗi xã cũng không hơn nhiều so với những năm trước, số tiền này chỉ mang tính hỗ trợ, chứ rất khó để đầu tư cho một công trình xây dựng, nên việc đầu tư trở nên manh mún. Muốn bứt phá thì phải có nguồn lực, mà nguồn lực của các địa phương vùng khó khăn rất hạn chế, nên cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) cho rằng, nếu ở miền xuôi, để xây dựng một công trình cần 1 đồng thì ở miền núi, vùng cao, số tiền đó phải lên xấp xỉ 2 lần (do công vận chuyển, giá thành đều cao hơn). Do đó, việc cào bằng đầu tư giữa miền núi và miền xuôi, vùng sâu vùng xa và trung tâm là không thỏa đáng. Bên cạnh đó, mặc dù ngoài Chương trình 135, các thôn bản khó khăn còn được các hỗ trợ khác như cứu đói giáp hạt, dịch vụ rừng, làm nhà cho người nghèo, hỗ trợ cây trồng vật nuôi, tuy nhiên, các hỗ trợ này cũng mang tính chất lẻ tẻ, không tập trung, không đủ lớn để đầu tư có bài bản.

Một ý kiến từ lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum đã cho biết, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn Trung ương cấp về thiếu so với định mức quy định. Việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư thì hiện nay thực hiện phân cấp mạnh. Tuy nhiên, một số xã thực hiện còn lúng túng do trình độ, năng lực cán bộ xã còn hạn chế.

Ngoài những khó khăn về chính sách, những khó khăn trong việc thực thi Chương trình cũng khiến các địa phương gặp khó: Công tác quản lý, duy tu, bảo quản các công trình ở cơ sở, nhất là các thôn làng có những hạn chế, nhất là công trình nước sinh hoạt. Đối với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chưa xây dựng được các mô hình điển hình mang lại thu nhập cho người dân để nhân rộng. Về địa bàn, hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa, thời tiết không thuận lợi, đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình 135.

Ngoài ra, ở những vùng sâu vùng xa, việc phát triển quỹ đất rất khó và tốn kém trong khi, dân số phát triển nhanh, ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất của bà con.

Việc đầu tư dàn trải, manh mún cũng khiến cho các địa phương khó tập trung được nguồn lực trong công tác xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt là sự thiếu thống nhất giữa chính sách cũ và mới đã gây nhiều khó khăn cho cơ sở. Theo đồng chí Lê Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) cho biết, Chương trình 135 thực hiện hỗ trợ hộ nghèo theo tiêu chí mới, còn Chương trình 102 do nguồn lực thấp nên hỗ trợ hộ nghèo theo tiêu chí cũ, do đó việc hỗ trợ người có người không, điều này gây nên khúc mắc trong nhân dân, làm khó cơ sở. Ngoài ra, một số chính sách có nội dung trùng lắp về đối tượng, địa bàn thụ hưởng; chính sách đề ra có quá nhiều đầu mối quản lý dẫn đến nguồn lực bị phân tán, giàn trải; việc phân công quản lý chỉ đạo điều hành một số chính sách còn chồng chéo; việc phối hợp giữa Bộ với các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện chính sách chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Ngoài ra, theo ý kiến của một số nhà quản lý, hiện nay vẫn còn nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, bao cấp của Nhà nước, vì vậy tạo tâm lý cho người dân trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ, chưa tạo được sự khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về nông thôn mặc dù đã được sửa đổi nhưng chưa đủ sức hấp dẫn, chưa tạo ra chuyển biến rõ nét đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Các địa bàn vùng sâu, vùng xa rất khó kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư.

Cần những giải pháp căn cơ

Khi hỏi về các kiến nghị từ cơ sở, hầu hết các lãnh đạo địa phương đều cho rằng, việc đầu tư còn dàn trải, manh mún, nên không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Từ huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu), đồng chí Lê Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh địa phương không đề nghị tăng mức hỗ trợ, vì ngân sách của ta còn eo hẹp, mà đề xuất nên lồng ghép các chương trình, nguồn lực. Tất cả các Chương trình của ta không nên dàn trải, cần gói gọn các chương trình hỗ trợ cho dân, tích tiểu thành đại để có thể đầu tư bài bản, có trọng tâm trọng điểm. Ví dụ Chương trình 135 thì hỗ trợ người dân mua con giống để phát triển chăn nuôi; còn Chương trình 102 thì hỗ trợ người dân mua thức ăn cho gia súc, gia cầm. Nhưng hai Chương trình này lại hỗ trợ không cùng một lúc, hoặc không trên cùng một đối tượng, nên nếu ta gộp các chế độ với nhau, địa phương sẽ định hướng công việc dễ hơn. Chứ cứ xé lẻ ra thì rất khó thực hiện.

Đồng chí Lê Thanh Dương cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm của huyện trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ở Chương trình này, xã được xác định lộ trình mỗi năm phấn đấu tiêu chí nào, từ đó xây dựng lộ trình cho các xã, rồi của huyện chung; sau đó sắp xếp các thứ tự ưu tiên, tập trung vào nguồn lực đó. Ví dụ Chương trình nông thôn mới, Chương trình 30a hỗ trợ gì, 135 hỗ trợ gì, và các nguồn lực khác hỗ trợ gì… Tập trung vào xã đó, tránh mỗi thứ làm một kiểu gây manh mún. Ví dụ: lồng ghép dự án trồng chè của Chương trình xây dựng nông thôn mới với chương trình hỗ trợ giống cây con của Chương trình 135, tất nhiên phải rõ ràng nguồn nào ra nguồn đấy để có thể thanh quyết toán, tránh vi phạm quản ký về kinh tế, tập trung theo đúng mục tiêu của chương trình đó. Trên quan điểm ra tấm ra miếng mà vẫn đảm bảo đúng quy định.

Về kinh nghiệm của của tỉnh Kon Tum, ông U Minh Nam (Phó Ban Dân tộc tỉnh) cho biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện lồng ghép 30% vốn đầu tư xây dựng Chương trình 135 để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích các địa phương lồng ghép tối đa vốn Chương trình 135 để xây dựng nông thôn mới để sự đầu tư được tập trung. Bên cạnh đó, đồng chí cũng kiến nghị, Kon Tum là tỉnh khó khăn, Trung ương cần cho chủ trương lập dự án đầu tư, hỗ trợ với những nội dung phù hợp có chiều sâu, nhằm hỗ trợ phát huy tính bền vững của dự án đã đầu tư. Có chính sách hỗ trợ một số dân tộc thiểu số sống ở vùng nội và ngoại đô thị còn gặp nhiều khó khăn không có đất sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm… để giảm khoảng cách giữa các dân tộc cùng sinh sống trên một địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) thì cho rằng, để thực hiện thành công việc xóa đói giảm nghèo bền vững, phải có chính sách như Chương trình tái định cư (nguồn lực nhiều) mới làm thay đổi căn bản, toàn diện bộ mặt vùng đặc biệt khó khăn. Chương trình tái định cư Thủy điện Lai Châu trên địa bàn huyện Mường Tè là một ví dụ.

Chương trình 135 là do Ủy Ban Dân tộc điều phối. Nhưng cũng rất cần sự phối hợp của các Bộ, ngành khác trong việc xây dựng các chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ có liên quan đến vùng thụ hưởng của Chương trình. Việc làm này vừa tránh chồng chéo, vừa tập trung được nguồn lực. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang nghiên cứu tạo điều kiện về cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có vùng dân tộc thiểu số theo hướng liên kết với hợp tác xã, trang trại, gia trại, nông dân để sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chất lượng và giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị. Ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa mũi nhọn để sản xuất theo hướng tập trung, quy mô và khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao tạo thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt hiện nay, Bộ đang xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về hỗ trợ sản xuất để giảm nghèo nhằm tích hợp các chính sách và thống nhất cơ chế thực hiện, giảm chồng chéo, trùng lặp và tăng hiệu quả của công tác hỗ trợ đồng thời đổi mới phương thức hỗ trợ theo hướng tạo sự chủ động cho người dân, giảm sự trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước./.

TH
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực