Quảng Trị: Phấn đấu đến cuối năm 2017 giảm 50% số hộ nghèo thuộc diện chính sách

Thứ ba, 28/11/2017 16:21
(ĐCSVN) - Ưu tiên tập trung các nguồn lực và giải pháp để hỗ trợ hộ nghèo thuộc diện chính sách, ưu đãi người có công vươn lên thoát nghèo, phấn đấu cuối năm 2017 giảm 50% số hộ nghèo thuộc diện chính sách. Đây là mục tiêu trọng tâm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững 6 tháng cuối năm 2017 của tỉnh Quảng Trị.
Nhiều hộ nghèo ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị
 được thụ hưởng các chính sách, dự án giảm nghèo bền vững (ảnh: mic.gov.vn)

Về chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn là 12.064 lượt hộ, với tổng số tiền vay là 353.158 triệu đồng. Cấp 178.330 thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí cấp thẻ Bảo hiểm y tế là 127 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban quản lý Quỹ khám, chữa bệnh của tỉnh đã phân bổ 10 tỷ đồng cho các cơ sở y tế của Nhà nước nhằm hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền đi lại và tiền viện phí cho các đối tượng (người nghèo, bảo trợ xã hội và người mắc bệnh hiểm nghèo không đủ khả năng chi trả viện phí).

Bên cạnh đó, Tỉnh cũng miễn giảm học phí cho 24.810 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hỗ trợ về chi phí học tập cho 27.401 lượt học sinh thuộc hộ nghèo; tổng kinh phí miễn giảm và chi phí học tập là 18.882 triệu đồng.

Ngoài ra, các trường học ở địa phương đã có nhiều hình thức giúp đỡ, động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như: vận động học sinh quyên góp sách giáo khoa, hỗ trợ dụng cụ học tập, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, qua đó đã khích lệ, động viên các em có sự nỗ lực cố gắng vươn lên trong học tập.

Về hỗ trợ đào tạo nghề, các cơ sở dạy nghề đã tổ chức đào tạo nghề cho 4.285 lao động nông thôn, trong đó có 185 lao động nghèo, cận nghèo và 832 lao động ở vùng biển bị ảnh hưởng do sự cố môi trường, với tổng kinh phí là 5,7 tỷ đồng.

Về chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, Tỉnh đã thực hiện xây mới và cải tạo, nâng cấp nhà ở cho 80 hộ nghèo theo Quyết định số 33/QĐ-TTg về hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, với nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội là 24.000 triệu đồng và nguồn vốn huy động khác là 325 triệu đồng.

Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm nay, các ngành, các cấp ở địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp tham mưu và hướng dẫn, triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh khá đồng bộ và hiệu quả, do đó nhìn chung người nghèo, người cận nghèo và người mới thoát nghèo đã kịp thời được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ giảm nghèo.

Các phong trào “Ngày vì người nghèo” của Ủy ban Mặt trận TQVN và các phong trào tham gia thực hiện công tác giảm nghèo của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên các cấp trên địa bàn đã thu hút đông đảo sự quan tâm và giúp đỡ của các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho công tác giảm nghèo, đặc biệt là sự đóng góp của người dân ở cộng đồng dân cư. Tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2017 của toàn tỉnh là 13,49%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 7,26%.

Tuy nhiên, hiện nay toàn tỉnh có 911 hộ nghèo thuộc diện chính sách ưu đãi người có công, chiếm tỷ lệ 4,1% so với tổng số hộ nghèo. Các địa phương, các cấp, đặc biệt chính quyền cấp cơ sở chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, thực hiện giải pháp đột phá để tạo điều kiện hỗ trợ hộ nghèo thuộc diện chính sách ưu đãi người có công để vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về giảm nghèo chưa được tổ chức thường xuyên, còn một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước, không muốn thoát nghèo để được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước; một số hộ còn ngại vay vốn sản xuất, kinh doanh để cải thiện điều kiện sống. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách, dự án nghèo ở một số ngành, địa phương còn thiếu thường xuyên, do đó dẫn đến việc chỉ đạo, theo dõi thực hiện công tác giảm nghèo cũng gặp không ít khó khăn.

Chính vì thế, Quảng Trị đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thực hiện giảm nghèo bền vững 6 tháng cuối năm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp đẩy mạnh, đa dạng hóa về hình thức và nội dung trong công tác thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo hiểu được trách nhiệm của mình để tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, tạo điều kiện hộ nghèo vươn lên thoát nghèo như bằng cách tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích tụ ruộng đất để xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoa sinh kế; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo, nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, gắn công tác đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động nông thôn đến năm 2020, thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu các dự án đầu tư, nhất là các dự án triển khai tại Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận và tham gia.

Về hỗ trợ tiếp cận y tế, tỉnh sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và người nghèo nói riêng, tiến hành rà soát, điều chỉnh, kiện toàn nâng cao năng lực tổ chức bộ máy và mạng lưới y tế từ tỉnh đến cấp xã. Thực hiện tốt việc cấp thẻ và khám chữa bệnh cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và người dân ở vùng đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách ưu đãi về giáo dục đối với các học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ tạo điều kiện để tất cả đối tượng từ 15 tuổi đến 30 tuổi được tiếp tục đi học và hoàn thành tốt nghiệp phổ thông, cơ sở. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Đặc biệt, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực và các giải pháp để hỗ trợ hộ nghèo thuộc diện chính sách ưu đãi người có công vươn lên thoát nghèo như: Được tham gia vào các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; được tư vấn, hướng dẫn kinh nghiệm, cách làm ăn; được vay vốn để sản xuất kinh doanh; được hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo bền vững...

T.L
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực